"Nước mắt" đại ngàn hay chuyện "Cháy nhà ra mặt chuột"…

Thời sự - Suy ngẫm

Huyện miền núi Hương Sơn vừa khiến dư luận cả nước không khỏi bàng hoàng trước những cái "siêu". Đầu tiên là siêu đám cưới xa hoa, lộng lẫy của một thiếu gia phố núi với tiểu thư Hà thành có kinh phí bỏ ra nghe đâu lên đến hàng chục tỷ đồng. Tiếp đó là vụ siêu phá rừng có lẽ chưa từng có trong lịch sử đại ngàn Hương Sơn khi hàng trăm khối gỗ quý của rừng Sơn Hồng bị lâm tặc đốn hạ trong một thời gian dài, thu hút sự vào cuộc của ngành chức năng từ tỉnh đến huyện nhưng đã bị xem như chuyện chưa có gì to tát lắm. Ở đây chỉ xin nói về cái "siêu" phá rừng.

Gỗ bị triệt hạ nằm la liệt trong rừng Sơn Hồng (Hương Sơn)
Gỗ bị triệt hạ nằm la liệt trong rừng Sơn Hồng (Hương Sơn)

Từ lâu, rừng Hương Sơn đã nổi tiếng với nhiều loài lâm sản và động vật quý hiếm. Được sự quan tâm của Nhà nước cũng như sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, những cánh rừng đầu nguồn Ngàn Phố không ngừng được bảo vệ, tái sinh và ngày càng trở nên xanh hơn. Nhưng, sự đời là thế, trong khi những người làm công tác bảo vệ, phát triển rừng không quản khó khăn trở ngại, ngày đêm dãi nắng dầm mưa vì màu xanh của sự sống thì lại có không ít kẻ thèm khát những thân cây, thớ gỗ lớn từ rừng nên luôn tìm mọi cách để triệt hạ. Song, không giống như nhiều vụ phá rừng vẫn thường xảy ra từ trước trên đại ngàn Hương Sơn nói chung, địa bàn xã Sơn Hồng nói riêng, vụ phá rừng lần này được tổ chức khá quy mô, có hệ thống nhưng lại dễ dàng vượt mặt các ngành chức năng, nhất là các lực lượng trọng yếu như: kiểm lâm, biên phòng.

Điều làm dư luận hết sức bất bình là không phải đến đầu tháng 3 này, chỉ khi UBND tỉnh chỉ đạo bộ đội biên phòng tổ chức lực lượng truy quét, vụ việc mới vở lỡ mà từ hơn nửa năm trời trước đó, có đến 2 đoàn kiểm tra liên ngành lẫn một chuyên án được lập ra để đấu tranh với hành vi phá rừng táo tợn này nhưng kết quả thu về chỉ là những con số hết sức khiêm tốn, còn tính chất sự việc được đánh giá là chưa đến mức lo ngại. Dư luận không khỏi băn khoăn cho rằng: phải chăng, cả đoàn liên ngành lẫn ban chuyên án chỉ mới "cưỡi ngựa xem hoa" nên không đánh giá đúng bản chất vụ việc hay là đã "ngoảnh mặt làm ngơ" để lâm tặc mặc nhiên lộng hành, được đà lấn tới?!

Lâu nay, chúng ta quá quen với khẩu hiệu "sống gần rừng thì phải dựa vào rừng" của một bộ phận người dân vùng rừng. Đúng là rất khó cấm triệt để hiện tượng hôm nay người này vào rừng kiếm bó củi bán lấy tiền, ngày mai người kia vào rừng kiếm thanh gỗ về dựng nhà. Nhưng, trên một tuyến đường độc đạo có 4 - 5 sào gác của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng mà gỗ lậu vẫn được tuồn ra ngoài khá êm xuôi như kiểu "con voi chui lọt lỗ kim" thì rừng không bị phá mới là chuyện lạ.

Giờ đây, nói gì đi nữa thì chuyện cũng đã rồi. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là ngoài phải thu hồi triệt để số gỗ đã bị chặt hạ đang nằm rải rác trong rừng thì đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo điều tra chân tướng vụ việc để trả lời dư luận một câu hỏi lớn: vụ phá rừng tàn khốc ở Sơn Hồng vừa qua chỉ do những cá thể đơn lẻ tạo thành hay được tổ chức bởi một nhóm người có "thế lực ngầm" không dễ gì trấn áp được?.

Vụ tàn phá rừng đầu nguồn Sơn Hồng thực sự là tiếng chuông báo động về công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn Hương Sơn nói riêng, tỉnh ta nói chung. Đã đến lúc chính quyền các cấp phải suy nghĩ thấu đáo hơn để trước mắt là giải bài toán việc làm, tư liệu sản xuất cho người dân vùng rừng, sau nữa là thanh lọc lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng thì mới mong cuộc chiến đầy cam go, thử thách này sớm có hồi kết!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast