Thắm xanh biên giới

Sau 10 năm, bằng sức trẻ, sự cần cù chịu thương chịu khó, 187 gia đình đội viên ở Tổng đội thanh niên xung phong - xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn (Tổng đội TNXP Tây Sơn) đã biến vùng đất cằn cỗi, hoang vu thuộc hai xã biên giới Sơn Kim 1 và Sơn Tây (Hương Sơn) trở nên trù phú, xanh biếc với những đồi chè, rừng keo, cây ăn quả và những trang trại tổng hợp cho thu nhập cao.

Anh Hoàng Thế Lộc, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Tây Sơn cho biết: Tổng đội TNXP Tây Sơn được thành lập ngày 26/3/2003 theo Quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh và được giao quản lý 3.631 ha rừng, trong đó có gần 2.100 ha rừng sản xuất tại địa bàn hai xã hiên giới Sơn Kim 2 và Sơn Tây. Sau 10 năm đi vào hoạt động, Tổng đội đã tiếp nhận được 187 gia đình đội viên với 354 lao động, 542 nhân khẩu. Các hộ hội viên đều được bố trí quỹ đất từ 1-2 ha để trồng chè, trồng cây ăn quả và chăn nuôi; từ 10-15 ha đất lâm nghiệp để trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 354 lao động và gần 500 lao động thời vụ trên địa bàn.

Đến nay, các hộ đội viên đã khai hoang, trồng mới 130 ha chè cho năng suất bình quân 14 tấn/ha/năm và trồng mới, chăm sóc gần 350 ha cây keo, khoanh nuôi và bảo vệ hơn 2.000 ha rừng phòng hộ cùng nhiều mô hình kinh tế trang trại và gia trại. Thu nhập bình quân từ sản phẩm chè búp tươi trên 35 triệu đồng/hộ/năm. Ngoài nguồn thu từ cây chè, các hộ còn có các khoản thu nhập khác như trồng cây hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm… nâng tổng thu nhập bình quân đạt 4-6 triệu đồng/hộ/ tháng, nhiều hộ đã có thu nhập khá từ 70-80 triệu đồng/ năm trở lên… Đồng thời, để nâng cao cuộc sống nơi biên giới, Tổng đội đã đầu tư, lồng ghép các chương trình dự án của T.Ư Đoàn và tỉnh Hà Tĩnh một hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm… để người dân sinh sống ổn định lâu dài.

Trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng hàng nghìn ha rừng phát triển kinh tế ở Tổng đội TNXP-XDKT Tây Sơn đã giải quyết việc làm cho gần 500 lao động.
Trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng hàng nghìn ha rừng phát triển kinh tế ở Tổng đội TNXP-XDKT Tây Sơn đã giải quyết việc làm cho gần 500 lao động.

Anh Hồ Xuân Hiếu, cán bộ phụ trách kỹ thuật Tổng đội đưa chúng tôi đến thăm trang trại của hộ đội viên Hà Huy Chính, một trong những thanh niên đầu tiên rời quê lên Tổng đội phát rừng làm kinh tế. Anh Chính kể, quê anh ở xã Tùng Lộc (Can Lộc), vùng quê đất chật người đông, cuộc sống gia đình túng quẫn, mùa giáp hạt phải chạy cơm từng bữa. Anh làm đủ nghề mà cũng không đủ ăn. Như chết đuối vớ phải cọc anh biết tin Tổng đội kêu gọi thanh niên lên rừng lập nghiệp. Anh tình nguyện cùng vợ lên đây, được Tổng đội giao hơn 2ha đất đồi, không nhà cửa, chỉ có cỏ dại mọc đầy. Vợ chồng dựng lán ở tạm phát rừng trồng chè từ 10 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ. Tiếp đó, vợ chồng anh đươc giao tiếp 10 ha đất rừng và vay vốn ưu đãi từ ngân hàng đầu tư trồng rừng nguyên liệu, cây ăn quả và chăn nuôi trâu, bò, gà… Sau mười năm, hai vợ chồng quần quật làm trên diện tích hơn 12 ha đất từ Tổng đội giao, đến nay gia đình anh đã có của ăn, của để xây được ngôi nhà cấp bốn, vườn cam hơn 200 gốc, gần 6 ha keo, hơn 3 ha cao su và đàn trâu, bò, gà… “Ở đất này, chịu khó lao động là có thể sống khỏe, một tháng thu hoạch chè bằng cả mùa làm lúa ở quê. Tôi vừa xây ngôi nhà hơn 200 triệu ở quê. Hiện bình quân thu nhập của 2 vợ chồng đạt 80-100 triệu đồng/năm”, anh Chính hồ hởi khoe.

Tổng đội TNXP-XDKT Tây Sơn ký kết với Tập đoàn CP (Thái Lan) chi nhánh Hà Nội xây dựng Đề án phát triển lợn siêu nạc cho các hộ đội viên.
Tổng đội TNXP-XDKT Tây Sơn ký kết với Tập đoàn CP (Thái Lan) chi nhánh Hà Nội xây dựng Đề án phát triển lợn siêu nạc cho các hộ đội viên.

Để hộ viên phát triển kinh tế ổn định, Tổng đội không chỉ giao trực tiếp đất và quyền canh tác sử dụng cho hộ viên để họ chủ động trong nuôi trồng, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch sản phẩm do chính mình làm ra. Mà còn là “bà đỡ” hai đầu, đầu vào lo vật tư phân bón, đầu ra lo bao tiêu sản phẩm. Như đối với cây chè, ngoài việc đầu tư phân bón, Tổng đội còn liên kết với Xí nghiệp chè Tây Sơn bao tiêu sản phẩm cho các hộ viên. Hiện, Tổng đội đã xây dựng nhà máy chế biến chè công suất 3,5 tấn chè búp tươi/ ngày với tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng từ nguồn vốn ở T.Ư Đoàn và UBND tỉnh hỗ trợ. Bên cạnh đó, Tổng đội đã giúp các hộ viên ký kết liên kết với Công ty Cao su Hà Tĩnh phát triển trồng mới hơn 70 ha cao su.

Sau 10 năm đi vào hoạt động, từ những chủ trương, hướng đi đúng của Tổng đội TNXP Tây Sơn đã phát huy hiệu quả các mô hình nông lâm kết hơp, biến vùng đất hoang sơ ngày nào nay trở thành trù phú. Tuy nhiên, trên con đường phát triển của Tổng đội vẫn còn nhiều thách thức. Anh Hoàng Thế Lộc cho hay, để hộ đội viên tiếp tục phát triển kinh tế bền vững, đặc biệt là phát triển cây cao su, chúng tôi mong UBND tỉnh sớm phê duyệt quy hoạch phát triển cao su để Tổng đội thuận lợi trong tổ chức thực hiện, đồng thời tỉnh bố trí thêm nguồn vốn đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống đường dây điện 0,4 kw, hệ thống đường giao thông, trường tiểu học, nhà văn hóa thanh niên…

Bằng mồ hôi và sức trẻ, sau một thập kỷ lao động, những ĐVTN của Tổng đội TNXP Tây Sơn đã tô thắm màu xanh trên vùng biên giới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast