"Ốc đảo" Hồng Lam: Nguy cơ bị xóa sổ

Dân số ngày càng hao hụt cộng với việc sông Hồng Lam ngày một ăn sâu vào đất liền khiến cho xóm Xuân Giang 2 (hay còn gọi là thôn Hồng Lam - xã Xuân Giang - Nghi Xuân) đang phải đối mặt với nguy cơ bị xóa số.

"Ốc đảo" đảo Hồng Lam bao quanh bởi 4 bề sông nước
"Ốc đảo" đảo Hồng Lam bao quanh bởi 4 bề sông nước

Để đến được xóm Xuân Giang 2, cách duy nhất là đi từ bến đò Xuân Giang rồi “lụy đò” để vào làng. Mọi sinh hoạt của người dân nơi đây đều phụ thuộc vào con đò cũ nát luôn tiềm ẩn nguy cơ chìm bất cứ lúc nào. Trong lúc ngồi chờ đò, chúng tôi bắt chuyện với mấy em học sinh cũng vừa đi học về và phần nào thấm thía được nỗi cực khổ của các em. Để đến trường, mỗi em phải sắm 2 chiếc xe đạp, một chiếc đi từ nhà đến bến đò còn một chiếc đi từ bến đò bên kia sang trường. Một năm các em phải đóng một khoản tiền 150.000đ cho các gia đình ở bên kia sông để gửi xe.

Hao hụt về con người

Những năm 1980, dân số trong làng còn rất đông đúc, khoảng hơn gần 2000 người nhưng sau cơn lũ lịch sử xảy ra vào năm 1988 và đặc biệt là thời điểm cầu Bến Thủy được hoàn thành đưa vào hoạt động thì việc đi lại bằng tàu thuyền không còn được sôi đông như xưa, dân bắt đầu ồ ạt kéo nhau di cư lên bờ, chủ yếu vào các tỉnh phía Nam làm ăn. Chỉ trong vòng 3 năm (1988 đến 1991), làng đã lập một thành tích "đáng nể" khi dân số giảm nhanh, chỉ còn khoảng 1500 người. Theo trưởng thôn Nguyễn Văn Phong thì hiện tại xóm có 222 hộ với 850 nhân khẩu. So với năm 2011 thì giảm 18 hộ còn so với đầu năm 2012 thì đã giảm 6 hộ. Ở thời điểm này có 5 hộ đang bán nhà để chuyển đi nơi khác. Những con số giảm dần này nói lên làng đang hao hụt dần về dân số. Theo ông Phong trưởng thôn thì dân số làng bây giờ chỉ còn một nửa so với trước. Nguyên nhân khiến cho dân bỏ làng đi nơi khác chính là vì đi lại khó khăn. Thôn Hồng Lam được coi là vựa lạc, vựa đay, vựa cói của xã Xuân Giang nhưng vì đi lại khó khăn nên thương lái cũng ít vào làng. Bởi vậy sản phẩm làm ra tiêu thụ khó và hay bị làm giá. Mặt khác, muốn làm một công trình nào cũng rất khó khăn vì chi phí vận chuyển cao.

Con đò này là cầu nối duy nhất giữa làng với thế giới bên ngoài
Con đò này là cầu nối duy nhất giữa làng với thế giới bên ngoài

Dạo một vòng trong xóm, chúng tôi chỉ bắt gặp người già, người trung tuổi hoặc các em học sinh còn lớp trẻ thì không thấy đâu. Cuộc sống lam lũ giữa “ốc đảo” bốn bên sông nước mênh mông khiến con người ta phải vượt sông mưa sinh xa xứ. Theo người dân nơi đây thì hơn 10 năm nay, làng rất hiếm có đám cưới. Chị Nguyễn Thị Thìn – cộng tác viên dân số của xóm Xuân Giang 2, cũng là người làm y tế thôn bản bao năm nay cho biết: “Đám cưới ở đây nếu có thì cũng chỉ dừng lại ở việc liên hoan báo hỷ còn tổ chức lễ cưới thì không thấy. Lớp trẻ trong làng đi làm ăn rồi cưới tận đâu đâu”. Khi chúng tôi hỏi về công tác dân số ở đây, chị Thìn hồ hởi chia sẻ: “Xóm chúng tôi hơn 6 năm nay không có người sinh con thứ 3. Thành tích như vậy nên năm nào xóm cũng được tuyên dương trong phong trào dân số kế hoạch hóa gia đình”. Quả thật với một ngôi làng dân cư ngày càng hao hụt, một ngôi làng phần lớn là cụ già, trẻ nhỏ thì việc nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 cũng là điều dễ hiểu. Danh hiệu nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 đối với “ốc đảo” Hồng Lam thì không còn là danh hiệu đáng tự hào nữa! Nó như một dấu hiệu cho thấy làng đang ngày càng tiến gần với nguy cơ “bị xóa sổ”.

Hao hụt về đất đai

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xóm, trưởng thôn Nguyễn Văn Phong vừa đi vừa chỉ tay ra phía bờ kè của sông và cho biết: Kè được xây dựng cách đây 8 năm nhưng nay đã tách hẳn với đất liền vì diện tích đất cát ngày càng hao hụt. “Nói như bà con ở đây thì kè bây giờ chê làng, chê đất liền rồi các chị ạ!”.

Hàng ngày, con đò cũ nát này phải oằn mình chở hàng chục các em học sinh, người dân và cả hàng hóa, xe cộ
Hàng ngày, con đò cũ nát này phải oằn mình chở hàng chục các em học sinh, người dân và cả hàng hóa, xe cộ

Chỉ mới đảo mắt một lượt chúng tôi đã dễ dàng nhận ra bờ kè cách đất liền một khoảng chừng 2-3m, có nơi 4-5m. Đất liền bị hao hụt một phần là do điều kiện tự nhiên (sông lấn) nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nạn “cát tặc”. Theo ông Phong thì cát tặc từ đâu không biết cứ xuôi từ cầu Bến Thủy xuống. Mỗi ngày có 5-6 chiếc thuyền thay nhau xuống hút cát. “Ban đầu chúng chỉ hút ở lòng sông và những khu vực xa làng nhưng bây giờ chúng cho thuyền bám sát bờ sông hút. Cứ sáng ra người dân nơi đây đền nghe tiếng máy hút cát nổ ran trời, tàu này đi thì tàu kia đến. Chúng tôi đã nhiều lần báo cáo lên chính quyền địa phương nhưng công an xã chỉ xuống “rệt” được vài lần. Lực lượng ít nên không thể giải quyết triệt để, thành ra đuổi rồi chúng lại quay lại”. Với sự oanh tạc của bọn cát tặc cộng với sự tàn phá của những con sóng dữ của dòng sông Lam thì mỗi năm ước tính làng bị khoét sâu trung bình 100m đất. Bởi vậy việc dân làng ồ ạt di cư đến những miền đất khác là lẽ đương nhiên!

Nỗi niềm người dân “ốc đảo”

Với những điều kiện khó khăn như vậy, lẽ ra nơi đây phải được quan tâm đầu tư nhiều hơn nhưng có một thực tế là người dân nơi đây không được ưu đãi bất cứ điều gì. Họ không được gọi là vùng đặc thù hay vùng sâu vùng xa, mà thuộc KV2 - NT như bao vùng khác ở bên kia sông. Các cô giáo dạy học ở đây luôn phải đối mặt với nguy hiểm rình rập ở những chuyến đò cũng không có thêm bất cứ chế độ hỗ trợ gì khác. Khi phóng viên đề cập đến mong ước có một chiếc cầu qua sông của người dân Xuân Giang 2, ông Lê Lưu – chủ tịch UBND xã Xuân Giang cho biết việc xây dựng cây cầu dân sinh qua sông Lam ở địa bàn thôn Hồng Lam là cần thiết và đang ngày càng trở nên cấp bách. Tuy nhiên, "dự kiến" xây dựng cầu là nằm ngoài khả năng ngân sách của xã nên cần sự đầu tư quan tâm của nhà nước. Từ nhiều năm, trong rất nhiều cuộc họp, lãnh đạo UBND xã Xuân Giang và bà con nhân dân đã kiến nghị lên cấp trên với lòng mong mỏi nhưng cho đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Giấc mơ về một cây cầu của người dân nơi đây còn xa vời vợi…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast