Ở nhờ "vượt mặt" chính chủ

Từ một khu vườn rộng lớn, bằng tấm lòng thơm thảo, gia đình cụ Phách cho nhiều người “xen dắm” để rồi đến nay, diện tích còn lại chẳng đáng là bao. Điều đáng nói là có những hộ xen dắm, “mượn” 1 phần vườn nay đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích tăng lên rất nhiều, thậm chí gần bằng “vườn của chủ” trong khi gia đình cụ Phách đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Mượn đất thành chính chủ

Cụ Nguyễn Văn Phách (thường gọi là cố Vân) có thửa đất vườn rộng gần 6.800m2 ở xóm Liên Vinh, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà là đất hương hoả từ bao đời nay của dòng tộc để lại. Bằng công sức của gia tộc Nguyễn Văn, mãnh vườn đó trở thành một mãnh đất trù phú có hàng rào bằng luỹ tro, tre bao bọc. Và, gia đình, con cháu cụ Nguyễn Văn Phách yên ổn sống, làm ăn trong mãnh vườn, không có bất kỳ tranh chấp với ai.

Nhà bà Bơ trên đất vườn cụ Phách
Nhà bà Bơ trên đất vườn cụ Phách

Năm 1960, thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, gia đình cụ Phách tham gia vào HTX nông nghiệp Đông Đài và HTX có ý định mượn một phần diện tích trong vườn để bắc mạ chiêm – xuân. Vườn rộng và trên tất cả là nghĩa vụ xã viên nên cụ Phách vui vẻ đồng ý, chấp nhận cho HTX nông nghiệp Đông Đài hơn 2.000m2 để bắc mạ mà trong lòng không có chút vấn vương gì.

Ông Nguyễn Văn Ty – con trai cụ Phách cho biết: Năm 1973, HTX nông nghiệp Đông Đài có chủ trương dắm dân vào ở trong vườn các hộ dân có diện tích vườn rộng. Và trong vườn cụ Phách, các hộ được dắm gồm hộ ông Trương Quang Năm với diện tích 297m2; bà Nguyễn Thị Bơ với diện tích 165m2 và hộ ông Hoàng Văn Long có diện tích 165 m2 (có xác nhận của nguyên Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Đông Đài). Đất “cho mượn” để HTX xen dắm tạm thời cho các hộ dân, suốt một thời gian dài, gia đình cụ Phách cũng chẳng có ý kiến gì. Thậm chí, gia đình cụ còn thấy đó là điềm mừng khi có xóm giềng cùng sinh sống với quan niệm: đông vui, đấm ấm, hàng xóm láng giềng tối đèn, tắt lữa có nhau.

Vườn nhà ông Hoàng Văn Long ngày trước được xen dắm nay có diện tích tăng lên nhiều lần.
Vườn nhà ông Hoàng Văn Long ngày trước được xen dắm nay có diện tích tăng lên nhiều lần.

Đến năm 1982, cụ Phách mất. Vợ ông theo gia đình con trai Nguyễn Văn Ty ra Nghệ an sinh sống. Khu vườn trên được giao lại cho cháu Trương Quang Thanh trông coi. Các hộ gia đình xen dắm, mượn nhà vẫn sinh sống trên khu vườn của cụ Phách. Và, mọi việc sẽ không trở nên rắc rối, gia đình cụ Phách sẽ vẫn không có ý kiến gì nếu việc sử dụng đất đai của các hộ gia đùnh vẫn nguyên hiện trạng. Thế nhưng, bất ngờ nảy sinh khi năm 1996, các hộ gia đình “xen dắm, mượn đất” ở tạm này bổng nhiên được UBND huyện Thạch Hà cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ). Và, điều đáng nói hơn là diện tích được cấp tăng lên gấp nhiều lần. Điển hình như diện tích đất của ông Hoàng Văn Long từ 165m2 (thời điểm xen dắm) nay vọt lên đến 996m2. Và, trong diện tích của các hộ gia đình được cấp theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND huyện Thạch Hà trên thực tế, có một phần vẫn do con cháu cụ Phách quản lý, sử dụng. Vậy là, khu vườn nhà cụ Phách đã bị thu hẹp lại rất nhiều lần.

Không chấp nhận được điều phi lý này, ông Nguyễn Văn Ty - đại diện cho gia đình cụ Phách đã làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng. Theo ông Ty trình bày: UBND huyện Thạch Hà cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (cho các hộ gia đình ông Nam, ông Long, bà Bơ trong vườn của gia đình ông mà không hề có sự xác nhận địa giới của các hộ liền kề. Việc đo đếm, cấp bìa đỏ không tuân thủ đúng quy trình thủ tục, không minh bạch gây thiệt hại cho gia đình. Vì vậy, UBND huyện Thạch Hà cần xem xét lại quá trình cấp đất, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho gia đình ông.

Sai sót trong công tác quản lý

Về địa phương tìm hiểu ngọn ngành sự việc, ông Hoàng Xuân Ngũ – Bí thư xóm Liên Vinh, xã Thạch Đài khẳng định: Ngày xưa, vườn cụ Phách là 1 trong 2 vườn rộng nhất xóm. Vì thê, thực hiện chủ trương dắm dân, HTX Đông Đai đã xen dắm một số hộ dân vào vườn cụ Phách theo kiểu “mượn” đất. Năm 1994, huyện Thạch Hà thực hiện việc đo vẽ để làm bản đồ 371. Tuy nhiên, quá trình đo đếm, đơn vị đo đạc không làm việc cụ thể qua xóm, qua từng hộ dân nên có nhiều sai sót. Có lẽ vì thế mà diện tích đất vườn cố Phách bị thu hẹp nhiều so với bản đồ 299.

Nói về quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Ngũ cho biết: Năm 1996, lúc tôi đang làm Xóm trưởng - huyện Thạch Hà thực hiện cấp bìa đỏ theo Nghị định 64 bao gồm đất nông nghiệp và đất vườn. Tuy nhiên, diện tích đất vườn do người dân tự kê khai, xóm chỉ xác nhận phần diện tích đất ruộng. Trên cơ sở “phiếu giao ruộng”, UBND xã Thạch Đài chuyển “hồ sơ” lên huyện và UBND huyện Thạch Hà cấp bìa.

“Căn cứ pháp lý” để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là “phiếu giao ruông” do các hộ gia đình tự khai!.
“Căn cứ pháp lý” để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là “phiếu giao ruông” do các hộ gia đình tự khai!.

Làm việc với xã Thạch Đài, tôi thực sự bất ngờ khi biết được cái gọi là “hồ sơ” – căn cứ pháp lý để thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ là tờ “Phiếu giao ruộng” trong đó có phần diện tích vườn do….các hộ gia đình tự khai. Không có bất kỳ một chử ký xác nhận nào của xóm, xã. Vậy, căn cứ vào đâu để biết được phần diện tích cụ thể sử dụng của mỗi gia đình để xét cấp bìa đỏ? Ông Trương Quang Anh – Phó Chủ tịch xã và bà Nguyễn Thị Hiền – Cán bộ Tài nguyên – môi trường xã đưa “căn cứ” là sổ mục kê, bản đồ 371 và cho biết: Từ “phiếu giao ruộng”, xã đưa vào sổ mục kê để quản lý và căn cứ vào bản đồ 371, sẽ xem xét đưa vào sổ đề nghị cấp đất.

Thế nhưng, cái bản đồ 371 của huyện Thạch Hà lại có quá nhiều sai sót. Khi đo vẽ, đơn vị thực hiện đo đạc đã không căn cứ vào bản đồ 299 để xác định ô thửa mà chỉ căn cứ vào khai nhận của các hộ gia đình rồi tự ý lập nên. Vì thế, theo bản đồ 299, diện tích vườn của các hộ gia đình liền kề vườn cố Phách có nhiều thay đổi, chủ yếu là tăng lên. Điển hình như theo bản đồ 299, vườn của ông Hoàng Văn Long là 528m2 nhưng trong bản đồ 371 tăng lên 1.580m2. Tương tự, vườn ông Trương Quang Năm từ 528m2 nhảy lên thành 865m2…Đồng nghĩa với việc, diện tích vườn của cụ Phách bị thu hẹp lại. Theo bản đồ 299, vườn cụ có diện tích 3.505m2 nhưng trong bản đồ 371, chỉ còn lại 1.730m2.

Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng TN-MT huyện Thạch Hà cho biết: việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục của các văn bản pháp luật liên quan. Tuy nhiên, có một số sai sót như: hộ gia đình tự khai vào phiếu giao ruộng mà không có xác nhận của xóm, xã. Về phần diện tích vườn có sự thay đổi so với bản đồ 299 là do đơn vị đo vẽ bản đồ 371 trên cơ sở kê khai của các hộ gia đình. Mà vào thời điểm đó, gia đình cụ Phách không trực tiếp có mặt để kê khai nên có thể xảy ra sai sót. “Đó là những sai sót mang tính lịch sử. Vào thời điểm đó, các thủ tục hành chính chưa được các cấp cơ sở chú trọng. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, có thời kỳ công tác quản lý đất đai quá yêú, dẫn đến những hệ luỵ” – bà Hà thừa nhận.

Lời kết

Từ một khu vườn rộng lớn, bằng tấm lòng thơm thảo, gia đình cụ Phách cho nhiều người “xen dắm” để rồi đến nay, diện tích còn lại chẳng đáng là bao. Điều đáng nói là có những hộ xen dắm, “mượn” 1 phần vườn nay đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng lên rất nhiều, thậm chí gần bằng “vườn của chủ” trong khi gia đình cụ Phách đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bức xúc trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Ty - đại diện cho gia đình cụ Nguyễn Văn Phách đã làm đơn khiếu nại gửi các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa nhận được 1 câu trả lời thoả đáng. Ông Ty trải lòng: Đất hương hoả của cha ông, chúng tôi có trách nhiệm phải giữ gìn. Tôi không đòi hay đuổi những hộ đã xen dắm trong vườn mình, chỉ cần họ được cấp đúng diện tích trước đây gia đình cho “mượn”. Điều tôi muốn nhất lúc này là chính quyền huyện Thạch Hà cần sớm giải quyết vụ việc thấu tình, đạt lý. Trả lời cách công khai, minh bạch về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ trên phần đất của gia đình tôi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast