“Săn” mật ong rừng

(Baohatinh.vn) - “Săn” được mật đã khó, nhưng để có mật ngon là cả một vấn đề. Những người thợ từng trải cho biết, để có giọt mật tinh khiết, không chua, quy trình vắt và đóng chai phải cẩn thận, chuyên nghiệp…

Kinh nghiệm

Chúng tôi đến xã Hòa Hải (Hương Khê) vào một buổi sáng, được nghe kể về những chuyến hành trình tìm mật và hiểu hơn tâm tình của người đi lấy mật ong rừng. Theo anh Nguyễn Văn Tuấn (trú ở xóm 1) đi rừng lấy mật là nghề khá lâu đời của những người đàn ông xã Hòa Hải nói riêng và miền núi Hà Tĩnh nói chung. Qua bao năm lăn lộn với rú rừng, anh đã trang bị cho mình khá nhiều kinh nghiệm.

Từ tháng 4 đến tháng 7, hoa rừng đua nở, ong kéo về từng đàn làm tổ, luyện mật, cũng chính là mùa “làm ăn” của những người thợ “săn” mật. Thời điểm cao trào, mật ong nhiều nhưng nếu không có kinh nghiệm cùng sự nhạy bén thì khó mà tìm được tổ. “Buổi sáng, tôi tìm tới các vũng nước trong rừng để nhìn ong đến hút nước. Quan sát thấy ong bay về hướng nào, tổ sẽ nằm ở đó. Từ điểm đậu hút nước, ong bay vút lên cao thì tổ sẽ ở cách xa, còn bay ngang vào rừng là tổ đóng gần. Khi đã xác định được đường ong bay thì sẽ có đường đi tìm tổ mật. Kinh nghiệm cho thấy, đầu mùa mật ong sẽ đóng ở vị trí thấp, đến giữa được đóng cao lên dần”, anh Gia – một người đi rừng lâu năm chia sẻ bí quyết.

Nghề săn mật ong rừng mang lại thu nhập khá cho người dân miền núi.
Nghề săn mật ong rừng mang lại thu nhập khá cho người dân miền núi.

Ngoài kinh nghiệm tìm ong, thì nhớ ong, để dành ong cũng là cách mà đám thợ “săn” sử dụng. Khi gặp tổ ong ít mật, họ chỉ lấy một nửa, sau đó, nhét kín cửa, làm sao không cho nước mưa vào. Còn ong non, nên cả đàn sẽ không bỏ tổ, khoảng một tuần ghé lại, sẽ có mật để lấy tiếp. Dụng cụ “săn” mật ong không cầu kỳ, chỉ cần chiếc bì, bao bóng, con dao… là có thể thu hoạch mật. Khi phát hiện được tổ, người thợ nhanh chóng dùng “trái khói” đuổi ong ra ngoài. “Trái khói” là đuốc và một chùm lá cây tươi quấn quanh để khi đốt lên không bén lửa, mà chỉ cho khói bay ra ngoài để đảm bảo an toàn.

“Đi nghề lâu năm mới biết, mật ong cũng là một tín hiệu dự báo thời tiết. Năm nào lụt to, ắt sẽ nhiều mật, năm nào rét đậm, mật chẳng được bao nhiêu vì ong chết hết. Năm ngoái là mùa “làm ăn” của nhà tôi, khi mà cả mùa thu về đến 200 chai mật, mỗi chai trị giá 250-300 ngàn đồng. Bình thường, mỗi cây chỉ được 1 tổ, nhiều thì vài ba tổ, nhưng có lần, chúng tôi thắng đậm bởi gặp cây to, đóng tới 40 tổ. Tổ to khoảng 20–25 chai, tổ nhỏ cũng 10–15 chai” – anh Tuấn cho biết thêm.

“Săn” được mật đã khó, nhưng để có mật ngon là cả một vấn đề. Những người thợ từng trải cho biết, để có giọt mật tinh khiết, không chua, quy trình vắt và đóng chai phải cẩn thận, chuyên nghiệp, tránh để kén hay con non lẫn vào. Mật ong rừng là đặc sản được ưa chuộng và mật ong rừng ở Hòa Hải được nhiều người biết tới bởi vị thơm, ngon, nguyên chất.

Và niềm đam mê

“Nhà tôi chỉ có mình tôi theo nghiệp rú rừng. Lần đầu tiên, khi đi rừng học việc với các bác trong làng, thực sự đã rất khó khăn với tôi. Trèo rú, trèo rừng, trượt chân ngã, bị ong cắn… là điều gặp thường xuyên, nhưng điều lạ là càng đi càng thích, càng đam mê. Và đến bây giờ, khắp đồi núi Vũ Quang, Hương Khê… tôi đều đã đặt chân đến” – anh Tuấn trải lòng.

Bác Đăng – người có thâm niên trong nghề cho biết: “Nghề này phụ thuộc vào cái may, cái duyên. Không phải ngẫu nhiên, chúng tôi gọi đây là “của trời cho”. Bởi đi săn mật giống như “đánh bạc với rừng”. Có khi đi mấy ngày nhưng về tay không, trái lại, có ngày vài ba chục lít là chuyện bình thường”.

Dẫu biết, nghề lấy mật vô cùng vất vả, hiểm nguy luôn rình rập, nhưng đối với những người như bác Đăng, anh Gia, anh Nghi, anh Tuấn… thì công việc này dường như là “duyên nợ”. “Say” nghề, anh Tuấn thuộc vanh vách từng loài ong cũng như đặc tính “xây nhà”, làm tổ của chúng. “Mỗi loài một đặc điểm riêng. Ong nhánh cho nhiều mật nhất, mỗi tổ 20-30 lít và rất ngon; ong thế thường làm tổ trên cao và trong rừng sâu, tổ lớn nhưng mật hơi chua; còn ong ruồi và ong mật thường nằm trong hang nhỏ nên mật rất ít”.

Mật ong là sản phẩm rất có giá trị, mỗi mùa nếu trúng, mỗi người cũng kiếm được hàng chục triệu đồng. Đối với người gắn bó với nghề, mật ong chính là “lộc rừng” giúp họ trang trải cuộc sống. So với trước, nghề lấy mật ong hiện nay không còn nở rộ, nhưng ở Hòa Hải nói riêng, Hương Khê nói chung, những người thợ ong rừng còn khá đông. Năm nay, nhiều người đã “mở hàng” và thu hoạch được kha khá “lộc rừng”. Đó là tín hiệu vui báo hiệu một mùa nhiều “lộc” với những người “săn” mật nơi vùng núi rừng Hương Khê.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast