Những giá trị nhân văn từ chính sách tín dụng ưu đãi

Trong những năm qua, Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh đã không ngừng nỗ lực để nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, đồng bào vùng di dân tái định cư và các đối tượng chính sách khác.

Trong 2 năm qua, doanh số cho vay cho vay của Ngân hàng CSHH tỉnh đạt gần 1.567 tỷ đồng, số dư nợ đến cuối năm 2011 đạt 2.748 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt mức 25,3%. Hiện Ngân hàng CSXH tỉnh đang thực hiện cho vay 11 chương trình tín dụng đối với gần 200 ngàn khách hàng. Để thực hiện tốt Nghị định số 78/2002 của Chính phủ về “Tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác”, trong thời gian qua, Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh luôn tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của ngành và tỉnh, có sự phối kết hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, chuyển đổi phương thức ủy thác cho vay, tranh thủ các nguồn vốn…. Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện, đơn vị đã triển khai tổ chức thực hiện tốt các thủ tục hành chính trong việc cho vay, thu lãi và thu nợ. Theo đó, chỉ tiêu kế hoạch cho vay đã được phân bổ theo khả năng thực hiện của từng địa phương, phù hợp với cơ cấu vùng miền, tỷ lệ hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Ngân hàng luôn chủ động phối kết hợp với các tổ chức Hội nhận ủy thác và chính quyền địa phương để kịp thời tuyên truyền, công khai các cơ chế, chính sách cho vay ưu đãi nhằm giúp mọi người hiểu rõ và cùng tham gia thực hiện, tham gia, giám sát. Công tác bình xét cho vay, làm hồ sơ đã được hướng dẫn cụ thể ngay từ các thôn, xóm.

Những ngôi nhà làm theo Chương trình 167 như thế này ở Hương Giang (Vũ Quang) luôn mang đậm dấu ấn của các nguồn tín dụng ưu đãi
Những ngôi nhà làm theo Chương trình 167 như thế này ở Hương Giang (Vũ Quang) luôn mang đậm dấu ấn của các nguồn tín dụng ưu đãi

Cùng với công tác cải cách hành chính, các điểm giao dịch cố định đã được bố trí rộng khắp 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Chất lượng hoạt động và hiệu quả công khai các chính sách tại các điểm giao dịch luôn được chú trọng củng cố và từng bước nâng cao. Thời gian giao dịch tại xã được bố trí phù hợp với điều kiện và khả năng thực hiện của từng đơn vị, góp phần giảm chi phí, bảm đảm an tòan, tạo thuận lợi cho khách hàng khi giao dịch. Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân tại các điểm giao dịch hiện đã đạt 98%, tỷ lệ thu nợ đạt 88%, tỷ lệ thu lãi đạt 99%, mọi vướng mắc của nhân dân được giải quyết kịp thời, không có khiếu kiện, khiếu nại xẩy ra….

Hiện nay, dự nợ cho vay bình quân của các chương trình ưu đãi tín dụng đã không ngừng được tăng lên. Theo đó, dư nợ bình quân của Chương trình cho vay hộ nghèo đạt 11,4 triệu đồng/ hộ, Chương cho vay giải quyết việc làm đạt 16 triệu đồng/ hộ, Chương trình cho vay hộ SXKD đạt 20 triệu đồng/ hộ, dự nợ bình quân của xã, phường đạt 10,3 tỷ đồng/ đơn vị.... Nhìn chung, các đối tượng thụ hưởng đã sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả nguồn vốn được vay. Từ các nguồn ưu đãi tín dụng đã giúp cho hàng chục ngàn người nghèo và các đối tượng chính sách khác có trâu bò cày kéo, mua sắm được phương tiện sản xuất, nâng cao sinh kế, cải thiện cuộc sống; hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định và mở rộng sản xuất, kinh doanh; giúp hàng ngàn học sinh con nhà nghèo được tiếp tục đến trường và nhiều ý nghĩa to lớn khác.

Chỉ tính riêng năm 2011 vừa qua, nhờ nguồn tín dụng ưu đãi mà toàn tỉnh có: 3.327 hộ thoát nghèo, 587 lao động nghèo được vay vốn đi XKLĐ, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho gần 5 ngàn lao động, giúp các hộ gia đình ở khu vực nông thôn xây dựng được 14.481 công trình nước sạch vệ sinh, hỗ trợ gần 10 ngàn hộ nghèo làm nhà ở theo tinh thần Quyết định 167 của Chính phủ…. Ngoài ra, thông qua việc tổ chức thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi cũng đã góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, khắc phục tình trạng thiếu vốn, ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, góp phần ổn định xã hội và cũng cố lòng tin của nhân đối với Đảng, nhà nước…..

Có thể khẳng định rằng, hiệu quả của các chương trình tín dụng ưu đãi đã và đang để lại những dấu ấn rõ nét trong bức tranh đổi mới của nông thôn và trong đời sống của người dân. Các nguồn vốn vay được xem là cứu cánh để hàng chục ngàn người nghèo và các đối tượng chính sách khác khắc phục khó khăn, thoát nghèo vững chắc, vươn lên ổn định cuộc sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast