Tháng 7 và những chuyến xe tìm mộ liệt sĩ

Qua điện thoại nói chuyện với bà dì, giọng ngoại tôi rưng rưng kể: “Vô chỗ hấn hi sinh rừng rú âm u, nhìn buồn lắm, nhưng giờ đã về được nghĩa trang rồi. Ở đó vui mà sạch sẽ, đàng hoàng lắm! Hấn nói ở lại với đồng đội không chịu về. Thôi thì đành chịu, nhưng biết nơi hấn ở rứa là yên tâm rồi”. Cả hai chị em tôi lặng đi trước niềm động viên, an ủi của bà ngoại sau chuyến tìm thăm mộ cậu...

Vậy mà cậu tôi hy sinh cũng đã gần 39 năm. Và cũng đã hơn 20 năm, gia đình tôi đi tìm mộ cậu. Như nhiều liệt sỹ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tờ giấy báo tử mà ông bà ngoại tôi nhận được chỉ vỏn vẹn dòng chữ: hy sinh tại mặt trận phía Nam. Tất cả những thông tin ít ỏi thu lượm được từ những lá thư cậu gửi về, hay của những đồng đội cùng nhập ngũ, chiến đấu với cậu, gia đình đều lần theo. Nhưng tất cả vẫn chỉ là con số không.

Gia đình và những người thân luôn nỗ lực hết mình để đưa hài cốt các liệt sĩ về quê an táng. Ảnh chỉ có tính minh họa
Gia đình và những người thân luôn nỗ lực hết mình để đưa hài cốt các liệt sĩ về quê an táng. Ảnh chỉ có tính minh họa

Cho đến một ngày, bằng con đường tâm linh, ngoại cảm và sự lặn lội của bố tôi ra tận Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị tìm lại giấy báo tử gốc: tất cả thông tin đều trùng khớp. Ngày 23/5/1973, cậu tôi đã nằm lại nơi nghĩa trang của trạm xá dã chiến thuộc khu vực Lò Gò, xóm Giữa, huyện Tân Biên (Tây Ninh); nay đã được quy tập về khu mộ liệt sỹ chưa biết tên ở nghĩa trang liệt sỹ đồi 82.

Xe chúng tôi ngược TPHCM lên Tây Ninh giữa những ngày tháng Bảy. Vào đến rừng Lò Gò Xa Mát, thăm lại nơi cậu tôi đã từng chiến đấu và hy sinh. Xe vừa đến ngã ba Thiện Ngôn, 1 chú sóc nhỏ chuyền cành chạy trốn khi nghe có tiếng động. Chúng tôi đi bộ sâu vào rừng. Nghe bảo, nơi này chỉ cách biên giới Căm - phu - chia vài trăm mét. Bố tôi kể: Ngày xưa, Đại đội đặc công Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 của cậu, lúc chiến đấu bên này, lúc bơi qua sông Vàm Cỏ, sang bên kia biên giới. Đứng giữa cánh rừng, chim hót líu lo, thi thoảng lại nghe tiếng gì là lạ. Tôi hỏi: Có phải tiếng con chim “ bất cô trói cột” họ hay kể không cậu? Cậu út tôi bảo: Phải nói là “khó khăn, khắc phục” như các chú bộ đội ngày xưa vẫn đặt tên chứ!

Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh)
Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh)

Nơi đây đã thành Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, nhưng theo lời người dân, những cây gỗ to đã bị triệt hạ hết rồi, chỉ còn những cây nhỏ nữa thôi. Ngồi một lúc, lũ kiến từng đàn kéo đến, những con to chưa bao giờ tôi nhìn thấy, có cả những con gì như ruồi vàng nữa làm tôi hơi ghê người. Không thấy hoa phong lan như sự tưởng tượng của đứa bạn cùng phòng tôi. Rừng thời bình cũng đâu còn sự lãng mạn, huống gì thời điểm chiến tranh khói lửa mà cậu tôi cùng đồng đội từng phải trải qua. Trưa vắng, tiếng chim hót lại càng làm tôi cảm thấy không gian như tĩnh lặng hơn. Những cây dầu thẳng đứng với lá non màu đỏ vươn cao giữa cánh rừng bạt ngàn cũng lặng im như đang mặc niệm. Thắp nén hương khấn cậu, giọng bố tôi lạc hẳn đi: “Chúng em đã đưa mẹ vào đây, theo ý nguyện của anh. Mẹ và chúng em thăm lại nơi anh đã chiến đấu và nằm lại. Anh linh thiêng về chứng giám”. Bà ngoại tôi buông tiếng thở dài…

Có tiếng động lạ, nhìn ra thấy một người phụ nữ thấp đậm bước vào, đậm chất giọng miền Nam, cất tiếng hỏi: “Đi lấy hài cốt liệt sỹ phải hông? Mấy hôm rồi có gia đình ngoài Bắc vừa dzô đào được đó!”. Cô tự xưng mình tên là Ba Si, gọi theo tên chồng. Cô bảo ở đây hài cốt liệt sỹ nhiều lắm! Năm tám mươi mấy họ quy tập được khoảng chừng 200 bộ hài cốt, nhưng giờ vẫn đang còn nhiều giữa cánh rừng này. Nói rồi cô dẫn chúng tôi đến khu nghĩa trang của bệnh viện Liên cơ trước đây. Từng huyệt dài được người ta đào lên vẫn còn tăng bạt vứt lại đó. Cô Ba Si bảo: “Để như vậy, người sau biết chỗ này đào rồi, khỏi mất công”. Tạm biệt cô Ba Si, chúng tôi về lại thị trấn Tân Biên để viếng mộ cậu. Dọc đường đi, thi thoảng lại gặp những chuyến xe đi tìm hài cốt liệt sỹ chạy ngược lên vùng biên giới.

Nghĩa trang liệt sỹ đồi 82 đây rồi! Mặc dù không có cổng chào như nhiều nghĩa trang khác, nhưng bên trong được quy hoạch khá khang trang. Mỗi khu mộ ở đây được xếp thành vòng tròn như những bông hoa với trung tâm và các cánh hoa là 53 ngôi mộ nằm san sát bên nhau. Xen giữa các bông mộ (như cách gọi của quản trang ở đây) là cây xanh và các khóm hoa vàng rực rỡ. Nghĩa trang liệt sỹ đồi 82 là nơi yên nghỉ của hơn 12000 liệt sỹ, trong đó có 1/3 số ngôi mộ chưa biết tên.

Không giống nhiều nghĩa trang khác, những tấm bia ở đây không ghi dòng chữ nào tương tự như: “liệt sỹ vô danh” hay “liệt sỹ chưa biết tên”. Các thông số: họ tên, năm sinh, năm mất, đơn vị, cấp bậc, nơi sinh, nơi mất… tất cả đều bỏ ngỏ. Có đến hơn 4000 ngôi mộ với những tấm bia như thế, vẫn đang chờ đợi đến một ngày được ghi lên đầy đủ các thông tin về liệt sỹ, để các gia đình có cơ hội viếng thăm.

Trưa, nghĩa trang liệt sỹ đồi 82 hừng hực nắng và gió. Trước phần mộ của cậu, chúng tôi thắp hương, mang nước giếng mát từ quê nhà rưới lên mộ cậu và những ngôi mộ xung quanh. Trồng cây bông trang vào khóm hoa ở giữa. Rải các viên sỏi Truông Bát mang vào từ hơn ngàn cây số. Trong lúc bố, các cậu đang còn mải miết gắn lại từng lư hương trên các ngôi mộ, tôi cùng chị gái và đứa em con cậu cẩn trọng thắp từng bó hương (nói cẩn trọng là bởi nắng gió của Tây Ninh, hương dễ bắt lửa, chúng tôi phải thắp lần ít một), rồi chia nhau tản ra các khu mộ xung quanh. Không ai bảo ai, trong lòng mỗi người thầm nhủ phải gắng thắp đều tất cả các mộ.

Nghĩa trang liệt sỹ với hơn 12.000 ngôi mộ mà chúng tôi chỉ có một nhóm người, thắp sao thấu. Thôi thì đành chỉ cố gắng chia đều nén nhang các khu mộ quanh nơi cậu tôi nằm. Chỉ còn ít cây nhang trên tay mà mộ liệt sỹ vẫn còn nhiều quá. Làm sao bây giờ? Nhìn xem ngôi mộ nào ít gốc hương nhất, ưu tiên thắp đó trước! Hay là thắp ở 2 mộ đầu tiên và cuối cùng, khói hương bay, chắc các liệt sỹ nằm giữa cũng ấm lòng… Hai chị em tôi băn khoăn. Cậu em tôi bảo: Đằng góc kia chắc ít người đến được, lại đó thắp đi chị! Cứ thế, chúng tôi lần lượt qua từng khu mộ mà trong lòng không khỏi áy náy vì chưa thể thắp hết cho các liệt sỹ. Càng chạnh lòng hơn, bởi khu mộ này toàn những liệt sỹ chưa biết tên.

Sang chiều, những đám mây đen từ đâu bay tới, che hết ánh mặt trời. Nghĩa trang lặng trong bóng chiều. Đâu đó, từ những lùm cây, tiếng chim cu gáy khắc khoải đến nao lòng, như nỗi lòng ai luôn nhắc nhớ về quê hương…

Ngày lại ngày, những chuyến xe với dòng chữ: “Xe đưa đón hài cốt liệt sỹ” vẫn ngược xuôi ra Bắc, vào Nam, len lỏi giữa những cánh rừng mong tìm lại hài cốt của các liệt sỹ đã hy sinh tuổi xuân vì Tổ Quốc. Trong bao nhiêu chuyến xe ấy, chẳng biết có bao nhiêu chuyến trở về mang theo niềm vui, trả lại sự thanh thản cho các mẹ, các cô, cho người anh, người chị, cho các em, các cháu vẫn ngày đêm ngóng chờ…

Đài PTTH Hà Tĩnh

Hà Tĩnh, tháng 7/2011

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast