Nỗi lo... nghỉ hè

(Baohatinh.vn) - Nghỉ hè, với trẻ em là bao háo hức, mong đợi sau một năm học căng thẳng. Nhưng với hầu hết các bậc phụ huynh, nhất là ở thành thị thì nghỉ hè đồng nghĩa với những nỗi lo không hề nhỏ. Bởi vừa cân đối thời gian cho trẻ vui chơi, vừa đảm bảo giờ giấc cho bố mẹ làm việc và nhiều mối quan hệ khác thật không đơn giản.

Đau đầu… “quản con”

Kỳ nghỉ hè mới bắt đầu chưa đầy 1 tuần với trẻ bậc học mầm non, nhưng gia đình anh Hoàng Xuân Vĩnh - nhân viên kỹ thuật (phường Hà Huy Tập - TP Hà Tĩnh) đã phải lo lắng tìm chỗ gửi con. Vợ chồng anh có 1 con trai 3 tuổi và bé em hơn 6 tháng. “Ngày thường, anh lớn học cả ngày ở trường mầm non, tối đón về, bố mẹ vô tư làm việc mà không phải lo nghĩ gì nhiều. Nhưng nay nghỉ hè, cu cậu ở nhà tận 2 tháng mà công việc bố mẹ vẫn diễn ra bình thường. Ông bà già yếu không giúp được, bố mẹ lại không có đủ thời gian. Tìm người giúp việc cũng không dễ...” - anh Vĩnh than thở.

Giờ thực hành của học sinh lớp học kỳ quân đội tại Tiểu đoàn 2 (Cẩm Quan, Cẩm Xuyên).
Giờ thực hành của học sinh lớp học kỳ quân đội tại Tiểu đoàn 2 (Cẩm Quan, Cẩm Xuyên).

Không chỉ với bậc học mầm non, chuyện lo cho con có kỳ nghỉ hè bổ ích dường như đã trở thành nỗi trăn trở của đại đa số gia đình. Những năm trước, nghỉ hè, bố mẹ thường cho con vào ngay các lớp học thêm, học hè nhưng từ khi Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm được ban hành thì việc học thêm được siết chặt. Các lớp học thêm, học hè không còn hoạt động rầm rộ như trước và học sinh cũng vì thế “bơ vơ” hơn trong hè. Nếu có học thêm các môn năng khiếu thì cũng chiếm thì giờ rất ít nên việc quản lý con là cả một vấn đề.

Chị Nguyễn Thị Mùi - nhân viên kinh doanh (phường Trần Phú - TP Hà Tĩnh) có con trai năm nay lên lớp 4 tâm sự: “Chị túi bụi với công việc kinh doanh, anh đi làm xa nhà, cứ mỗi dịp hè, chị lại đăng ký cho con học các lớp năng khiếu (bơi, đá bóng...). Nhưng các lớp học cũng chỉ tổ chức vài tiếng mà lại học xen kẽ ngày nên phải nhờ người khác đưa đón con đi học. Lúc không học để con đi chơi thì lo nắng nôi, xe cộ, ao hồ nguy hiểm. Nhưng khóa cửa cho con ngồi trong nhà xem ti vi, chơi game… cũng không phải là có lợi”.

Bài toán “quản con” trong mùa hè đặt ra không ít nỗi lo đối với các bậc cha mẹ. Nhiều gia đình có người trông coi thì có thể cho con ở nhà nhưng lại mang nỗi lo khác. Lo con “nghiện” ti vi, mạng internet, trò chơi điện tử… khiến trẻ kém hoạt bát, xa rời thiên nhiên và cuộc sống hàng ngày. Những gia đình không có người trông coi thì đành cho con đi học “bán trú” ở nhà cô hoặc thuê người trông hộ, gửi nhà người quen.

Để trẻ có một mùa hè bổ ích

Với trẻ em, sau một năm học tập căng thẳng thì mùa hè đúng nghĩa là được vui chơi lành mạnh, học thêm kỹ năng sống, hòa nhập cộng đồng và lựa chọn những môn năng khiếu yêu thích. Dịp hè cũng là cơ hội để trẻ gặp gỡ, trao đổi, nâng cao kỹ năng sống, biết giao tiếp và hình thành sự tự tin cho trẻ ngay khi còn nhỏ. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay vẫn chưa có một mô hình tổ chức hè mang lại hiệu quả cao và thực sự thu hút trẻ như một sân chơi bổ ích; chưa có một chương trình xâu chuỗi, tạo được sức hấp dẫn. Các sân chơi bổ ích dành cho trẻ cũng chưa có nhiều.

Giờ sinh hoạt bổ ích của các thành viên Câu lạc bộ Hoa Thạch Thảo
Giờ sinh hoạt bổ ích của các thành viên Câu lạc bộ Hoa Thạch Thảo

Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh đã mở nhiều lớp học như múa, đàn, họa, võ karatedo, luyện viết, thanh nhạc… nhưng vẫn là các lớp học riêng lẻ, thời gian học còn ngắn; cơ sở vật chất còn thiếu. Sắp tới (10/6), trung tâm khai giảng học kỳ quân đội. Đây là hình thức sinh hoạt hè mới nhằm trang bị kiến thức về quốc phòng, giáo dục kỹ năng sống, tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc… ở Tiểu đoàn 2 (Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) cho 60 em. Tuy nhiên, học kỳ cũng chỉ diễn ra trong thời gian 10 ngày, hiệu quả mang lại chưa cao.

Anh Trần Mạnh Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu nhi bộc bạch: “Năm nay không có dạy ôn, dạy hè, vì vậy, các em tham gia hoạt động tại trung tâm sẽ đông hơn. Mừng, nhưng trung tâm lo sẽ quá tải. Khuôn viên, quy mô trung tâm còn nhỏ hẹp, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Các em nhà xa trung tâm, trẻ em các xã lân cận thành phố muốn tham gia cũng bị hạn chế. Tỉnh đã phê duyệt diện tích đất ở khu đô thị Bắc Nguyễn Du để xây dựng trung tâm mới, trả lại địa điểm này cho thành phố. Hy vọng, khi trung tâm mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ có thêm nhiều hoạt động phục vụ thanh thiếu niên, nhất là vào dịp hè”.

Ở Trung tâm Thể dục - Thể thao tỉnh, phổ biến các hoạt động dành cho trẻ vào dịp hè là bơi, bóng đá, võ và giới hạn đặc thù về lứa tuổi tham gia. Chị Phạm Thị Thu Hường - Phó Giám đốc Trung tâm Thể dục - Thể thao cho biết: “Các em tham gia học ở đây chủ yếu là học sinh THCS, THPT. Lứa tuổi này mới đảm bảo thể lực. Trung tâm chưa tổ chức các lớp học cho độ tuổi nhỏ hơn”.

Có quá nhiều trở ngại để trẻ có một sân chơi lành mạnh, an toàn, bổ ích. Nhưng sẽ không khó nếu nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các ban, ngành, địa phương, gia đình, nhà trường và cả xã hội, để mỗi mùa hè đến thực sự lý thú với con trẻ và xóa đi nỗi lo không đáng có của các bậc cha mẹ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast