Nghịch lý rác ngổn ngang, nhà máy vẫn "đói"... nguyên liệu!

(Baohatinh.vn) - Trong khi hàng ngàn tấn rác thải được vứt ngổn ngang tại Khu kinh tế Vũng Áng và nhiều địa phương khác thì một nhà máy xử lý rác thải quy mô, hiện đại được xây dựng tại xã Kỳ Tân (Kỳ Anh) lại đang “đói” rác. Thiếu tiếng nói chung, chưa có cơ chế, chính sách đồng bộ được xác định là nguyên nhân chính làm nảy sinh nghịch lý buồn tồn tại bấy lâu nay.

Trong khi hàng nghìn tấn rác thải vẫn được vứt bừa bãi tại các trục đường, khu dân cư thì Nhà máy Xử lý rác thải Hoành Sơn lại đang “đói” nguyên liệu.

Trong khi hàng nghìn tấn rác thải vẫn được vứt bừa bãi tại các trục đường, khu dân cư thì Nhà máy Xử lý rác thải Hoành Sơn lại đang “đói” nguyên liệu.

Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt Hoành Sơn và Nhà máy Xử lý chất thải công nghiệp do Công ty TNHH Môi trường Phú Hà làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích hơn 20 ha tại xã Kỳ Tân có tổng mức đầu tư trên 620 tỷ đồng. Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt Hoành Sơn bắt đầu xây dựng từ quý IV/2014 và đến cuối quý II/2015 đưa vào hoạt động dây chuyền 1 đạt công suất 240 tấn/ngày đêm. Sau khi dây chuyền 1 đi vào hoạt động, sẽ lắp đặt dây chuyền 2 để đảm bảo quý III/2016, hoàn thành nhà máy đưa vào hoạt động, đạt công suất 500 tấn/ngày đêm.

Công ty TNHH Môi trường Phú Hà cũng tiến hành xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghiệp. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Phú Hà - Hoàng Chí Thức, hiện tại, các hạng mục xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt với công suất 240 tấn/ngày đêm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cùng với đó, chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, dự kiến hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động vào tháng 6/2016.

Sự ra đời của nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và nhà máy xử lý chất thải công nghiệp của Công ty TNHH Môi trường Phú Hà được kỳ vọng sẽ giúp các địa phương, đơn vị hóa giải bài toán xử lý chất thải trên địa bàn theo một quy trình thu gom, xử lý hiện đại. Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, sau khi các hạng mục của nhà máy chế biến rác thải sinh hoạt được đưa vào sử dụng, lượng rác thải được thu gom, xử lý chỉ đạt 15% so với công suất của dây chuyền 1 (240 tấn/ngày đêm), đó là chưa kể lượng rác cho nhà máy ở giai đoạn 2 theo dự kiến là 500 tấn/ngày đêm.

“Bên cạnh cơ chế, chính sách trong việc nghiệm thu, thanh toán cho việc vận chuyển và xử lý rác còn chưa đồng bộ, khiến nhà đầu tư không yên tâm (việc xây dựng cơ chế còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu căn cứ pháp lý về giá và thanh toán), thì công tác quản lý nhà nước trong việc thu gom, xử lý rác thải còn lỏng lẻo, chưa thống nhất giữa các sở, ngành và địa phương là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng “đói” rác như hiện nay” - Phó Tổng Giám đốc Hoàng Chí Thức cho biết thêm.

Theo phản ánh của chủ đầu tư, do thiếu nguồn rác đầu vào nên việc tiếp tục lắp đặt dây chuyền 2 của nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công suất 500 tấn/ngày đêm theo yêu cầu của UBND tỉnh sẽ phải dừng lại. Mặc dù đơn vị đã ký hợp đồng tổng thầu chế tạo và lắp đặt toàn bộ thiết bị (như lò đốt và dây chuyền phân loại) nhưng hiện tại không thể triển khai tiếp vì thiếu rác. Trong khi đó, hàng nghìn tấn rác thải sinh hoạt tại nhiều địa phương lại đang “tá túc” ở các khu dân cư và dọc các tuyến giao thông.

Theo tìm hiểu của PV, nguồn rác thải được đưa về xử lý tại Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt Hoành Sơn từ các địa bàn: huyện Kỳ Anh, TX Kỳ Anh, KKT Vũng Áng, các xã phía Nam huyện Cẩm Xuyên. Tuy nhiên, do các địa phương chưa xây dựng được cơ chế, chính sách trong việc thu gom rác thải trên địa bàn, chưa có sự thống nhất chi phí thanh toán thu gom, vận chuyển giữa Công ty TNHH Môi trường Phú Hà và các địa phương, đơn vị nên hiện tại, nhà máy mới chỉ tiếp nhận một lượng rác rất nhỏ do 2 đơn vị: Công ty CP Tư vấn, Xây dựng và Quản lý môi trường Kỳ Anh và Trung tâm Dịch vụ hạ tầng KKT tỉnh thu gom. Thành ra, lượng rác được thu gom, xử lý chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với số lượng được thải ra hàng ngày ở KKT Vũng Áng, TX Kỳ Anh và một số địa phương lân cận.

Để chấm dứt nghịch lý rác thải thì không được xử lý trong khi nhà máy chế biến rác lại đang “đói” rác, các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan cần vào cuộc đồng bộ, đảm bảo hài hòa trách nhiệm và lợi ích giữa các bên để tháo gỡ khó khăn trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast