Nhiều hành vi bị nghiêm cấm thực hiện với trẻ em

Tại dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất 14 hành vi bị nghiêm cấm thực hiện đối với trẻ em.

Cụ thể, cấm xâm hại trẻ em; bóc lột trẻ em; sao nhãng trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện các quyền của mình.

Cấm sử dụng, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ để trẻ em tham gia mua, bán, sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý; sử dụng, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ để trẻ em tham gia đánh bạc; bán, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích có hại cho trẻ em.

Nhiều hành vi bị nghiêm cấm thực hiện với trẻ em ảnh 1

Ảnh minh họa từ internet

Đồng thời, cấm sản xuất, sao chép, lưu hành, phát tán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm bạo lực, khiêu dâm có nội dung, hình ảnh của trẻ em; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh, vận hành, phát tán đồ chơi, trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

Dự thảo cũng đề xuất cấm xúi giục trẻ em thù ghét cha, mẹ, người chăm sóc, người giám hộ, xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác. Cấm kỳ thị, phân biệt đối xử trẻ em khuyết tật, trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trẻ em dân tộc thiểu số. Cấm đặt cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho gây độc hại, cháy, nổ, tiếng ồn lớn gần cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc đặt cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em gần cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho gây độc hại, cháy, nổ, tiếng ồn lớn.

Bên cạnh đó, cấm lấn chiếm, sử dụng sai mục đích cơ sở vật chất dành cho việc bảo vệ trẻ em, học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em; cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức thực hiện các quyền trẻ em.

Cấm hành vi từ chối, không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời trách nhiệm hoặc ngăn cản việc báo cáo, hỗ trợ, điều trị đối với trẻ em trong tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ hoặc đang bị tổn hại tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự.

Hưởng các quyền trẻ em một cách công bằng

Dự thảo nêu rõ, mọi trẻ em, không phân biệt giới tính, dân tộc, ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo; không phân biệt con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung, trẻ em được nhận chăm sóc thay thế; không phân biệt thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha, mẹ hoặc người chăm sóc, người giám hộ, đều được hưởng các quyền trẻ em một cách công bằng theo quy định của pháp luật.

Lợi ích tốt nhất của trẻ em phải được xem xét trước hết trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách, chiến lược, kế hoạch; thực hiện quyết định, hành động liên quan đến mọi trẻ em và mỗi cá nhân trẻ em, phù hợp với điều kiện quốc gia, địa phương, cơ quan, tổ chức, gia đình.

Theo dự thảo, Nhà nước, gia đình, xã hội thực hiện đầy đủ và hài hòa các quyền trẻ em theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm trẻ em được sống khỏe mạnh và phát triển một cách an toàn, lành mạnh. Ý kiến, nguyện vọng của trẻ em phải được cơ quan, tổ chức, cha, mẹ và cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quyền trẻ em lắng nghe, cân nhắc, xem xét và phản hồi.

Theo VGP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast