Quê hương nhớ thương người anh hùng

(Baohatinh.vn) - Kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, triệu triệu con tim lại bồi hồi xúc động khi nhắc đến những người anh hùng đã ngã xuống tại chiến trường này. Chúng tôi – thế hệ con cháu của liệt sỹ, người anh hùng lấp lỗ châu mai Phan Đình Giót một lần nữa lại thổn thức, tự hào...

Hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014)

Tuổi thơ cơ cực

Quê tôi ở làng Vĩnh Yên, xã Tam Lộng, tổng Mỹ Duệ (nay là thôn 7, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên). Đó là miền quê giàu truyền thống cách mạng, gắn liền với tên tuổi của anh hùng kháng chiến chống Pháp Phan Đình Giót. Trong ký ức tuổi thơ, những câu chuyện về ông bác Phan Đình Giót được ông nội tôi – Phan Đình Nghị kể lại nhiều lần vẫn luôn in đậm trong tôi. Đó là những câu chuyện về sự chiến đấu ngoan cường, anh dũng hay những mẩu chuyện đời về ông Giót. Trong trí nhớ của nội tôi (năm nay đã 90 tuổi), ông Giót có dáng người đậm, khuôn mặt tròn, trông rất khôi ngô, tuấn tú.

Ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của QĐND Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờ-cát, chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của QĐND Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờ-cát, chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Ông Giót sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Ngày ông Giót lên 3 tuổi, bố mất. Thương mẹ tảo tần nuôi 3 anh em, mới 10 tuổi, ông đã xin đi ở đợ cho cố Thung – địa chủ trong làng Vĩnh Yên lúc bấy giờ. Ông nội tôi kể: “Ông Giót ở đợ mãi cho đến khi lấy bà Ran thì lại đi ở rể. Ông ở rể được 1 năm thì có con nhưng năm đó đói kém, dịch bệnh nên con trai ông cũng mất khi mới được mấy tháng. Sau đó, ông đi bộ đội và hy sinh”.

Kể về ông Giót, tôi còn nhớ như in câu chuyện mà cụ Hoài, cụ A – những bậc cao niên trong làng vẫn hay kể lại. Thuở còn đi ở đợ cho nhà cố Thung, một hôm, ông đi chăn bò và cắt dây khoai lang về chăn lợn. Mải cắt khoai lang, con bò xuống ăn rau lang lúc nào không biết. Tiện liềm trong tay, ông ném để đuổi con bò. Không may liềm cứa vào chân sau con bò bị què. Cố Thung nổi cơn thịnh nộ, đánh đập, chửi mắng thậm tệ và bắt ông phải đền con bò. Nhà nghèo lấy đâu ra tiền, thế là từ hôm đó, ông đi ở cho cố Thung không công. Thương mẹ, thương em nhưng ông đành cắn răng chịu.

Trong những câu chuyện về ông Giót, hình ảnh ngày ông lên đường nhập ngũ, mỗi lần được nghe lại, tôi vẫn thấy xúc động tột cùng. Ông Phan Đình Giát - em trai liệt sỹ Phan Đình Giót kể: “Hôm đó là một ngày giữa tháng 7/1951, nắng rát da mặt. Ông tiễn anh trai lên đường nhập ngũ, đi theo đường đê Cẩm Thành ra đến cầu Quán Kho được 9, 10 cây số thì anh không cho đi nữa, bảo: “Em về chăm sóc mẹ, đừng khóc! Anh đi rồi anh lại về mà!”. Vậy nhưng, câu hẹn: “Anh đi rồi anh lại về” đã không thành hiện thực. Đó cũng là lần cuối cùng 2 anh em gặp nhau để rồi 3 năm sau, ông nhận được giấy báo tử của anh trai mình. “Lúc ra đi, nhà không có lấy một hạt gạo, mẹ ông phải chạy vạy khắp nơi mới vay được cân gạo, nấu 1 nửa 2 anh em ăn, còn 1 nửa gói để anh mang theo. Ông được bộ quần áo nâu lành lặn đang mặc trên người thì cũng cởi ra để cho anh mặc” - ông Giát nghẹn ngào.

Anh dũng chiến đấu

Sau 3 tháng huấn luyện ở Tân Trào (Tuyên Quang), Phan Đình Giót được tham gia một loạt chiến dịch lớn: Trung Du, Hòa Bình, Tây Bắc. Chiến dịch nào, ông cũng có mặt và lập công xuất sắc. Trận Tràng Bạch, chiến dịch đường 18, sau khi đánh sập lô cốt chìm của địch, ông bị thương mà không chịu về tuyến sau, xin bằng được ở lại tiếp tục chiến đấu đến khi trận đánh kết thúc. Trận Chùa Tiếng, một mình ông mưu trí, linh hoạt diệt 4 ụ đại liên của địch, làm cho kẻ thù khiếp sợ. Cuối năm 1951, Trung đoàn nhận nhiệm vụ phục kích đánh địch khi chúng chuyển lên Hòa Bình. Đại đội của Phan Đình Giót được giao nhiệm vụ vượt sông Đà tấn công đồn Ba Vì, đội hình bị lộ, địch dùng máy bay, pháo binh oanh tạc dữ dội. Ông Giót dẫn đầu một tổ chủ công xung phong dưới làn bom đạn, nhanh chóng áp sát mục tiêu, san bằng đồn địch, làm cho quân thù kinh hoàng.

Ông Phan Đình Giát thắp hương cho anh trai - liệt sỹ Phan Đình Giót
Ông Phan Đình Giát thắp hương cho anh trai - liệt sỹ Phan Đình Giót

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc ấy, ông Giót là Tiểu đội trưởng bộc phá, thuộc Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 đã cùng đồng đội hành quân cấp tốc lên Tây Bắc, vượt qua 500 km đường rừng với không biết bao nhiêu đèo cao, vực thẳm. Đơn vị vừa hành quân, vừa mở đường. Đúng 17h ngày 13/3/1954, được chi viện 80 khẩu pháo và súng cối, Đại đoàn 312 đồng loạt tấn công vào cứ điểm Him Lam.

Trước khi ta tấn công Điện Biên Phủ, Tiểu đội của Phan Đình Giót có nhiệm vụ dùng bộc phá mở cửa tạo điều kiện cho quân ta đánh chiếm mục tiêu số 2 của địch. Kẻ thù chống trả quyết liệt, ta và địch giành giật với nhau từng mét hàng rào. Phan Đình Giót đánh đến quả bộc phá thứ 9 thì bị thương ở đùi, vẫn lao lên đánh quả thứ 10. Vết thương chảy máu nhiều làm ông lịm đi, khi tỉnh dậy, thấy địch tập trung hỏa lực quyết không cho quân ta tiến. Các tổ trung liên của ta vận động lên đều bị pháo 155 mm của địch từ Mường Thanh, đồi Độc Lập bắn tới làm cho vũ khí bị vùi lấp, anh em tổn thất rất lớn. Quân ta dồn lại trước cửa mở, các mũi xung kích bị chặn lại.

Trước tình thế vô cùng cam go, ông Giót ép mình xuống sát đất rồi nhích dần, nhích dần về phía hỏa lực địch. Đạn trong lô cốt địch bắn ra sáng rực cả màn đêm. Ông nhoài người lên đánh tiếp 2 quả bộc phá, phá toang hàng rào cuối cùng. Bọn địch tập trung hỏa lực bịt bằng được cửa mở. Lợi dụng góc chết, Phan Đình Giót tiêu diệt lô cốt số 2, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho bộ đội ta tiến lên. Lúc này, ông bị thương vào vai, máu chảy đầm đìa, hỏa lực lô cốt số 3 bắn xối xả vào đội hình của ta. Quân ta không tiến được. Phan Đình Giót dùng hết sức bình sinh, vươn người dậy lấy đà, lao cả thân mình vào bịt lỗ châu mai. Hỏa điểm lợi hại nhất của địch bị dập tắt. Bộ đội ta thừa thắng xông lên tiêu diệt toàn bộ cứ điểm Him Lam. Lúc đó là 22h30’ ngày 13/3/1954.

Quá khứ là “bệ phóng” cho tương lai!

Sự hy sinh anh dũng của Phan Đình Giót đã trở thành tấm gương sáng để chúng tôi – thế hệ cháu con tự hào và noi gương học tập. Dòng tộc Phan Đình ở thôn 7, xã Cẩm Quan là một trong những dòng họ lớn nhất ở địa phương, có hơn 50 hộ với gần 300 nhân khẩu; có 29 người tham gia quân đội chống Pháp, trong đó có 2 liệt sỹ. Hiện nay, con cháu họ Phan Đình sinh sống và làm việc khắp mọi miền Tổ quốc. Họ Phan Đình cũng là dòng họ hiếu học nổi tiếng trong vùng. Tiếp nối truyền thống yêu nước của anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót, con cháu họ Phan Đình nói riêng và con em đất Cẩm nói chung đang ra sức xây dựng quê hương. Xã Cẩm Quan – quê hương anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót đang từng ngày “thay da, đổi thịt” nhờ chủ trương xây dựng NTM. Toàn xã hiện có 1.842 gia đình văn hóa (chiếm 79,3%). Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 8,31%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm.

Con đường làng tôi rộng thênh, lúa đang thì con gái gặp nguồn nước từ hồ Kẻ Gỗ chảy về nên đẹp lạ thường. Trên con đường ấy,đài tưởng niệm liệt sỹ Phan Đình Giót đang được các học sinh quét dọn, vệ sinh sạch sẽ và hương khói chu đáo. Trong làn khói hương nghi ngút, ông Phan Đình Giót nhắn nhủ với tôi: “Nguyện vọng cuối đời của ông là trước khi “nhắm mắt xuôi tay” được lên Điện Biên Phủ để thắp hương cho anh trai mình”. Còn chúng tôi – thế hệ cháu con của người nguyện ra sức phấn đấu để xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống của cha ông!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast