Siết chặt quản lý Nhà nước về đất đai và môi trường

(Baohatinh.vn) - Sáng 9/5, đoàn giám sát chuyên đề HĐND tỉnh Hà Tĩnh có buổi làm việc với Sở TN&MT và các đơn vị trực thuộc về công tác quản lý Nhà nước về đất đai và môi trường trên địa bàn. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y chủ trì buổi làm việc.

siet chat quan ly nha nuoc ve dat dai va moi truong

Trong lĩnh vực đất đai, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước đã có những chuyển biến tích cực. Việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được hoàn thành ở cả 3 cấp; công tác chuyển đổi ruộng đất lần 2 cơ bản hoàn thành; việc cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh cơ bản đã hoàn thành, trong đó, cấp đất ở lần đầu đạt hơn 90%, cấp đổi đạt trên 94% nhu cầu…

Công tác giải phóng mặt bằng được quan tâm chỉ đạo kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất. Ngành TN&MT đã rà soát việc sử dụng đất của các nông, lâm trường, cắt giảm hàng chục nghìn ha đất lâm nghiệp sử dụng không có hiệu quả, giao các địa phương quản lý; thực hiện giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp, khiếu kiện.

siet chat quan ly nha nuoc ve dat dai va moi truong

Phó Giám đốc Sở TN&MT Phan Lam Sơn báo cáo công tác quản lý Nhà nước về đất đai và môi trường

Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai vẫn còn nhiều mặt hạn chế như: lập quy hoạch, kế hoạch tuy đã triển khai nhưng vẫn còn chậm, kéo dài, chắp vá; quản lý, sử dụng đất ở một số địa phương, cơ sở còn lỏng lẻo; tình hình khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo còn diễn biến phức tạp…

Trong lĩnh vực môi trường, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã đạt được một số kết quả khả quan. Đến nay, toàn tỉnh có 241 đơn vị thu gom và xử lý rác thải với 2.514 lao động; phương tiện hoạt động của các tổ chức tăng cả về số lượng và chất lượng.

Hà Tĩnh hiện có 2 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, 5 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, 7 bãi chôn lấp tự phát và 7 lò đốt được đầu tư độc lập. Trong đó, Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tại xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) có công suất thiết kế xử lý 200 tấn/ngày đêm, Nhà máy chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn (thị xã Kỳ Anh) có công suất thiết kế 240 tấn/ ngày đêm.

siet chat quan ly nha nuoc ve dat dai va moi truong

Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn: Cần rà soát các tồn đọng liên quan đến giao đất, cấp đất của các dự án, hộ gia đình chưa được giải quyết thỏa đáng, hoặc giải quyết chưa dứt điểm.

Trong chăn nuôi, mặc dù cơ quan quản lý đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, tuy nhiên, do đặc thù của ngành nên nhiều địa phương vẫn đang xảy ra tình trạng hoạt chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Phần lớn do các cơ sở chưa bố trí nguồn vốn cho bảo vệ môi trường, công trình xử lý chất thải chưa đảm bảo, một số cơ sở không đảm bảo quy định khoảng cách về bảo vệ nguồn nước...

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị. Tuy nhiên, cần rà soát các tồn động liên quan đến giao đất, cấp đất của các dự án, hộ gia đình chưa được giải quyết thỏa đáng, hoặc giải quyết chưa dứt điểm; có đánh giá hiệu quả các dự án sử dụng đất, chính sách thu hồi, bồi thường, tái định cư…

siet chat quan ly nha nuoc ve dat dai va moi truong

Trưởng Ban Pháp chế - HĐND tỉnh Nguyễn Trọng Nhiệu: Cần tiếp tục làm rõ tình hình thực thi pháp luật về đất đai, hiện nay còn tồn tại những vi phạm nào? Xử lý như ra sao?

Đề cập đến vấn đề môi trường, nhiều đại biểu cho rằng, đây là lĩnh vực phức tạp, trong khi kinh phí xử lý còn thấp nên còn nhiều tồn tại, bất cập; nhiều bãi rác hiện đang quá tải, không đảm bảo; cần rà soát lại một số điểm trung chuyển rác, điều chỉnh những điểm chưa hợp lý; đánh giá hiệu quả hoạt động của các nhà máy xử lý rác; xem xét cơ chế chung về phân loại rác tại các hộ gia đình; báo cáo tình hình thực thi pháp luật về môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi, thực trạng vi phạm và hướng giải quyết…

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y đề nghị Sở TN&MT tiếp thu ý kiến của đại biểu, trong đó, nhiều nội dung cần phải làm rõ, sâu hơn.

Để đảm bảo việc khảo sát của đoàn giám sát ở các cơ sở đảm bảo khách quan, đầy đủ, đề nghị Sở TN&MT cung cấp thêm các danh mục về đất đai, các dự án được giao cấp đất nhưng không đủ thẩm quyền quy hoạch, danh mục dự án sử dụng đất sai mục đích, không hiệu quả hoặc không sử dụng.

Về lĩnh vực môi trường, đề nghị sở báo cáo kết quả xử lý và cung cấp đầy đủ danh sách cơ sở sai phạm cho đoàn giám sát; bố trí cán bộ tham gia cùng đoàn tại các đơn vị, địa phương trong thời gian tới.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast