Những người mẹ “đặc biệt” ở Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - 25 năm thành lập, Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh đã trở thành mái nhà chung ấm áp cho 450 mảnh đời bất hạnh.

Sự quan tâm của cả cộng đồng, vòng tay yêu thương của những người cha, người mẹ trong làng trẻ đã giúp những đứa con “đặc biệt” hàn gắn vết thương trong tâm hồn, vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.

Buổi làm việc của chúng tôi tại làng trẻ bị gián đoạn bởi cơn sốt của cháu Văn Anh 17 tháng tuổi - một trong những đứa con bé nhất của làng. Bế đứa trẻ gầy gò, ốm yếu nằm thiêm thiếp trên tay, mẹ Vương Thị Liễu - người đã gắn bó với làng trẻ từ 20 năm nay cho biết: “Thể trạng cháu quá yếu nên việc chăm sóc hết sức vất vả, đặc biệt là những khi thời tiết chuyển mùa như mấy hôm nay”.

nhung nguoi me dac biet o lang tre mo coi ha tinh

Các cô, các mẹ chăm sóc tận tình những em nhỏ tàn tật tại trung tâm.

Hơn 20 năm trôi qua, từ tổ ấm yêu thương này đã có hàng trăm cháu trưởng thành. Làng trẻ giờ chỉ còn khoảng 60 cháu, trong đó có 37 cháu đang đi học. Việc theo sát để chăm sóc, giáo dục các cháu ở nhiều độ tuổi, đặc biệt là độ tuổi dậy thì cũng là khó khăn đối với các mẹ, các chị trong làng. Nhưng vất vả hơn cả vẫn là những người mẹ chăm sóc 12 cháu tật nguyền, nhiễm chất độc da cam, bại não.

Bảo mẫu Nguyễn Thị Ngôn - một trong những người phụ trách chăm sóc các cháu tàn tật - người đã đồng hành với làng trẻ kể từ những ngày đầu thành lập, cho biết: “Đối với các cháu tàn tật, ngoài phục vụ cơm nước, khi cho các cháu ăn, mặc, vệ sinh... chúng tôi cũng thường xuyên phải đối mặt với những cơn giận giữ bất thường”.

Rẽ mái tóc chỉ cho chúng tôi xem những vết sưng bầm tím trên đầu, chị Lê Thị Thủy chia sẻ: “Đây là vết thương do các cháu bị thiểu năng gây nên. Khi các cháu lên cơn, liền nắm lấy tóc của bảo mẫu mà đánh đập. Còn chuyện trái ý để các cháu giận dỗi, hất đổ cơm canh hay chửi bới cũng hết sức bình thường. Nhiều đêm các cháu không ngủ, chửi bới, đập phá, bảo mẫu cũng thức trắng đêm. Những hôm mưa phùn, gió bấc, có cháu lên cơn, đi lang thang khắp khuôn viên của làng, chúng tôi cũng phải theo để dỗ dành các cháu quay về”...

Đối mặt với những khó khăn, vất vả, nhưng những người cha, người mẹ nơi đây luôn tự động viên nhau cùng cố gắng để có thể phần nào bù đắp cho các em những tình cảm yêu thương. So với trước, cuộc sống của những đứa con trong làng giờ đã sang trang mới, bởi sự chung tay vào cuộc, sự quan tâm của cả cộng đồng. Anh Phan Văn Thích - Phó Giám đốc Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh cho biết: “Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, làng có thêm khoảng 120 triệu đồng từ nguồn của các tổ chức đến tặng quà trong các dịp lễ tết; hơn 300 triệu đồng hỗ trợ của tổ chức Britany Shope (Mỹ) đã góp phần giúp các cháu nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Cũng từ những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp, làng đã tranh thủ được nguồn tài chính mua 19 xe đạp cho các cháu đi học THPT, xây dựng 1 phòng đọc sách, phòng học vi tính, phòng luyện tập thể thao, phòng sinh hoạt văn hóa, giường nằm cho các cháu. Đặc biệt, làng có 45 cháu được các gia đình Mỹ thông qua tổ chức BHF (Mỹ) nhận đỡ đầu, cung cấp chi phí học tập, khám chữa bệnh, mua sắm quần áo…

Mỗi đứa con của làng là một cảnh ngộ, một số phận nhưng đều giống nhau, đó là ký ức tuổi thơ đong đầy nước mắt với những tổn thương, mất mát. Nhưng bù lại, các cháu đã được sự quan tâm của cả cộng đồng, được lớn lên trong vòng tay yêu thương, trách nhiệm của những người cha, người mẹ thứ 2 ở làng trẻ. Tình cảm ấm áp ấy không chỉ bù đắp cho các em những thiếu thốn về mặt tinh thần, mà còn sưởi ấm trái tim, hàn gắn vết thương trong tâm hồn để các em vượt qua tự ti, mặc cảm, vững bước trên con đường xây dựng tương lai.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast