Nơi cán bộ, công chức mang cơm đi làm

(Baohatinh.vn) - Cùng với chiếc cặp tài liệu, mỗi sáng sớm, những cán bộ, công chức (CBCC) ở xã Hương Liên (Hương Khê - Hà Tĩnh) không quên mang theo chiếc cặp lồng đựng thức ăn. Nắng mưa, gió bão, đêm hôm khuya khoắt, họ vẫn phải đi về trên con đường men theo sườn núi, vượt qua những khúc cua đầy ám ảnh vì không có nhà ở công vụ.

noi can bo cong chuc mang com di lam

Nhiều cán bộ ở Hương Liên phải mang theo cặp lồng cơm khi đi làm.

Dù đã được đến cơ quan muộn hơn so với đồng nghiệp 30 phút do đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ nhưng chị Nguyễn Thị Diễm Thủy (cán bộ UBND xã Hương Liên) vẫn phải dậy từ rất sớm, tất bật với quãng đường xa xôi, hiểm trở. Mỗi lần nhìn thấy cánh cổng cơ quan là một lần chị thở phào nhẹ nhõm nhưng kết thúc giờ làm lại là nỗi “ám ảnh” khi nghĩ đến chặng đường về nhà.

Đó là nỗi niềm chung của 23 cán bộ, giáo viên đang công tác tại UBND xã, Trạm Y tế, Trường Mầm non, Tiểu học xã Hương Liên. Họ là những người có gia đình ở các xã khác, thậm chí có người đến từ huyện Vũ Quang, Thạch Hà. Khoảng cách 3-4 chục cây số ở miền xuôi đã là một trở ngại đối với việc đi lại, huống hồ đường lên trung tâm xã Hương Liên còn hiểm trở, cheo leo bên sườn núi thì khó khăn còn gấp bội.

Chị Nguyễn Thị Diễm Thủy tâm sự: “Con mới được hơn 7 tháng mà mẹ đã phải đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Không cho bú thường xuyên được nên con phải ăn sữa ngoài. Có những lúc mẹ đi làm căng sữa mà ở nhà con thì khát sữa, tôi phải vắt sữa gửi xe ôm mang về dưới thị trấn cho con. Giá có chỗ ở thì tôi cũng mang con theo rồi ở luôn trên này, cuối tuần mới về nhà”.

Không chỉ có nỗi khổ khi phải nuôi con nhỏ, các chị em phụ nữ còn thường xuyên gặp tai nạn trên cung đường đèo hiểm trở. Cách đây hơn 1 tháng, chị Diễm Thủy đã bị ngã xe trên đường đi làm về do trời tối, đường gấp khúc. Trước đó, một số đồng nghiệp của chị cũng gặp tai nạn trên đoạn đường này.

Với chặng đường đèo vắng vẻ, hiểm trở, tai nạn giao thông chỉ là một trong những nguy cơ rình rập, do đó, hàng ngày, các anh chị em vẫn thường chờ tan giờ làm để cùng nhau về xuôi. Tuy nhiên, nhiều lúc vì công việc, anh chị em không tránh khỏi việc phải làm thêm ngoài giờ. Đi về một mình khi trời đã nhá nhem tối, đặc biệt là về mùa đông là nỗi ám ảnh của cán bộ xa nhà. “Nhiều lúc muốn ở lại cho an toàn nhưng không biết ăn, ngủ ở đâu nên vẫn phải đánh liều về dưới xuôi” - chị Đinh Thị Lê, nhân viên y tế Trường Mầm non chia sẻ.

noi can bo cong chuc mang com di lam

Cán bộ, công chức xã Hương Liên tận dụng khoảng trống trong phòng làm việc để trải nệm làm chỗ nghỉ ngơi.

Không có nhà ở công vụ cũng đồng nghĩa với việc bữa ăn, giờ nghỉ buổi trưa là cả một vấn đề với những cán bộ, giáo viên. Chiếc cặp lồng cơm bao năm nay đã thành vật “bất ly thân” mỗi ngày đến cơ quan của một số CBCC ở xã Hương Liên. Nhưng, không phải ai cũng có điều kiện, thời gian để chuẩn bị suất ăn cho mình trước khi đi làm. Nhiều người đã thuê người dân trong vùng nấu cơm, nhưng những hôm gia chủ đi vắng, họ đành ăn mì gói trừ bữa vì xung quanh không có quán hàng.

“Phòng làm việc còn chưa bố trí đủ, lấy đâu ra phòng nghỉ riêng cho anh em” - một cán bộ UBND xã chia sẻ. Chính bởi vậy, cảnh tượng thường gặp ở đây là: CBCC kê một chiếc phản nhỏ trong căn phòng chật hẹp chứa đầy sổ sách, giấy tờ để nghỉ ngơi hoặc tranh thủ chợp mắt trên ghế làm việc.

Ông Đinh Văn Sánh - Chủ tịch UBND xã Hương Liên cho biết: “Chính quyền, LĐLĐ huyện Hương Khê cũng đã quan tâm khảo sát, phản ánh tình trạng thiếu thốn, vất vả của cán bộ nơi đây lên cấp trên. Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa rồi, chúng tôi lại tiếp tục đề xuất xây nhà công vụ nhưng chưa được xem xét, giải quyết. Có lẽ, ai vào đến trung tâm xã cũng sẽ nhận thấy những khó khăn mà CBCC, viên chức nơi đây đang phải đối mặt”.

Vượt quãng đường xa về đến thị trấn, chúng tôi càng cảm thông hơn cho những nỗi vất vả đi về của những CBCC, viên chức xã Hương Liên. Cần lắm sự quan tâm của chính quyền, ban, ngành các cấp để Hương Liên có được nhà công vụ cho CBCC, giáo viên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast