Tăng Sâm và nhà báo

Ông Tăng Sâm ở đất Phi. Ở đấy có kẻ trùng danh với ông giết chết người. Một người hớt hải chạy lại báo mẹ Tăng Sâm rằng : “Tăng Sâm giết người !” Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta giết người.” Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi.

Một lúc sau lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người !”. Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên ngồi dệt cửi. Một lúc nữa lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người!”. Lúc này, Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.

Ấy là chuyện xưa kia bên Trung Quốc. Ngẫm đến chuyện các tờ báo mạng ở Việt Nam vừa qua đã rỉa rói, truy hoan trên nỗi đau buồn của người khác, bất chợt rùng mình.

Ông Nguyễn Văn Luân (31 tuổi, trú ở xóm Khí Tượng, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn) bị đột tử tại nhà riêng. Hàng chục tờ báo mạng “nghe hơi”, lập tức giật tít khủng “Em trai đại gia phố núi tự tử vì vỡ nợ”, “Em trai của nữ đại gia “siêu đám cưới” ở Hà Tĩnh tự tử vì vỡ nợ”... Cái chết của ông Luân chỉ là cái chết bình thường như bao cái chết đáng thương khác. Vậy mà, chỉ vì là em trai “Đại gia phố núi”, liên quan đến “Siêu đám cưới phố núi” mà ông Nguyễn Văn Luân trở nên nổi tiếng sau khi chết. Họ không cần biết đó có phải là nỗi đau của một con người, một gia đình hay không, chỉ cần đó là bất cứ một thông gì liên quan đến một người đang được quan tâm. Họ đã kiếm được tiền từ những nỗi buồn, nỗi đau của người khác.

Chính họ - những người làm báo mạng (tôi phải gọi như thế kẻo ảnh hưởng đến hai từ Nhà báo) đã làm cho cái đám cưới ấy trở nên nổi tiếng chứ không phải chính người đứng ra tổ chức đám cưới. Từ cái đám cưới đó họ cũng đã kiếm bộn tiền. Và, cũng chính từ cái đám cưới nổi tiếng do họ tạo ra ấy, họ lại liên hệ đến cái chết bình thường của người thân trong gia đình này sau đó, thậm chí còn xúc phạm đến cả người chết. Họ viết báo liên quan đến cả một số phận con người, liên quan đến cái chết của một con người mà chỉ cần “theo nguồn tin riêng”, “theo thông tin ban đầu”, “một số hàng xóm cho biết”… để rồi có những suy diễn rất giật gân, rất sốc.

Không có sự thông cảm hay chia sẻ. Chỉ đơn giản là gây sốc, kiếm tìm độc giả, kiếm tìm lợi nhuận. Những người làm báo này cố gắng phục vụ tối đa nhu cầu của một bộ phận người đọc thích hóng chuyện giật gân, hóng chuyện của người nổi tiếng. Đã có một bộ phận công chúng luôn cảm thấy được an ủi khi người nổi tiếng cũng gặp những điều không may, cũng gặp lắm nỗi bất hạnh. Khi ấy, sự ghen tị trong lòng họ được xoa dịu, trí tò mò được thỏa mãn. Nhưng cũng có khi, chỉ đơn giản là ngồi văn phòng rỗi việc đọc cho vui.

Chính vì thế, những người làm báo “kiểu này” đã cố gắng thỏa mãn nhu cầu tầm thường ấy mà quên đi một điều rằng, họ đang kiếm tiền một cách lạnh lùng trên nỗi đau buồn của người khác. Ở bất cứ đâu, ở một xã hội văn minh hay lạc hậu, thì nhu cầu “buôn chuyện” vẫn là nhu cầu có thật. Những thông tin đời tư người nổi tiếng chính là để thỏa mãn nhu cầu ấy. Không phải ngẫu nhiên mà các trang báo nước ngoài đặt thẳng tên chuyên mục của mình là "gossip", chuyên mục cho những chuyện "buôn dưa lê". Nhưng những người thực hiện trang báo đó phần nhiều không phải là những nhà báo chuyên nghiệp, những nhà báo được tôn trọng. Và, những người đưa tin đôi khi chỉ với mục đích duy nhất là kiếm tiền. Làm báo không cảm xúc và tàn nhẫn, đó là điều mà những người nổi tiếng ở phương Tây căm ghét những tờ báo lá cải ở đó.

Yêu và tin con trai mình như mẹ ông Tăng Sâm, nhưng khi nghe đến lần thứ ba “tin đồn” con mình giết người cũng đã hoảng sợ, huống hồ… Tất nhiên, thông tin của mỗi tờ báo sẽ khẳng định đẳng cấp của nó. Tự những người làm báo sẽ phân loại mình. Và, trước một nỗi buồn đau của người khác, việc đưa hay không đưa, đưa tin như thế nào cũng là một cách để những độc giả thông thái nhận ra được nhân cách của những người đưa tin.

“Dư luận vừa đáng kính, vừa đáng khinh”, người viết bài này xin được trích dẫn một câu của một nhà hiền triết để an ủi những người thân trong gia đình ông Luân. Xin gia đình coi cái dư luận về gia đình vừa qua chỉ là thứ “dư luận đáng khinh” mà bình tâm, mà sống.

Hỡi những người làm báo mạng - Đã đến lúc cần thức dậy lương tri!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast