Người cao tuổi trong văn hóa Việt

(Baohatinh.vn) - Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời xây dựng nền văn hóa tiên tiến là nhiệm vụ của toàn xã hội, trong đó, người cao tuổi đóng vai trò hết sức quan trọng.

Người cao tuổi trong văn hóa Việt

Các cụ cao tuổi sống mẫu mực chính là tài sản quý giá của xã hội (Ảnh Huy Tùng)

Truyền thống Việt Nam xưa nay đều rất coi trọng người cao tuổi. Các cụ ông, cụ bà sống mẫu mực chính là tài sản quý giá, một lực lượng quan trọng trong sự phát triển chung của xã hội. Người cao tuổi trong mỗi gia đình đã có những tác động trực tiếp, quyết định nên sự hình thành, phát triển của nền văn hóa dân tộc thông qua việc giáo dục con cháu.

Bố tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi, cả cuộc đời ông là tấm gương sáng để chúng tôi học tập. Chưa cần đến những lời giáo huấn sâu xa, chỉ cần nhìn vào quá trình học tập, cống hiến và cách đối nhân xử thế của ông với các thành viên trong gia đình và xã hội, chúng tôi cũng tự cảm nhận được những bài học quý giá. Đó là niềm kính yêu, biết ơn bậc sinh thành. Cả khi ông bà nội ngoại tôi còn sống lẫn lúc ông bà tôi đã mất, bố tôi luôn kính trọng và dành tình yêu thương hết mực cho hai bên cha mẹ. Trong ứng xử với bạn bè, chòm xóm, ông cũng luôn đối xử chân tình, chọn cái hay, cái tốt của người khác để tiếp cận và xóa bỏ cái khiếm khuyết của họ để kết giao vui vẻ, chan hòa. Đặc biệt, bố tôi là người rất biết cách đối diện với nỗi buồn, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ông cũng tự tìm cho mình một suy nghĩ tích cực nhất và không bao giờ bị nỗi buồn hủy hoại tư tưởng, tâm lý…

Người cao tuổi trong văn hóa Việt

Thái độ sống tích cực của bố tôi trong mọi hoàn cảnh chính là tấm gương để con cháu soi vào để tự rèn luyện bản thân.

Trong gia đình, bố tôi cũng là tấm gương về tinh thần học tập, lao động hăng say. Chỉ được học đến lớp 4 rồi đi bộ đội nhưng bố tôi đã tự phấn đấu, rèn luyện để trở thành giảng viên Trường Sỹ quan lục quân I rồi Học viện Kỹ thuật quân sự. Sau này, khi về hưu, bố mẹ tôi vẫn nhận đất đồi để khai hoang trồng sắn, trồng lạc kiếm thêm thu nhập. Bây giờ, khi sức đã yếu nhưng ông bà vẫn nuôi thêm đàn ong, đàn gà, cuốc đất trồng rau cho vui. Ông vẫn chăm chỉ đọc sách báo mỗi ngày để không bị lạc hậu trước thời cuộc…Thái độ sống tích cực ấy chính là tấm gương để chúng tôi soi vào và tự mình nỗ lực, rèn luyện hoàn thiện bản thân.

Người cao tuổi trong văn hóa Việt

Chăm chỉ lao động theo sức của mình cũng là cách để người cao tuổi răn dạy con cháu về tinh thần yêu lao động.

Gia đình tôi chỉ là một ví dụ rất nhỏ trong hàng triệu gia đình mẫu mực khác của xã hội. Các nhà khoa học xã hội đều cho rằng, văn hóa xã hội hình thành từ văn hóa gia đình. Văn hóa truyền thống của dân tộc có được lưu giữ, trao truyền hay không là ở nếp sinh hoạt của mỗi gia đình. Người cao tuổi trong gia đình có vai trò rất quan trọng đối với sự hình thành văn hóa của xã hội.

Truyền thống văn hóa Việt Nam luôn luôn tồn tại hình thức truyền thụ, giáo dục về các giá trị văn hóa giữa các thế hệ trong mỗi gia đình. Rất nhiều câu thành ngữ đúc kết quá trình giáo dục về cách ứng xử: “Ăn xem nồi, ngồi xem hướng”, “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”… được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Không ai khác, người cao tuổi trong mỗi gia đình bằng những trải nghiệm, thu nhận, rèn luyện của mình sẽ trao truyền cho con cháu những bài học cụ thể nhất, sinh động nhất, phù hợp với những chuẩn mực của gia đình và xã hội. Từ đó hình thành nên văn hóa gia đình, văn hóa cộng đồng dân cư, văn hóa xã hội.

Người cao tuổi trong văn hóa Việt

Sống vui vẻ với chòm xóm, láng giềng là một trong những nét thuần phong mỹ tục mà người cao tuổi đã kiến tạo và trao truyền cho thế hệ trẻ. (Ảnh: Đậu Bình)

Trong thời kỳ hội nhập, người cao tuổi trong gia đình sẽ là người chọn lọc, truyền lại những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời sẽ định hướng cho các thế hệ con cháu biết lựa chọn những nét văn hóa tiến bộ của nhân loại để phát triển văn hóa của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Nhờ đó, mới hình thành nên một nếp sống lành mạnh, xã hội văn minh vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngoài môi trường gia đình, xã hội còn ghi nhận những đóng góp to lớn của người cao tuổi khi tham gia vào quá trình kiến tạo và trao truyền các di sản văn hóa của dân tộc. Nếu như trước đây, cha ông ta đã gửi gắm “hồn dân tộc” vào trong thuần phong mỹ tục, trong các điệu hát dân ca và nghề thủ công truyền thống thì ngày nay, đội ngũ các cụ ông, cụ bà, các nghệ nhân, thợ thủ công cao tuổi đang ra sức gìn giữ, trao truyền và phát huy nó trong đời sống xã hội.

Người cao tuổi trong văn hóa Việt

Người cao tuổi chính chính là "pho sách quý", lưu giữ nhiều nét văn hoá của dân tộc cho đời sau. (Ảnh Huy Tùng)

Trong dòng chảy văn hóa của dân tộc, Hà Tĩnh cũng có những đóng góp không nhỏ tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc. Trong đó, các điệu hátca trù, dân ca ví, giặm đều đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngày nay, ở khắp các làng xã, đội ngũ nghệ nhân cao tuổi đang ra sức sưu tầm, khôi phục, gìn giữ, trao truyền giá trị các di sản cho thế hệ trẻ. Từ những cố nghệ nhân hát ca trù Phan Thị Mơn, Phan Thị Nga ở Cổ Đạm (Nghi Xuân) đến các nghệ nhân hát dân ca ví, giặm Nguyễn Ban, Thanh Minh, Minh Chính… đều đã và đang có những đóng góp tích cực trong việc gìn giữ, kiến tạo nền văn hóa Hà Tĩnh.

Người cao tuổi với những kinh nghiệm và sáng tạo quý báu có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, Nhà nước và cộng đồng cần luôn đồng hành, hỗ trợ để người cao tuổi tích cực gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời giúp thế hệ trẻ lựa chọn tiếp cận với tinh hoa văn hóa nhân loại.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast