PGS-TS Hà Đình Đức: Tôi đề nghị đưa "cụ" Rùa lên cứu chữa

Chuyện rùa Hồ Gươm “cõng” rùa tai đỏ, rồi chuyện cụ bị rùa tai đỏ “đả thương” đã gây ầm ĩ trên dư luận vừa qua, với PGS - TS Hà Đình Đức không phải là chuyện bất ngờ, bởi điều đó đã được chính ông cảnh báo từ nhiều năm trước.

Cuối tuần qua, Sở KH&CN Hà Nội đã chính thức có báo cáo gửi tới lãnh đạo thành phố đề xuất giải pháp loại trừ rùa tai đỏ khỏi hồ Hoàn Kiếm.

PGS - TS Hà Đình Đức tiếp tục lên tiếng về vấn đề này.

PGS - TS Hà Đình Đức
PGS - TS Hà Đình Đức

* Thưa ông, qua bức ảnh chụp mới đây, người ta thấy rõ ràng là trên mình cụ rùa Hồ Gươm vừa xuất hiện vết thương. Và theo ông, khả năng đó chính là do rùa tai đỏ gây ra. Xin ông cho biết khả năng này là bao nhiêu phần trăm, bởi loài rùa tai đỏ, dù dữ dằn như chúng ta đều biết, nhưng liệu có thể đã tấn công tới cụ rùa to lớn?

- Theo cuốn Rùa thế giới của Carl H. Ernst và Roger W. Barbour, 1989, rùa tai đỏ lúc nhỏ ăn động vật, lớn lên thì ăn tạp. Thức ăn của rùa tai đỏ: tảo, bèo tấm, thực vật nổi, động vật bao gồm: nòng nọc, cá nhỏ, côn trùng (trưởng thành và ấu trùng), tôm, ếch nhái, các động vật thân mềm, hầu hết các loại ốc. Trong điều kiện nuôi nhốt thức ăn: cá hộp, thịt bò, hamburger, thức ăn hộp cho chó mèo, rau diếp, chuối, dưa hấu, dưa đỏ.

Theo tôi những vết nham nhở trên mai cụ rùa có thể do rùa tai đỏ gặm vì cụ thuộc loài mai mềm. Đây là giả thiết, không thể đo đếm được! Không thể quan niệm về kích thước ở đây. Ví như con ốc bươu vàng to hay bé mà cả nước “đánh nhau” với nó được không?! Mai cụ rất rộng nên rùa tai đỏ có thể bám theo hoặc thậm chí trèo lên lưng gặm phần mai mềm của cụ.

* Theo nghiên cứu của ông, thì rùa tai đỏ đã có ở Hồ Gươm từ bao giờ? Và tại sao bây giờ chúng mới tấn công cụ?

- Tôi có tư liệu khẳng định rùa tai đỏ xuất hiện ở Hồ Gươm từ năm 2004 mà tôi đã từng cảnh báo và báo chí đã từng lên tiếng. Tôi đã thống kê được 22 bài.

* Theo ông, nếu đó là sự thực thì việc tiêu diệt rùa tai đỏ phải hết sức cấp thiết, bởi hoàn toàn có thể chúng “xơi thịt” cụ rùa Hồ Gươm đến chết?

- Công việc tiêu diệt rùa tai đỏ ở Hồ Gươm là rất cấp bách vì nó có thể ăn cạn kiệt nguồn thức ăn của các loài động vật thủy sinh và cả thức ăn của cụ rùa. Hình ảnh đưa trên báo chí vừa qua cho thấy vết thương trên mai cụ rùa có thể do rùa tai đỏ gặm! Ngoài ra trên cụ còn vết cứa đỏ rất mới. Có thể nói đây là tấm ảnh gây cho tôi cú sốc lớn trong suốt 20 năm theo dõi hoạt động của cụ rùa!

* Hồi đầu năm cũng dấy lên lo ngại về cụ rùa Hồ Gươm bị dính lưỡi câu. Liệu các vết thương vừa qua có gây ảnh hưởng đến cụ vốn tuổi cao sức yếu không? Liệu có cần phải can thiệp cứu chữa cho cụ bằng y học?

- Năm 1997 và năm 1998 tôi đã có tờ trình về cụ rùa bị thương và có ảnh chứng minh cụ thể. Tháng 8 vừa qua trên mai cụ lại dính 2 chùm lưỡi câu tôi đều có ảnh rõ ràng. Vết thương trên cổ cụ lần này là vết thương mới! Theo tôi năm nay cụ nổi rất nhiều và có vẻ yếu hơn mọi năm lại mang trên mình nhiều vết thương - điều đó thật sự tôi thấy rất đau lòng. Tôi đề nghị đưa cụ lên cứu chữa, đồng thời vây bắt rùa tai đỏ.

Những vết thương mới trên rùa Hồ Gươm. Ảnh VNE
Những vết thương mới trên rùa Hồ Gươm. Ảnh VNE

* Đưa cụ lên cứu chữa ư? Nhưng ai dám đưa lên chữa, mà chữa bằng cách nào?

- Tôi thấy chỗ cụ hay nổi ở gần đường Đinh Tiên Hoàng, mà cụ có vẻ yếu, nên việc “đưa cụ lên” không khó. Vấn đề là ai dám “quyết” trong việc này. Khi đưa lên thì sẽ sát trùng vết thương cho cụ, và dùng các biện pháp cứu chữa khác...

* Hiện các ngành chức năng đang đề xuất giải pháp tiêu diệt rùa tai đỏ. Từ nghiên cứu của mình, theo ông biện pháp tối ưu như thế nào? Theo ông biết, liệu Hà Nội có theo biện pháp đó không? Nghe nói, Sở KH&CN đề xuất giải pháp “hiện đại” chứ không phải “thủ công”?

- Hiện, Sở KH&CN TP.Hà Nội đã có cuộc họp bàn với các nhà khoa học và các nhà quản lý tìm biện pháp thu bắt rùa tai đỏ, tìm và tiêu hủy trứng của chúng ở Hồ Gươm chắc là được, nhưng triệt để thì rất khó kể cả lâu dài. Nhưng trước mắt thành phố phải có văn bản cụ thể về cấm thả rùa tai đỏ vào Hồ Gươm nhất là trong dịp 23 tháng Chạp tới và cấm phóng sinh trong các ngày Rằm và Rằm tháng 7. Cần giao cho Đội Quản lý An ninh trật tự Hồ Gươm theo dõi và xử lý những người vi phạm và được phép phạt nếu vi phạm. Có như vậy mới hy vọng giảm thiểu số lượng rùa tai đỏ ở Hồ Gươm.

Rùa Hồ Gươm cõng rùa tai đỏ - bức ảnh làm chấn động dư luận. Ảnh VNE
Rùa Hồ Gươm cõng rùa tai đỏ - bức ảnh làm chấn động dư luận. Ảnh VNE

* Năm ngoái, chuyện nuôi rùa khổng lồ ở Đồng Mô đã gây được sự chú ý của dư luận. Theo ông đã đến lúc đặt lại vấn đề thả thêm rùa lớn vào Hồ Gươm cho cụ “có bầu có bạn”? Hoặc ít ra là để phòng khi “tối lửa tắt đèn” bị rùa tai đỏ tấn công?

- Tôi khẳng định rùa Đồng Mô hoàn toàn khác loài với cụ rùa Hồ Gươm và không nên thả vào Hồ Gươm.

* Chúng tôi được biết là trước đây, ông đã bảo vệ công trình nghiên cứu về tổng thể môi trường cho Hồ Gươm. Việc diệt rùa tai đỏ có lẽ chỉ là một trong số các biện pháp tổng thể mà chúng ta cần phải làm cho môi trường hồ và cho cụ rùa. Theo ông, các biện pháp tổng thể cần phải làm trong thời điểm này là gì?

- Để bảo vệ môi trường Hồ Gươm, thành phố nên có một phòng thí nghiệm để tiến hành theo dõi các chỉ số về môi trường nước thường xuyên chứ không phải đợi lúc có Dự án thì mới làm một vài tháng hay vài năm rồi lại bỏ đó đến lúc có sự cố rồi mới tiếp tục. Cần kiểm tra đáy hồ để dọn dẹp những chướng ngại, tôi chắc các vết thương trên cổ cụ chính do những vật sắc nhọn trong đáy hồ gây ra. Việc này phải dùng thợ lặn chuyên nghiệp rà soát đáy hồ dọn dẹp hết những thứ chướng ngại có thể gây nguy hiểm cho cụ rùa. Phải hút bùn cho lòng hồ sâu thêm 40 - 50 cm để tăng thể tích nước cho hồ. Tôi đã nhiều lần đề nghị nên cải tạo cửa cống Hàng Khay, có thể đóng mở để đến mùa mưa xả bớt nước hồ tồn đọng lâu ngày và bổ sung nước mưa hòa loãng để cải thiện chất lượng nước hồ nhưng không được quan tâm! Có như vậy nước Hồ Gươm được cải thiện mà hầu như không tốn kém bởi vì chỉ thực hiện việc đóng mở cửa cống mỗi năm độ một hai lần.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast