Tháng 5 thăm nhà anh hùng Phan Đình Giót

(Baohatinh.vn) - Cách đây 2 năm, tháng 5/2014 - kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi có chuyến ngược ngàn lên chiến trường Điện Biên. Trở về quê Hà Tĩnh, tôi vào thăm cụ Phan Đình Giát, em ruột anh hùng Phan Đình Giót.

Kỷ niệm 62 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954 - 2016)

Khi tôi đưa cho cụ Giát xem tấm ảnh chụp tôi đang thắp hương ở mộ Phan Đình Giót, cụ bồi hồi, mắt nhìn ra xa và nghẹn ngào: “Tôi mong ước được ra thăm anh Giót lần cuối nhưng với sức khỏe thế này, khó mà đi được”. Tôi hỏi: Thế cụ đã ra thăm được mấy lần rồi? Cụ Giát lẩm nhẩm: “Nhờ ơn Chính phủ, tôi được 3 lần ra thăm anh. Lần gần đây nhất cách đây 10 năm”.

thang 5 tham nha anh hung phan dinh giot

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Đức Thiện

Năm nay, tôi trở lại, anh Quang Diễn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh dẫn tôi đi. Làng quê anh hùng Phan Đình Giót ở thôn 7, xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên), ai cũng dễ nhận ra vì ngay đầu làng là ngôi trường THCS mang tên anh. Giờ ra chơi, các em chạy nhảy tung tăng, khăn quàng đỏ dập dờn như một đàn bướm trong màu nắng đầu mùa.

Cụ Phan Đình Giát năm nay đã 96 tuổi, đi lại phải có người dìu. Việc trông nom hương khói bàn thờ cho anh Giót đều do người con gái độc nhất của cụ Giát là bà Phan Thị Nhữ đảm nhận. Bà Nhữ rót nước chè xanh sóng sánh mời chúng tôi cùng đĩa khoai lang còn ấm nóng.

Bà nói: “Ngày trước, nghe bố kể, bác Giót thích uống nước chè với ăn khoai lang lắm. Sáng dậy, chỉ cần đĩa khoai luộc với nửa ấm tích nước chè xanh là bác đuổi trâu đi cày cả buổi. Có khi, trưa đánh một giấc dưới bóng đa trên đồng và làm luôn buổi chiều đến tối mịt mới về. Dù đi ở đợ làm thuê nhưng ai có việc cần, bác đều sẵn sàng giúp. Nước chè và khoai lang mới luộc sáng nay thắp hương cho bác đó”. Nghe con gái kể chuyện về anh trai mình, mặc dù người còn mệt nhưng cụ Giát vẫn nhờ bà Nhữ đỡ dậy ngồi trên chiếc ghế tựa, kể cho chúng tôi nghe những ngày thơ ấu của người anh hùng. Mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn còn minh mẫn, nhớ rành mạch.

Những kỷ vật còn lại của anh hùng Phan Đình Giót. (Ảnh: Quang Diện)

Cụ Giát kể: “Anh Giót hơn tôi 3 tuổi, vợ là người trong làng tên Nguyễn Thị Ran. Sau đó, bà Ran sinh được một người con trai. Đứa bé mới lên 7 tháng tuổi bị bệnh, sốt hầm hập, thuốc thang lại hiếm, 2 vợ chồng tìm mọi cách xoay xở. Tôi còn nhớ, anh Giót phải chạy khắp xóm xin lá thuốc dân gian về để nấu nước xông cho con. Nhưng vì sức yếu lại thiếu sữa nên đứa bé không qua khỏi và tắt thở trên tay anh Giót. Nghĩ cũng tội, giá như đứa bé còn sống thì nay đã 65 tuổi, lo được hương khói cho anh tôi rồi các chú ạ!”.

Tôi bất chợt nhớ đến câu chuyện mà nhà thơ - Đại tá quân đội Phạm Ngọc Cảnh kể cách đây hơn 10 năm về lần gặp Phan Đình Giót cuối cùng tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ngày đó, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là diễn viên kịch nói trong đội tuyên văn của Tổng cục Chính trị.

Chú kể: “Đoàn tuyên văn lên chiến trường Điện Biên Phủ biểu diễn trước khi mở màn chiến dịch lịch sử. Lúc đó, anh Phan Đình Giót là Tiểu đội trưởng bộc phá, thuộc Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Gặp đồng đội là đồng hương, anh Giót mừng lắm. Chú Cảnh lúc đó mới 20 tuổi nhưng với anh Giót cũng như bạn bè trang lứa thật thân tình.

Anh Giót rủ chú ra góc chiến hào và hỏi: “Sắp tới, Cảnh có về quê không, cho mình gửi thư cho vợ”. Lá thư tâm tình dài 2 mặt giấy, anh Giót nhờ chú Cảnh viết hộ với bao lời lẽ xúc động. Thật ra, anh Giót cũng biết chữ nhưng mới qua bình dân học vụ. Thư về cho nhà thường chỉ mấy chữ vỏn vẹn: Tui vẫn khỏe - Mần răng ở nhà yên bình thì tui yên tâm. Ở lá thư dài này, hình như anh Giót linh cảm được điều gì đó nên dặn dò chị Ran rất nhiều: Nếu như tui có mệnh hệ gì thì ở nhà cứ đi bước nữa, và anh còn đùa: Anh không sai đường nên chắc em nỏ giận. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh còn nhớ như in hình ảnh Tiểu đội trưởng bộc phá Phan Đình Giót với dáng người thấp đậm, khuôn mặt chữ điền, phúc hậu, khôi ngô và ánh mắt, nụ cười rất tươi. Anh mặc áo trấn thủ, khoác chéo khẩu tiểu liên, lủng lẳng chiếc bi-đông ngang hông (các hiện vật ấy đã được anh Quang Diễn chụp lại) chào đoàn văn nghệ sĩ trước khi vào trận đánh đồi Him Lam.

thang 5 tham nha anh hung phan dinh giot

Tác giả bên tượng đài Phan Đình Giót với khẩu súng tiểu liên của người anh hùng.

Trước đó, khi thấy các chị em văn công vẫn quân phục, ít có quần áo hóa trang, anh Giót cứ băn khoăn: “Trận này, tôi và anh em cố gắng đánh thắng, lấy bằng được mấy chiếc dù của quân Pháp cho các chị hóa trang múa sạp cho đẹp”.

Anh Quang Diễn kể cho tôi nghe những giây phút cuối của anh hùng Phan Đình Giót qua lời kể của ông Lê Quang Nghiêm (người xã Cẩm Duệ - Cẩm Xuyên, nay đã mất) lúc đó là trung đội trưởng của Phan Đình Giót. Hôm đó, đúng 17h ngày 13/3/1954, Đại đoàn 312 đồng loạt tấn công vào cứ điểm Him Lam. Tiểu đội của Phan Đình Giót có nhiệm vụ dùng bộc phá mở cửa tạo điều kiện cho quân ta đánh chiếm mục tiêu của địch. Kẻ thù chống trả quyết liệt, ta và địch giành giật nhau từng mét hàng rào.

Phan Đình Giót đánh đến quả bộc phá thứ 9 thì bị thương ở đùi và vẫn lao lên đánh quả thứ 10. Vết thương chảy máu nhiều làm anh lịm đi. Khi tỉnh dậy, anh thấy địch tập trung hỏa lực, quyết không cho quân ta tiến lên. Quân ta dồn trước cửa mở, các mũi xung kích bị chặn lại. Cuộc giằng co kéo dài đến hơn 22h. Lúc đó, anh Giót được chuyển về phía sau. Nhưng khi vừa băng bó xong, máu chưa ngừng chảy thì anh Giót đã ôm 2 quả bộc phá lao lên. Anh cầm theo tiểu liên xung phong mở đường cho đồng đội tiến đánh lô cốt đầu cầu.

Bị thương lần thứ 2, mất máu khá nhiều, nhưng khi nhìn thấy nhiều chiến sĩ hy sinh, Phan Đình Giót ép mình sát đất rồi nhích dần, nhích dần về phía hỏa điểm địch. Đạn trong lô cốt địch bắn ra, sáng rực cả màn đêm. Lợi dụng góc chết, dùng hết sức bình sinh, anh vươn người dậy, lấy đà lao cả thân mình vào bịt lỗ châu mai. Hỏa điểm lợi hại nhất của địch bị dập tắt. Bộ đội ta thừa thắng xông lên, tiêu diệt toàn bộ cứ điểm Him Lam. Lúc đó là 22h30’ ngày 13/3/1954.

Những ngày cuối tháng tư, Cẩm Xuyên - quê hương anh hùng Phan Đình Giót tưng bừng kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Hai người con ưu tú - một lãnh tụ của Đảng và một người anh hùng cùng sinh ra trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Có một sự trùng hợp kỳ lạ là 2 con đường rộng của TP Hà Tĩnh từ lâu được mang tên Hà Huy Tập và Phan Đình Giót lại giao nhau như một nét giao thoa của kí ức lịch sử. Chúng tôi vẫn gọi người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai năm nay gần tròn 100 tuổi là Anh. Bởi, anh hùng Phan Đình Giót vẫn sống mãi ở tuổi 36 với Điện Biên Phủ lịch sử.

Hà Tĩnh, ngày 20/4/2016

Nguyễn Ngọc Phú

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast