Nỗi cô đơn của người già

Bà tôi đi xa đã 5 năm, nhưng những ký ức về bà vẫn vẹn nguyên trong trái tim tôi. Còn nhớ, có lần tôi và mẹ về thăm bà, mẹ đỡ bà đứng dậy để thay quần áo, mẹ phàn nàn về sự xộc xệch, luộm thuộm của bà. Bà “ngoan ngoãn” thực hiện theo sự “điều khiển” của mẹ nhưng miệng vẫn chống chế: “Mi nạt tau chi lắm cho tội tau mồ!”. Tôi biết bà cảm nhận được sự quan tâm ấy nhưng bà vẫn nói vì biết mình vẫn còn một vị trí quan trọng đối với con.

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10

Từ câu chuyện nhỏ của bà, tôi nghĩ về những người già mà tôi đã gặp, đã thấy trên sách báo, truyền hình. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, người sống trong sự đủ đầy, được chăm sóc chu đáo; người sống trong thiếu thốn, cơ cực. Nhưng tựu trung, người già ai cũng thấy mình cô đơn. Cô đơn đến mức sinh ra lẩn thẩn và cả nghĩ. Nghĩ là mình đã hết thời, đã ngoài cuộc những bàn tính của gia đình, con cháu...

Niềm vui tuổi già. Ảnh: Đậu Bình
Niềm vui tuổi già. Ảnh: Đậu Bình

Tôi nhớ có lần lên Thanh Chương (Nghệ An), đến gia đình người bạn có bà nội 80 tuổi. Bạn tôi mua về cho bà cái máy trợ thính nhưng bà nhất quyết không dùng vì: “điếc thế này để khỏi nghe chuyện của người khác”. Thế đấy, hầu hết người già đều hay tự làm mình làm mẩy một cách đáng thương. Dẫu biết rằng, người già ai chẳng muốn được nghe, được tham gia mọi chuyện, được con cháu tâm sự nhỏ to và hơn tất cả là được không là người ngoài cuộc.

Ngày nay, kinh tế phát triển, nhiều gia đình đã có điều kiện chăm sóc cha mẹ mình chu đáo hơn. Như ở Thạch Lạc (Thạch Hà), hầu hết cha mẹ già đều được con cái bố trí 1 gian ở nhà ngoài với đầy đủ các đồ dùng cần thiết… Vì họ quan niệm: nhà phải có 3 gian, gian ngoài là quan trọng nhất; để ông bà sinh hoạt ở nhà ngoài là biểu hiện của sự kính trọng. Đó là những ứng xử đẹp.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người già phải chịu cảnh khốn khó, cô đơn, đớn đau về thể xác vì bệnh tật… Những nỗi đau của các cụ, nhiều hay ít đều có một phần lỗi của người thân trong gia đình và của tất cả chúng ta. Ngược lại với cảnh chăm sóc cha mẹ như ở Thạch Lạc, có những nơi con cháu để ông bà sống tách biệt, tự lập. Ở đấy, phần nhiều là do điều kiện kinh tế, vật chất thiếu thốn, có những người già không làm chủ được bước đi, chân tay run rẩy, ăn uống thì bữa đầy, bữa thiếu. Có lần tôi đến một làng quê nghèo, thấy một cụ bà từ trần ở tuổi 84 vì tình trạng kiệt sức. Người dân ca ngợi hết lời bởi sự hi sinh vì con vì cháu của cụ. Cụ sống tự lập 9 - 10 năm nay vì cụ ông đã mất, ăn uống kham khổ, chắt chiu, dành dụm từng đồng để dành cho con cháu, dẫu con cháu cụ đã có của ăn của để. Cụ đã phải sống tằn tiện và ra đi trong héo hon. Sự thiếu thốn của vùng nông thôn đã làm cho một số người chỉ nghĩ làm sao có lợi về kinh tế mà quên đi rằng đạo lí phải được đặt lên trên hết. Người già rất cần sự quan tâm, chia sẻ của con cháu.

Mọi sự quan tâm, nhất là đối với người già rất cần thiết bởi đó là những người sắp lìa xa cuộc đời và mãi mãi chúng ta sẽ không được gặp lại...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast