Những ngày khiếp lũ...

Với sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp cùng các tổ chức, cá nhân hảo tâm, đồng bào vùng lũ đã có miếng cơm lót dạ, tấm áo che thân; nhưng trước mắt họ là những hoang tàn, đổ nát phải cần một thời gian khá dài nữa mới có thể khôi phục. Tận mắt chứng kiến gần như toàn bộ quá trình: lũ về - lũ phá - lũ đi, mới thấy phận người quá mong manh, nhỏ bé trước thiên nhiên. Nhớ lại những ngày mới qua, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, khủng khiếp!

Những nơi tôi đến, những vùng tôi qua, đều là đều nhuốm màu đau thương, mất mát. Nhiều đêm, trở về nhà trong mệt mỏi, đau nhừ, cố nhắm mắt nhưng tôi vẫn không sao ngủ được bởi hình ảnh những cái chết oan nghiệt trên chiếc xe định mệnh bên dòng Lam Giang; hay những người xấu số ở: Hương Khê, Can Lộc, Cẩm Xuyên..., chết đến mấy ngày vẫn phải gác quan tài lên chạn vì nước lũ bủa vây bốn bề, không có đất để táng; rồi cả những đám ma phải đi bằng đò, bằng bè chuối để lên vùng cao gửi xác...

Hàng ngàn người dân vùng lũ phải tránh lũ trên chạn nhà
Hàng ngàn người dân vùng lũ phải tránh lũ trên chạn nhà

Tôi đã bật khóc trước những cái chết thương tâm; vì thương nông dân một nắng hai sương, đổ mồ hôi sôi nước mắt, chắt chiu dành dụm từng củ khoai hạt lúa, nuôi con gà, con lợn để bán lấy tiền nuôi con ăn học, bỗng chốc trôi ra sông, ra bể. Lũ thật tàn ác khi làm cho nhiều gia đình vợ mất chồng, con mất mẹ cha, ông bà mất cháu...; nhà cửa, trâu bò, lợn gà, lúa gạo, áo quần... đều vụt trôi và chỉ còn lại hai bàn tay trắng!.

Một em nhỏ ở Phương Mỹ nhai mỳ ngấu nghiến ngay khi nhận hàng cứu trợ
Một em nhỏ ở Phương Mỹ nhai mỳ ngấu nghiến ngay khi nhận hàng cứu trợ

Mưa xối xả từ chiều 16 và kéo dài đến 4 ngày sau đã biến Hà Tĩnh thành biển nước. Khốn khổ hơn là lũ về trong đêm nên hầu hết người dân không trở kịp; nhà cửa tài sản đều phó mặc cho trời, cho đất; đến nơi sơ tán, điểm lại gia đình mình thấy còn đủ các thành viên đã là mừng lắm rồi. Chứng kiến hình ảnh người phụ nữ trạc 50 tuổi ở xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) gào thét khô cả họng, quần ống thấp ống cao chạy bổ nháo bổ nhào mỗi khi có thuyền cứu trợ đưa người từ trong xóm ra - trong đó, bà chị neo đơn của chị ta đang bệnh tật và mắc kẹt, không biết sống chết ra sao – mà rưng rưng nước mắt. Rồi, một người mẹ ở Can Lộc trong khi chạy lũ, chỉ kịp ôm 2 đứa con, đứa còn lại đến hai ngày sau vẫn chưa biết tăm tích, sống chết. Chị hốt hoảng như người vô hồn, bất thần chạy đi khắp nơi dò hỏi. Đáp lại nỗi lo lắng đến cồn cào gan ruột của người mẹ lạc con trong lũ là những trận mưa tối tăm mặt mũi, là những đợt sóng vô tri tàn nhẫn vỗ ầm ầm lên các mé làng đã ngập sâu trong nước...

Giữa những ngày lũ đạt đỉnh, tôi may mắn được tham gia đoàn cứu trợ do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự dẫn đầu, lên rốn lũ Hương Khê, Vũ Quang. Suốt đường đi, Chủ tịch UBND tỉnh liên tục gọi - nghe điện thoại chỉ đạo đối phó với lũ. Nét mặt ông nặng trĩu, đăm chiêu. Nỗi lo thủy điện Hố Hô vỡ luôn thường trực trên gương mặt vị chủ tịch. Đến Hố Hô, ông thở phào khi thấy nước đã xuống khá thấp; không còn đe dọa vỡ đập. Tuy vậy, ông vẫn triệu tập các bộ phận liên quan, giao nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đập rồi tức tốc về “rốn” lũ Phương Điền, Phương Mỹ.

Trên chiếc xuồng máy, chúng tôi vượt lũ từ đường mòn Hồ Chí Minh qua xã Hà Linh, Phương Điền rồi sang Phương Mỹ. Xuồng phải luồn lách qua rất nhiều những thân cây, những cột điện đã ngập chìm gần hết. Chốc chốc, người lái xuồng lại nhắc nhở mọi người bám tay thật chắc vào để xuồng trườn qua dây điện. Nhiều đoạn, thuyền chao đảo, mắc chân vịt vào dây điện, đâm vào các bụi cây, khiến nhiều anh em trong đoàn "vãi cả linh hồn"... Chả trách, trước khi anh em lên đường, Tổng biên Tập Báo Hà Tĩnh Lê Hữu Quý đã dặn đi dặn lại: các đồng chí chịu khó lăn lộn để phản ánh sinh động về lũ lụt nhưng phải tuyệt đối an toàn, không được chủ quan. Lỡ thuyền bè có vấn đề gì, cứ vứt hết máy móc mà bơi, không tiếc"...!

Ngâm mình chờ hành cứu trợ
Ngâm mình chờ hành cứu trợ

Trong vùng lũ chúng tôi qua, cảnh những cụ già co ro, cảnh mẹ con đàn bà thu mình trên nóc nhà ướt sũng, cảnh nhiều người nhốn nháo chạy ngược chạy xuôi khi biết người thân đang mắc kẹt trong lũ, cảnh các chiến sỹ bơi từ nóc nhà này sang nóc nhà khác bất chấp hiểm nguy để cứu dân... đã để lại trong tôi bao niềm xúc động.

Từ Vũ Quang, chúng tôi theo đường mòn Hồ Chí Minh về Hương Sơn, định bụng sẽ theo QL 8, xuống thị xã Hồng Lĩnh để về thành phố Hà Tĩnh nhưng đường 8 nhiều đoạn đã chìm sâu trong nước nên đành theo đê La Giang đi xuống. Một làng lều bạt đã hình thành trên tuyến đê này, cả người và gia súc, gia cầm cùng chen chúc nhau trong mấy mét vuông bê bết bùn đất lẫn phân súc vật. Một người phụ nữ cùng 3 đứa con và một con bò, hai con lợn vừa chạy lũ lên đây, than thở: “Có biết trời mưa đến nông nổi ni mô chú. Nhà cửa ngập hết cả, đồ đạc trôi cả rồi nên đành lên đê náu tạm”.

Những hình ảnh làm ta đau xót, day dứt mãi
Những hình ảnh làm ta đau xót, day dứt mãi

Những câu chuyện về tình người, về tinh thần tương thân, tương ái trong cơn lũ dữ để lại trong tôi biết bao xúc động. Ấy là nắm cơm nghĩa tình của các chị em phụ nữ vùng cao, vùng ngập lũ nhẹ ở huyện Hương Khê bằng cách, góp gạo thổi cơm chuyển đến đồng bào những nơi ngập nặng, thiếu đói lâu ngày. Ấy là những tấm gương dũng cảm cứu người như anh Nguyễn Viết Thuật, ở Xuân Hồng (Nghi Xuân), chỉ với chiếc thuyền ba lá giữa đêm tối cuộn lũ, anh đã cứu 6 người dân gặp nạn trong vụ xe khách bị nước lũ cuốn trôi. Hay như nghĩa cử cao đẹp của anh Nguyễn Văn Chung, mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải bỏ học để đi chăn vịt thuê, kiếm tiền nuôi các em ăn học, trong cơn lũ dữ đã không màng đến tính mạng, bơi ra giữa dòng nước xoáy cứu bà Trần Thị Mừng thoát chết từ chiếc xe định mệnh. Rồi đến Thiếu tá Ngô Đức Ninh (Công an huyện Vũ Quang) và 3 đồng đội của mình đã cứu 60 người dân xã Đức Hương thoát chết, trong đó có ông bà Nguyễn Định Vị (64 tuổi), Lê Thị Long (60 tuổi) ở xóm Hương Hòa và mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Nghĩa (92 tuổi) ở xóm Trung Hòa. Còn anh Nguyễn Duy Vượng, xóm Tân Hương, xã Tùng Lộc (Can Lộc), trong 4 ngày đêm liền một mình bơi giữa dòng lũ cứu vớt được 116 người ra khỏi vùng nguy hiểm, khi kiệt sức trở về nhà cũng là lúc nhà anh đã bị nước lũ ngập lên tận nóc, vợ và mấy đứa con anh phải ngồi trên mái nhà chờ chồng. Với xóm trưởng xóm Tài Năng (Tùng Lộc) Đặng Văn Kính, mặc dù đã 57 tuổi nhưng vẫn suốt đêm giúp dân sơ tán đến kiệt sức thì tắc tử, để lại người vợ quanh năm ốm đau bệnh tật… Còn nhiều, những nghĩa cử cao đẹp nữa mà tôi không thể kể hết.

Hai trận lũ liên tiếp giáng xuống Hà Tĩnh đã để lại nhiều đau thương, tang tóc: người mất, nhà tan, gia sản không còn, đồng ruộng bị cát vùi lấp… Những hình ảnh tang thương ấy là nỗi khiếp sợ, sự đau thương đến đứt ruột mà có lẽ không bao giờ tôi quên được. Người dân quê tôi ơi, hãy cùng nhau gượng dậy, nuốt nước mắt làm lại từ đầu.

Hà Tĩnh, những ngày lũ kép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast