"Sống kiểu lính" để cấp điện ổn định cho vùng biên Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đóng chân trên vùng rừng núi sâu heo hút của xã biên giới Sơn Kim I, công nhân Công ty CP Thủy điện Hương Sơn (Hà Tĩnh) gặp nhiều khó khăn trong công việc và cuộc sống. "Sống kiểu lính" , họ đã hoàn thành tốt công việc, đảm bảo cấp điện liên tục cho vùng biên.

Một tháng đôi lần, anh Nguyễn Đình Tuấn (bộ phận vận hành nhà máy) lại chạy xe hơn 100 km từ vùng núi cao nơi nhà máy đóng chân để về thăm gia đình ở huyện Đô Lương (Nghệ An). Đã ròng rã 10 năm trời, anh Tuấn vẫn đi về đều đặn và chưa muộn buổi nhận ca trực nào.

Anh tâm sự: “Chúng tôi ở trên này công việc vất vả, xung quanh không có đơn vị hay nhà dân nào nên đời sống tinh thần thiếu thốn, khí hậu rất khắc nghiệt. Anh em nam giới thì còn đỡ, thương các chị em, các cháu nhỏ phải theo chồng lên đây làm việc. Mỗi lần về xuôi là một lần khó bởi đường sá quanh co, hiểm trở lắm”.

“Sống kiểu lính” để cấp điện ổn định cho vùng biên Hà Tĩnh

Hệ thống máy móc vận hành liên tục nên cán bộ, công nhân nhà máy phải thay phiên nhau trực 24/24h.

Không đi đi về về như anh Tuấn, anh Trần Công Thiện (bộ phận kỹ thuật) chọn giải pháp đưa vợ con lên để cả gia đình được gần nhau và tiện cho công việc của hai vợ chồng. Anh Thiện quê gốc ở Hòa Bình, vào đây làm việc được 4 năm rồi lập gia đình luôn trên này. Từ ngày vào Hà Tĩnh đến nay, anh mới chỉ về quê thăm bố mẹ được đúng một lần.

“Ở quê ông bà nội cũng già rồi nhưng vợ chồng tôi đều công tác trên này, con lại còn nhỏ quá, không có điều kiện đi về thăm bố mẹ thường xuyên được. Vừa nhớ quê, vừa thương bố mẹ già nhưng vì đặc thù công việc, đường sá lại xa xôi cách trở nên đành chấp nhận.” – anh Thiện chia sẻ.

Cũng như anh Tuấn, anh Thiện, gần 70 cán bộ, công nhân của công ty đều phải sông xa quê, xa gia đình. Người mới thì cũng vài ba năm, những người ở lâu với chốn núi rừng hiểm trở này cũng phải hơn chục năm rồi. Do đặc thù công việc máy móc vận hành 24/24h nên cán bộ, công nhân phải thay phiên nhau trực liên tục.

“Ngày nắng ráo còn đỡ, cực nhất vẫn là những ngày mưa bão. Có những trận mưa, cơn bão, đường dây gặp sự cố mất điện trên toàn tuyến, sóng điện thoại không kết nối được, anh em phải liên lạc với nhau bằng bộ đàm. Nhưng bộ đàm thì không kết nối được xa nên một hiệu lệnh phải truyền qua nhiều trạm mới đến được nơi nhận, rất mất thời gian, công sức. Những lúc như thế, công ty phải huy động quân số 100%, nên kể cả là ngày nghỉ thì những người ở xa như tôi vẫn phải quay về đơn vị để trực, đảm bảo hạn chế thấp nhất sự cố điện” – anh Tuấn cho biết thêm.

“Sống kiểu lính” để cấp điện ổn định cho vùng biên Hà Tĩnh

Cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra an toàn để đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, cấp điện ổn định.

Trực tiếp chứng kiến công việc của các anh mới thấy hết những khó khăn, vất vả. Làm việc trên các thiết bị máy móc hiện đại đòi hỏi tính chính xác, an toàn cao nên người thợ vận hành phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật, sự tập trung cao độ và bản tính kiên nhẫn, cẩn thận.

Nhưng có lẽ đáng ngại nhất vẫn là sự ô nhiễm tiếng ồn. Cuộc trò chuyện của chúng tôi với các anh công nhân liên tục bị gián đoạn bởi những tiếng ầm ầm phát ra từ khoang máy. “Người ta thường nói đùa rằng “dân kỹ thuật” ăn to nói lớn cũng có lý do của nó cả đấy! Ồn thế này mà không nói to thì nghe làm sao được” - một công nhân chia sẻ.

“Sống kiểu lính” để cấp điện ổn định cho vùng biên Hà Tĩnh

Ngoài công việc chuyên môn, các anh chị còn tăng gia sản xuất để phục vụ nhu cầu thực phẩm của đơn vị.

Vất vả là vậy nhưng các anh, các chị vẫn cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”, “Ngày làm việc 8 giờ chất lượng, hiệu quả”… được cán bộ, công nhân viên hưởng ứng nhiệt tình.

Nhiều sáng kiến kỹ thuật bổ sung nhằm tăng sản lượng điện, doanh thu cho công ty được áp dụng. Nhờ đó, năm 2017, sản lượng điện của nhà máy đạt 154 triệu MW (vượt 120% so với kế hoạch); dù năm 2018 ít mưa hơn nhưng 9 tháng đầu năm, sản lượng điện cũng đã đạt 76 triệu MW. Đời sống CBCNV được đảm bảo với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài thời gian hoàn thành công việc chuyên môn, các anh chị còn tranh thủ tăng gia sản xuất với vườn rau xanh các loại và hàng trăm con gà phục vụ nhu cầu thực phẩm của đơn vị…

Anh Nguyễn Văn Hiệp - Chủ tịch Công đoàn Công ty chia sẻ: “Đặc thù công việc khó khăn, lại ở vùng sâu, vùng xa nên anh em luôn đoàn kết, đồng lòng, động viên nhau. Nhờ đó cũng vơi đi phần nào nỗi nhớ gia đình, người thân, khó khăn vất vả cũng được san sẻ. Chúng tôi xác định không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, cung cấp điện ổn định cho mọi hoạt động của vùng biên mà còn góp phần vào việc bảo vệ biên cương của Tổ quốc”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast