Phòng tai nạn đuối nước cho trẻ trong mùa hè

(Baohatinh.vn) - Ngoài tai nạn giao thông, bỏng, ngộ độc... thì tai nạn đuối nước vẫn là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất cho trẻ em.

Hàng năm, vào dịp nghỉ hè là thời điểm học sinh có nhiều thời gian vui chơi, lại ít được sự quản lý, giám sát chặt chẽ của người lớn. Tỉnh ta lại có biển, nhiều sông, suối, ao hồ, các bãi tắm tự phát mọc lên nhiều nên nguy cơ đuối nước ở trẻ càng cao. Đặc biệt ở các vùng nông thôn, trẻ em thường ra các khu vực đồng, sông, suối vui chơi, phụ giúp gia đình chăn trâu bò, mò cua, bắt ốc... gần như thiếu sự quản lý của người lớn nên nguy cơ đuối nước đối với trẻ khu vực này cao hơn khu vực đô thị - nơi có nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích được quan tâm tổ chức...

Tai nạn đuối nước vẫn là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất cho trẻ em. Ảnh: BẮc Hạnh
Tai nạn đuối nước vẫn là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất cho trẻ em. Ảnh: BẮc Hạnh

Theo thống kê từ Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH), năm 2013, toàn tỉnh có 32 trẻ tử vong do tai nạn đuối nước, chiếm hơn 30% số trẻ tử vong do tai nạn. Từ đầu năm 2014 đến nay, có ít nhất 8 trẻ bị chết đuối. Các vụ đuối nước đau lòng xảy ra không những ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội mà nghiêm trọng hơn là tước đi mạng sống, để lại những mất mát lớn đối với người thân các em. Tại Hương Khê, ngày 15/4, em Võ Thị Huyền (SN 2002, trú tại xã Hương Liên) đi câu cá với ông nội rồi tự ý xuống sông tắm và bị chết đuối; trước đó, ngày 1/4, một nhóm trẻ em tại xã Hương Vĩnh đi tắm tại Khe Tuần cũng đã xảy ra tai nạn đuối nước, cướp đi sinh mạng của em Lê Minh Anh Tuấn (SN 2002).

Mới đây (23/5), trong lúc bắt ốc, 2 em Nguyễn Bảo Thắng và Nguyễn Mạnh Hùng (đều SN 2001, học sinh Trường THCS Thạch Trung - TP Hà Tĩnh) không may rơi xuống hố sâu bên sông Cày và tử vong; ngày 25/5, em Nguyễn Văn Hoàng (8 tuổi, trú tại thôn Liên Minh, xã Thường Nga, Can Lộc) cũng bị đuối nước do rơi xuống ao cá nhà hàng xóm…

Những cái chết thương tâm của các em đã gióng lên hồi chuông cảnh báo các cơ quan chức năng cũng như các bậc phụ huynh về tai nạn đuối nước, nhất là vào dịp hè.

Theo Phó Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Phan Thị Mai Hương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước như: do địa hình phức tạp với nhiều sông suối, ao hồ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Nhiều gia đình còn chủ quan, thiếu sự quản lý, để con em tự ý ra biển, ao hồ, sông suối tắm.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù là địa bàn nhiều ao hồ, sông suối nhưng tại các địa điểm này đều không được rào chắn và không có biển cảnh báo nguy hiểm. Hơn nữa, tình trạng xây dựng các công trình, khai thác cát, đất đá, sự vô ý thức của con người... đã để lại các hố, ao sâu không có hàng rào, rất nguy hiểm đối với trẻ em.

Để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ đuối nước thương tâm như thời gian vừa qua, chị Phan Thị Mai Hương cho biết thêm: Phòng đang tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống tai nạn trẻ em, nhất là đuối nước; nhanh chóng triển khai các đợt tập huấn về phòng chống tai nạn trẻ em cho đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tại các phường, xã để từ đó tuyên truyền đến từng gia đình, nâng cao kiến thức, nhận thức cho các bậc phụ huynh. Phòng cũng đã phối hợp với ngành Giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đến từng giáo viên, học sinh về việc vui chơi, nghỉ ngơi an toàn, lành mạnh vào dịp hè; tiếp tục chỉ đạo nhân rộng các mô hình dạy bơi cho trẻ em, nhất là tại các khu vực nông thôn.

Phòng chống đuối nước cho trẻ - trách nhiệm không của riêng ai. Để tạo môi trường sống, vui chơi an toàn, bổ ích cho trẻ, cần tăng cường sự vào cuộc, phối hợp của các cấp, ngành, đoàn thể và sự quản lý của gia đình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast