Những băn khoăn trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp

(Baohatinh.vn) - Hoạt động giám sát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của HĐND các cấp. Lâu nay, hoạt động này đã được quan tâm, thực hiện thường xuyên và ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai hoạt động giám sát của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh ta còn cho thấy nhiều vấn đề bất cập, hạn chế...

Khi bàn luận về vấn đề này, nhiều người trong cuộc cho rằng, hiện nay, cơ cấu tổ chức của HĐND nói chung và cấp huyện, cấp xã nói riêng chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được quy định.

HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện làm nhà ở cho người nghèo ở Vũ Quang

HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện làm nhà ở cho người nghèo ở Vũ Quang

Ngoại trừ cấp tỉnh thì số lượng đại biểu chuyên trách ở cấp huyện chỉ có 2 người và cấp xã là 1 người, còn lại là kiêm nhiệm. Mặt khác, số đại biểu hội đồng cũng ít và phải đảm bảo tính cơ cấu đại diện nên chất lượng đại biểu chưa thực sự được nâng cao. Hiện nay, đa số đại biểu hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau, thiếu chuyên sâu, kỹ năng thảo luận và đánh giá vấn đề hạn chế nên khi bàn để ra quyết định cũng như tiến hành hoạt động giám sát gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, nội dung giám sát lại đa dạng, nhiều vấn đề mang tính nghiệp vụ chuyên sâu.

Nói về thực trạng “người nghiệp dư đi giám sát người chuyên nghiệp”, ông Trần Quốc Việt - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn) chỉ rõ: “Muốn giám sát thì phải có trình độ cao hơn đối tượng bị giám sát, chí ít cũng phải bằng. Thế nhưng, trong thực tế, nhiều cán bộ hội đồng, đặc biệt là ở cấp xã không có chuyên môn, khi đi giám sát không xác định được vấn đề, nhất là các vấn đề khó, nhạy cảm như xây dựng cơ bản, đất đai, tài chính…”.

Để hoạt động giám sát có chiều sâu, hiệu quả thì đội ngũ cán bộ giúp việc đóng vai trò rất quan trọng. Thế nhưng, hiện nay, bộ máy văn phòng từ cấp huyện trở xuống đang hoạt động chung với UBND (riêng ở cấp xã thì chưa có công chức văn phòng chuyên trách phục vụ hoạt động HĐND). Khi chuẩn bị nội dung cho các cuộc giám sát thì họ là những người “vừa đá bóng, vừa thổi còi” bởi văn phòng vừa tham mưu, làm báo cáo cho cơ quan giám sát là HĐND nhưng đồng thời cũng tham mưu, làm báo cáo cho cơ quan bị giám sát là UBND. Cùng với cán bộ văn phòng thì bộ phận giúp việc được điểu động từ các cơ quan chuyên môn cũng trong tình trạng đó. Do thiếu kiến thức chuyên sâu nên khi tiến hành các hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề thì các đoàn giám sát của HĐND các cấp phải điều cán bộ chuyên môn của lĩnh vực đó tham gia phục vụ, tư vấn, xử lý công việc. Khi “họ giám sát chính họ” thì tinh thần làm việc, chất lượng tham mưu, hiệu quả giám sát cũng là vấn đề cần được xem xét.

Kinh phí thực hiện hoạt động giám sát của HĐND các cấp (trừ cấp tỉnh) cũng đang là một vấn đề đáng quan tâm. Hiện nay, nguồn kinh phí hàng năm dành cho HĐND các cấp khá hạn chế và phụ thuộc vào nguồn thu ngân sách của mỗi địa phương, nhất là ở các xã, phường, thị trấn. Nguồn kinh phí không đảm bảo nên ở một số địa phương mỗi khi thực hiện các hoạt động giám sát thì phải xin kinh phí từ UBND. Việc lấy tiền từ UBND để giám sát các hoạt động của chính quyền đã có tác động không nhỏ đến chất lượng, kết quả giám sát…

Để góp phần khẳng định vai trò, vị thế của cơ quan quyền lực cao nhất nói chung và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp nói riêng ở các địa phương, ông Nguyễn Duy Trinh - Chủ tịch HĐND huyện Hương Sơn cho rằng: “Trước hết phải có các giải pháp để hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động giám sát của HĐND; đổi mới cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực các chủ thể thực hiện chức năng giám sát gắn với đổi mới về nội dung và phương thức giám sát. Ngoài ra, cần phải tăng cường mối quan hệ phối hợp giám sát giữa HĐND các cấp với các ngành, tổ chức đoàn thể và có giải pháp đảm bảo các điều kiện phục vụ khác...”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast