Sơn Mỹ - Nơi từng nhánh cỏ thấm giọt máu hồng

Nhân dịp hành trình Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển ghé bến Sa Kỳ (Quảng Ngãi), tôi đã được đến thăm khu chứng tích Sơn Mỹ. Giữa nắng ấm quê hương, mỗi bước chân trẻ trung của chúng tôi như chùng hẳn xuống khi đến bên tượng đài, khi ngang qua những khu vườn hay ngôi nhà còn được giữ nguyên sự hoang tàn, khi tận mắt nhìn những bức ảnh ghi lại vụ thảm sát Mỹ Lai… Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ buổi sáng đau đớn ấy và Sơn Mỹ hôm nay cũng đã khoác lên mình màu áo mới nhưng những chứng tích này mãi mãi gợi lên những xúc cảm đớn đau tột cùng…

Hơn 40 năm đã đi qua, biết bao ngày tháng hòa bình đã về lại trên mảnh đất đẫm máu người dân vô tội nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Di tích vụ thảm sát Sơn Mỹ nằm trên địa bàn xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Bên cạnh giá trị lịch sử, khu di tích Sơn Mỹ là nơi ghi tội ác điển hình của giặc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, là nơi tưởng niệm 504 đồng bào vô tội đã ngã xuống.

Hình ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai được dựng lại trong nhà chứng tích Sơn Mỹ
Hình ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai được dựng lại trong nhà chứng tích Sơn Mỹ

Nỗi đau được khắc tạc sinh động trên những gương mặt, dáng hình của bức tượng đài khiến ai đến đây dâng hương cũng không tránh khỏi niềm căm phẫn. Này là nỗi đau của người mẹ khi nhìn con mình gục chết trên tay, này là sự cố gắng chở che đứa em bé bỏng của người anh, này là nỗi đau tột cùng của đứa con gái ôm trên tay người cha đang hấp hối… Giọng cô hướng dẫn viên tuy nhẹ nhàng mà vẫn không giấu được cảm xúc đau đớn khiến chúng tôi cũng không khỏi nghẹn ngào.

Lịch sử ghi lại, ngày 16/3/1968, một cuộc hành quân huỷ diệt dã man chưa từng thấy được quân xâm lược Mỹ mưu tính và thực hiện đánh vào người dân Sơn Mỹ vô tội không một vũ khí trong tay. Với chủ trương đốt sạch, phá sạch, giết sạch, chúng đã biến nơi này thành vùng đất chết, “làm cỏ” cả một làng quê yên bình. Một đội quân Mỹ đã đổ bộ xuống phía tây xóm Thuận Yên thôn Tư Cung và xóm Mỹ Hội thôn Cổ Lũy xã Sơn Tịnh (Sơn Tịnh – Quảng Ngãi) khi bà con đang chuẩn bị cho một ngày lao động mới và cuộc thảm sát bắt đầu.

Tổng số người bị tàn sát ở Sơn Mỹ là 504 người, trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già trong đó 24 gia đình bị giết sạch, 247 ngôi nhà bị thiêu cháy. Vụ thảm sát Sơn Mỹ là đỉnh cao trong muôn vàn tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, bị cả nhân loại yêu chuộng hòa bình lên án.

Lĩnh Mỹ băng qua cánh đồng thôn Thuận Yên tiến vào thôn Tư Cung (chụp lại ảnh tư liệu trong nhà chứng tích Sơn Mỹ)

Lĩnh Mỹ băng qua cánh đồng thôn Thuận Yên tiến vào thôn Tư Cung (chụp lại ảnh tư liệu trong nhà chứng tích Sơn Mỹ)

Khu chứng tích Sơn Mỹ có diện tích 2,4ha, nằm ở xóm Khê Thuận (thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê) là một tổng thể các địa điểm ghi dấu tội ác của giặc Mỹ đối với đồng bào ta. Quả thật là trước khi đến đây tôi cũng đã từng đọc những thông tin về vụ thảm sát Mỹ Lai nhưng chỉ khi tận mắt chứng kiến những chứng tích còn được lưu giữ tôi mới thật sự thấu hiểu nỗi đau mà những tên lính Mỹ tàn độc đã gieo xuống. Bên ngoài khuôn viên chứng tích, là những tấm bia dựng lên ở các địa điểm đã xảy ra các cuộc bắn giết. Nào là tháp canh ở rìa làng, bên con đường đất nhỏ xóm Thuận Yên với 102 người bị bắn chết, nào là cây gòn nơi 15 phụ nữ và trẻ em bị sát hại… Ngay tại lối vào khu chứng tích là những bức tượng tạc lại tư thế trước khi ngã xuống của bao người vô tội, trong khuôn viên còn có ngôi mộ chung và những ngôi nhà bị thiêu rụi…

Chúng tôi chẳng ai nói với ai lời nào, chỉ bàn tay lần tìm bàn bay, nắm lấy nhau, lặng im trong nỗi xúc động rưng rưng. Nỗi xúc động ấy còn dâng lên nghẹn ngào hơn khi chúng tôi cùng nhau bước bào nhà trưng bày. Trong không gian trầm lắng, đượm buồn đó chúng tôi đã được nhìn thấy những bức ảnh, bức tượng ghi lại gương mặt, hành động tàn độc của lính Mỹ, nỗi sợ hãi, hốt hoảng, ngơ ngác của đồng bào. Nơi đây còn lưu lại chiếc mâm thau cũ lỗ chỗ vết đạn, chiếc áo, đôi dép của một cháu bé bị bắn chết, các loại bình đất, chum vại bị bắn thủng vỡ…Trong những hiện vật đó, còn có chiếc kẹp tóc của cô Nguyễn Thị Huỳnh. Sau khi cô bị sát hại, người yêu cô đã tìm nhặt lại được chiếc kẹp tóc ấy, trân trọng giữ gìn nó suốt nhiều năm trời trước khi giao nó cho khu chứng tích...

Những hũ sành sứ còn sót lại trong vụ thảm sát Mỹ Lai được trưng bày trong nhà chứng tích Sơn Mỹ

Những hũ sành sứ còn sót lại trong vụ thảm sát Mỹ Lai được trưng bày trong nhà chứng tích Sơn Mỹ

Không chỉ có người Việt, du khách nước ngoài mà cả những cựu binh Mỹ cũng đã nhiều lần đến khu chứng tích này. Trong số đó có 1 cựu binh Mỹ đã đều đặn đến đây suốt gần 20 năm và làm nên tiếng vĩ cầm Mỹ Lai độc đáo - Roy Mike Boehm. Trong 1 lần trả lời phỏng vấn, ông nói: “Tôi không biết tại sao lại chơi vĩ cầm để cầu nguyện. Kể từ lần đầu trở lại Quảng Ngãi đến nay, lúc nào tôi cũng mang theo cây vĩ cầm nhỏ. Âm nhạc mang đến hạnh phúc. Nó có thể xoa dịu trái tim tôi. Tiếng vĩ cầm là nỗi buồn của tôi, nỗi buồn đau thương của cuộc thảm sát, của sự đồng cảm và ước vọng về những điều tốt đẹp hơn đến với mọi người ở Sơn Mỹ”. Còn Janine di Govanni (phóng viên đến từ Italia) cũng không cầm lòng mà ghi vào sổ lưu niệm: “Những chứng tích này đã làm tôi xúc động mạnh mẽ và sự tàn ác khủng khiếp đó khiến cho tôi quá kinh hoàng khi biết được những gì mà một người này có thể gây ra cho 1 người khác”.

Cảnh hoang tàn sau khi nhà dân bị đốt cháy được giữ nguyên trong khu chứng tích Sơn Mỹ

Cảnh hoang tàn sau khi nhà dân bị đốt cháy được giữ nguyên trong khu chứng tích Sơn Mỹ

Năm 2010 - 42 năm sau ngày diễn ra vụ thảm sát, Trung úy William Calley - viên sĩ quan từng chỉ huy một trung đội tham gia vụ thảm sát kinh hoàng ở Mỹ Lai đã tỏ ra sám hối, mở lời xin lỗi về vụ việc này trước công luận. Người Việt vốn bao dung và nhân hậu đã chấp thuận lời xin lỗi muộn màng đó để mở ra những trang đời mới. Trên mảnh đất hoang tàn ngày ấy, nơi mỗi nhánh cỏ mỏng manh cũng thấm đẫm màu máu ấy giờ đây đã phủ lên một màu xanh của cây, trái. Không những thế, bộ mặt nông thôn cũng đổi thay dần bởi những dải đường bê tông, trường học, trạm y tế, những ngôi nhà khang trang được xây dựng từ bàn tay, khối óc của nhân dân...

Ở hai thôn Tư Cung và Cổ Lũy, nếu như trước đây, người dân chỉ biết độc canh cây lúa thì bây giờ ở một số diện tích năng suất thấp đã được chuyển sang nuôi trồng thủy sản hoặc nuôi cua càng xanh cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, cuộc sống người dân Sơn Mỹ đã có sự chuyển biến vượt bậc, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 10triệu đồng/người/năm. Bãi biển Mỹ Khê đẹp nổi tiếng thế giới nay đã trở thành khu du lịch hiện đại và hiện có rất nhiều dự án đã và đang được đầu tư xây dựng với tổng vốn hàng trăm tỷ đồng, hứa hẹn mang đến sự đổi thay lớn cho quê hương Sơn Mỹ anh hùng…

Hơn 40 năm đã qua đi sau vụ thảm sát đẫm máu. Người Mỹ đã thừa nhận hành động tàn độc của mình và người dân nơi đây đã tạm quên đi những nỗi đau năm cũ để cùng nhau dựng xây cuộc đời mới. Những người còn sống sót trong vụ thảm sát năm ấy kẻ ở, người đi nhưng bao giờ lòng cũng hướng về nơi những người thân yêu của mình nằm lại để hát lên khúc hát hòa bình. Và tôi tin đôi chim bồ câu trên chiếc chuông tại khu chứng tích sáng sáng cũng sẽ ngân lên những thanh âm đẹp đẽ cùng tiếng chuông nguyện cầu sự siêu thoát cho những linh hồn vô tội, để thức tỉnh những hành động tội lỗi…

Sơn Mỹ, tháng 10 năm 2011

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast