Quảng Trị - Máu đã thành hoa...

40 năm trở lại, Quảng Trị - vùng đất "đạn xới bom cày" ngày xưa đã hóa thân thành miền cổ tích. Cuộc sống thanh bình, nhà nhà yên vui. Ngắm cảnh, nhìn người, những người lính năm nào rưng rưng xúc động. Họ nhớ về những ngày đã qua và hạnh phúc vì hôm nay…

Vừa trở về sau những ngày “trở lại chiến trường xưa” cùng những người bạn chiến đấu cũ, ông Nguyễn Phi Khương tỏ vẻ hứng khởi vô cùng. Ông nói: “Giờ tôi có chết đi cũng mãn nguyện rồi!”.

Đối với đồng đội cũ, nhắc đến Phi Khương ai cũng biết.
Đối với đồng đội cũ, nhắc đến Phi Khương ai cũng biết.

Sau lời thổ lộ ấy, ký ức trong ông cứ thế tuôn trào. 18 tuổi, với nhiệt huyết tuổi trẻ, ông Khương xung phong nhập ngũ, ông vào Đại đội 3, tiểu đoàn 4, trung đoàn 812, sư đoàn 324, ở chiến trường Quảng Trị. Trận đầu tiên ông đánh giặc là ở Cù Đinh Bà De (Cam Lộ, Quảng Trị). Mặc dù chiến trường ác liệt nhưng ông không hề lung lay, trái lại, càng đánh, ông thấy càng trưởng thành và càng mạnh. Năm 1966, với lời kêu gọi tổng động viên của Hồ Chí Minh ở miền Bắc, người chiến sỹ trẻ càng trở nên hăng say vì có thêm niềm tin vào hậu phương vững chắc.

Trận đầu tiên ông tham gia thắng lợi. Bấy giờ, quân ta lấy địa bàn vừa thắng làm chủ, chốt chặt lực lượng không cho địch tấn công để mở rộng xuống Bắc Cam Lộ, Tây Do Linh và khu vực Tân Kim, Hồ Khê. Năm 1967, ông tiếp tục tham gia đánh trận Cồn Tiên, Dốc Miếu. Trận này, ta không làm chủ được nên phải lui về cố thủ ở trận địa và tiếp tục đánh nhau với địch ở khu vực Hồ Khê.

Tháng 9 năm 1967, Mỹ đưa quân ra chiến trường Quảng Trị, ta tổ chức đánh hợp đồng binh chủng pháo binh và bộ binh, đánh tấn công vào khu vực Bái Sơn. Đúng 5h chiều, ta nổ súng và đánh pháo vào đội hình của địch đang hành quân. Địch chạy toán loạn. Thừa thắng, bộ đội ta xung phong tấn công các mũi vào đội hình địch. Lần này, một thằng Mỹ sợ pháo sáng của ta nên đã chui xuống hầm trốn. Ông Khương phát hiện, đã nhảy vào ôm cổ nó đè xuống. Tuy nhiên, do nó quá khỏe, đã vùng dậy được và bị anh em tiêu diệt. Cái danh là “người sờ vào gáy Mỹ” của ông bắt đầu từ đó.

Trận Mậu Thân năm 1968, ông Khương bị thương. Trở về điều trị 3 tháng, hồi phục sức khỏe, ông lại tiếp tục ra chiến trường. Năm 1971, bấy giờ ông đã là tiểu đoàn phó, ông nhận được lệnh hành quân cả đơn vị ra đánh chia cắt đường 9 Nam Lào. Trận này hết sức quyết liệt. Trong 3 ngày liên tục, ta chặn đánh không cho địch từ Quảng Trị lên và từ Bản Đông về. Đặc biệt, trong trận này, có đồng chí Hưởng, xạ thủ B41 đã diệt được 12 xe tăng và hàng trăm xe vận chuyển của địch.

Hoàn thành nhiệm vụ ở đường 9, ông Khương trở thành tiểu đoàn trưởng và tiếp tục được điều động hành quân về Nam Quảng Trị chia cắt đoạn đường Quốc lộ 1A từ Mỹ Chánh đến Cầu Dài, chặn không cho địch chạy vào Thừa Thiên Huế. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của chốt chiến đấu đối với chiến dịch giải phóng Quảng Trị nên ông Khương quyết tâm chỉ huy tiểu đoàn đánh diêt xe tăng của địch, không cho địch tháo chạy. Ông Khương nhớ lại: “Trận này ác liệt lắm, người dân ở đây gọi là đại lộ kinh hoàng. Cứ 20 m là có một khẩu hỏa lực B40 hoặc B41, còn bộ binh thì nổ súng”…

Câu chuyện của ông Khương cứ thế kéo dài, dẫn chúng tôi từ chiến trường này tới chiến trường khác. Và trong mỗi một câu chuyện, mỗi một trận đánh, tôi chỉ nghe ông nhắc đến ý chí quyết chiến và sự trưởng thành. Tôi hỏi ông về sự hy sinh, gian khổ, giọng ông chùng xuống: “Có chứ… Như tôi đây may nhờ có sức khỏe chứ đạp núi, băng đèo, trên tay cầm một miếng bản đồ hình chức S (không phải bản đồ như bây giờ đâu) cứ thế mà đi … Có những ngày 1 bát gạo phải chia ra 3, 4 lần nấu. Mảnh đất Quảng Trị ngày xưa đạn xéo bom cày, không có một cây xanh nào sót nổi. Còn người cũng có là bao đâu, di tản hết, bộ đội chúng tôi có chăng chỉ gặp được du kích, giao liên dẫn đường. Còn anh em hy sinh cũng không kể hết. Có những lúc một mình tôi kẹp hai nách 2 thi thể đồng đội, trên lưng còn cõng thêm 1 thi thể nữa, còn cổ thì đeo đến 4 chiếc súng (1 súng của bản thân, còn 3 súng là của 3 đồng đội đã mất) ra khỏi trận địa để anh em ở ngoài mai táng…

Hội CCB Hà Tĩnh chụp hình lưu niệm tại nhà tù Lao Bảo
Hội CCB Hà Tĩnh chụp hình lưu niệm tại nhà tù Lao Bảo

Cuộc hành trình “trở về chiến trường xưa” chở nặng ký ức. Ký ức của một thời oanh liệt, đầy gian khổ, hy sinh nhưng quyết chiến, quyết thắng cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ông Nguyễn Văn Chính, nguyên là UVTV, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh cho biết: Chuyến trở về lần này có đến 30 vị trướng lĩnh chiến đấu xuất sắc và nhiều gia đình anh hùng, liệt sỹ. Đặc biệt, trong đó có Thiếu Tướng Trần Văn Ân đã 93 tuổi, Thiếu Tướng Nguyễn Quốc Thước đã 87 tuổi; có những người đánh chỉ còn lại một mình như Bác Thẩm ở Nghi Xuân; có người đánh rất giỏi, rất xuất sắc như Bùi Ngọc Đủ nhưng mất tích một thời gian, sau đó nhờ bài hát “Con suối la la” của nhạc sỹ Huy Thục mới tìm ra được ông và phong anh hùng…

Trở lại, đặt chân trên mỗi tấc đất, mỗi trận địa xưa, ai cũng ngậm ngùi, xúc động. “Bọn chúng tôi còn được sống và trở lại nhưng biết bao đồng đội đã nằm lại vĩnh viễn nơi đây. Tính riêng như đại đội tôi đã có hơn 11.000 liệt sỹ. Có kể, thế hệ các cháu sau này cũng chưa hình dung nỗi. Chiến trường Quảng Trị hồi đó chủ yếu là ngụy. Từ 1965, mỹ mới bắt đầu đổ bộ vào. Mà chiến đấu thì ác liệt lắm! Có mấy ai hy vọng được trở về, cứ nghĩ “giờ mình chôn bạn, mai kia người khác lại chôn mình”…

Xót xa hơn, nhiều anh em không lấy được xác. Như trận đánh Cồn Tiên, 150 anh em của ta ở trong đó không lấy được xác. Sau này, CCB Mỹ có chỉ điểm nhưng cho đến giờ vẫn chưa lấy hết được…

Được sống và trở lại, mỗi người một tâm tư, thương nhớ có, ngậm ngùi, xót xa có, nhưng hơn hết, tất cả đều biểu rõ sự hạnh phúc, thỏa mãn. Những đồng đội nằm lại trên các nghĩa trang liệt sỹ trên vùng đất Quảng Trị đều có người trông nom, hương khói chu đáo; những trận địa xưa đều đã trở thành những chiến tích trường tồn, làm minh chứng lịch sử cho thế hệ mai sau. Và những dấu tích “đạn xới, bom cày” đã được xóa mờ để mọc lên bạt ngàn cây xanh bất tận. Mảnh đất chết ngày xưa đã tràn trề sự sống, sinh lộc biếc, chồi non.

“Được trở lại và chứng kiến sự đổi thay của Quảng Trị hôm nay tôi vô cùng hạnh phúc. Vậy là, sự hy sinh, gian khổ của chúng tôi ngày xưa đã có thành quả xứng đáng. Không còn gì hạnh phúc hơn thế. Chúng tôi đã thầm nói với những anh em đã nằm xuống trên mảnh đất Quảng Tri rằng: Các anh cứ vui an nghĩ chứ Máu của chúng ta đổ xuống nay đã thành Hoa rồi…!”, ông Khương thổ lộ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast