Tâm hồn áo trắng - những ngọn gió xanh

(Baohatinh.vn) - Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân cách bến nước Giang Đình chỉ vài trăm mét. Vừa bước chân vào cổng, tôi bỗng thấy nhẹ người khi trên đầu phủ rợp bóng xanh, cây nào cũng mang nét đẹp riêng; dưới tán cây xòe ô là hàng ghế đá nhẵn bóng...

Ai cũng hiểu rằng, nuôi được cây tốt trên đất cát không dễ và để tạo nên một cảnh quan đẹp càng khó hơn nhiều, nhất là đối với nghề y suốt ngày vùi đầu với công việc phục vụ bệnh nhân, thời gian nhàn rỗi thực sự hiếm hoi… Phải tâm huyết và dày công vun đắp, cây mới không phụ công người. Thuở trước, khi bệnh viện còn đơn sơ với những căn nhà mái ngói cấp bốn, bác sỹ Ngọc - Giám đốc bệnh viện thời kỳ đó đã có những ý tưởng độc đáo: "phải làm cho bệnh viện vừa sạch, vừa đẹp như công viên”.

Ông Ngọc cho rằng, sạch và đẹp là một trong những chỉ số hấp dẫn thu hút bệnh nhân. Giám đốc bệnh viện Hà Thanh Sơn nhờ tiếp cận được nhiều phong cách làm việc của các đời giám đốc trước, đặc biệt là của ông Hà Chu Thanh nên phát huy được những ý tưởng hay. Anh Sơn tâm sự với tôi: “Trước lúc nghỉ hưu, bác Thanh dặn dò kỹ anh em: bệnh viện phải sạch từ y đức đến môi trường bên ngoài”.

Tâm hồn áo trắng - những ngọn gió xanh ảnh 1

Sạch, đẹp là một trong những chỉ số hấp dẫn thu hút bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân. Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc Hà Thanh Sơn dẫn tôi vào một số khoa, phòng thăm hỏi và tìm hiểu một số bệnh nhân nặng đang điều trị tại đây. Tại Khoa Nội, tôi thấy cụ Tuấn (ở Hội Thống) tuổi ngoài 80 đang nói chuyện vui vẻ với các bệnh nhân. Cơn co thắt vì bệnh tim của cụ đã được các y, bác sỹ cấp cứu kịp thời, nước da hồng hào trở lại. Không ít bệnh nhân tuổi trên dưới 80 như cụ Tuấn đều chung niềm hạnh phúc “ăn được, ngủ được”. Ông Nguyễn Xuân Thành, một cựu chiến binh mới vào viện nói: “Vô đây, tui thấy khỏe hơn chú ạ! Chưa kể chuyện thuốc thang điều trị, chỉ riêng khâu vệ sinh đã thấy chu đáo rồi, giường chiếu thơm tho, đầy đủ chăn màn...”.

Câu chuyện đang xôm, bỗng thấy người phụ nữ mảnh dẻ bước vào phòng đưa quần áo mới cho bệnh nhân thay. Chị là hộ lý Trần Thị Sâm, người được đồng nghiệp mến phục bởi đức tính tận tụy “đi sớm, về trưa” và không bao giờ nề hà với bệnh nhân. Chị Sâm chia sẻ: “Vào viện, bệnh nhân thường buồn bã, cáu gắt, một số người thiếu ý thức vứt rác bừa bãi và đi vệ sinh lại quên dội nước. Mình phải tăng cường kiểm tra, dặn dò và thuyết phục họ mới chịu nghe. Để giữ sạch từ phòng mổ đến phòng bệnh nhân, chị em hộ lý đi rã cả đầu gối, luôn tay lau chùi, đổ rác…”.

“Chắc anh còn nhớ chiếc xe định mệnh chìm trong lũ ở địa phận cầu Rong - sông Lam ngày 18/10/2010 chứ?”. Giám đốc Hà Thanh Sơn nhắc lại câu chuyện 5 năm về trước. “Sáng hôm ấy, sau khi nhận được tin, Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân đã thành lập một đội cứu thương lưu động đến ngay hiện trường. Khi xe vừa tới, bỗng nghe tiếng cậu bé chăn vịt gọi: “Có người chết đuối, cháu vừa vớt lên đây các bác ơi”... Ngay lập tức, anh em nhảy lên thuyền và đưa nạn nhân lên bờ. Người phụ nữ chân tay cứng đờ, bụng trướng, mắt nhắm nghiền… nhưng vẫn còn thở. Tôi tiêm ngay thuốc trợ tim mạch và nhanh chóng làm động tác hô hấp ban đầu để giải phóng lượng nước ứ trong người, rồi đưa nạn nhân vào bệnh viện. Đội cứu thương lại tiếp tục đến với những nạn nhân khác…”.

Nghe bác sỹ Sơn tâm sự, người đàn bà “nhân chứng” được báo chí nhắc nhiều trong “sự kiện tang thương” ấy lại hiện rõ trong tâm trí tôi. Bà chính là Trần Thị Mừng (quê ở Đắc Nông) hôm ấy nói to giữa đám đông: “Tôi và 7 người nữa may mắn được các bác sỹ cứu sống sau khi được đưa lên bờ...”.

Đã từ lâu, quan niệm “thương người như thể thương thân” cùng với phương châm “còn nước còn tát” đã trở thành lẽ sống, kỷ luật của cán bộ, y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân, nên những người thầy thuốc ở đây luôn làm việc với nhịp điệu “ngày không giờ, tuần không thứ”. Đối với các khoa cấp cứu, ngoại, sản, từ bác sỹ đến nhân viên y tá, hộ lý, hiếm có giấc ngủ ngon. Một bác sỹ Khoa Ngoại thành thật kể: Một lần đúng vào ngày giỗ bố, anh vừa thắp hương xong thì có điện thoại của giám đốc “lên ngay để tham gia kíp mổ”. Đến nơi, trưởng khoa cho biết: “Người đàn ông vùng biển Cương Gián đau ruột thừa đã hơn 1 ngày, siêu âm cuống ruột đã phình to như quả mận, sắp vỡ đến nơi rồi…”. Nếu vỡ, hậu quả sẽ khôn lường và xử lý rất phức tạp. Kíp mổ thực hiện ngay. 5 ngày sau, người đàn ông nở nụ cười tươi, đến cảm ơn các y, bác sỹ để xuất viện.

Là một đơn vị đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng trong thời kỳ đổi mới, đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân không bao giờ tự mãn với những thành tích đã đạt được. Hiện tại, đơn vị có 24 bác sỹ, trong đó, 1 bác sỹ chuyên khoa II, 7 bác sỹ chuyên khoa I. Từ năm 2005-2015, mỗi năm, bệnh viện gửi đi đào tạo 1-2 cán bộ sau đại học và đào tạo nâng cao về chuyên môn kỹ thuật. Chính vì môi trường sạch, y đức tốt và nghiệp vụ chuyên môn ngày càng vững nên Bệnh viện Đa khoa huyện luôn thu hút bệnh nhân đến điều trị. Số bệnh nhân điều trị nội trú trung bình mỗi năm hàng ngàn lượt người, công suất giường bệnh khoảng 150%.

Gió Giang Đình vẫn thổi và tâm hồn những người mặc áo trắng thanh cao với bàn tay dịu dàng như ngọn gió dường như đang hòa quyện, ru mát giấc ngủ bệnh nhân…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast