Thành phố Hà Tĩnh tìm lời giải cho bài toán "mưa - ngập"

(Baohatinh.vn) - Theo Công ty Tư vấn AREP VILLE (Pháp), sử dụng nhiều tuyến kênh, mương xây hở trong việc tiêu thoát nước cho thành phố Hà Tĩnh là "một mũi tên trúng nhiều đích".

Ngập nhanh, thoát lâu!

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa ở thành phố Hà Tĩnh diễn ra khá nhanh. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh trong xây dựng đô thị lại không đồng bộ với hệ thống tiêu thoát nước dẫn đến tình trạng ngập lụt cục bộ sau mỗi trận mưa ngày càng gia tăng.

Thành phố Hà Tĩnh tìm lời giải cho bài toán “mưa - ngập”

Đường Hải Thượng Lãn Ông thường xuyên ngập sâu sau mỗi trận mưa lớn

Ghi nhận tình trạng ngập lụt ngày càng gia tăng trong khu vực nội thành TP Hà Tĩnh trong những năm gần đây cho thấy, chỉ cần mưa khoảng 200 - 250 mm trong vòng 2 - 3h đồng hồ là các tuyến đường: Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Tự, Phan Đình Giót, Nguyễn Biểu, Xuân Diệu, khu đô thị Sông Đà… lại ngập từ 20 - 50 cm, có điểm ngập sâu 70 cm. Thời gian ngập ngày càng kéo dài (từ 30 phút đến 2 - 3 tiếng đồng hồ) do tiêu thoát chậm.

Theo số liệu từ Phòng Quản lý đô thị TP Hà Tĩnh, toàn thành phố hiện có 60 km tuyến mương chính (mật độ 8,3 km/1 km2, thấp hơn nhiều so với quy định chung) và hơn 40 km chiều dài các tuyến mương nhỏ nằm trong khu vực dân cư. Một con số còn khiêm tốn để đáp ứng nhu cầu tiêu úng thoát lũ trên địa bàn. Hệ thống thoát nước hiện nay mới chỉ dựa vào tiêu thoát tự nhiên, khó chủ động trong việc tiêu úng nên rất bị động trong việc xây dựng phương án ứng phó.

Thành phố Hà Tĩnh tìm lời giải cho bài toán “mưa - ngập”

Đường Phan Đình Phùng - một trong những tuyến đường cao của thành phố Hà Tĩnh cũng bị ngập nặng sau trận mưa ngày 16/7/2018

Theo điều tra, phân tích của Công ty Tư vấn AREP VILLE (Pháp) – (đơn vị tư vấn điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050), các trục tiêu hằng năm do ảnh hưởng của mưa, lũ nên bị sạt lở, bồi lắng làm hạn chế khả năng tiêu úng. Ngoài ra, do quá trình phát triển đô thị hóa, việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng và các công trình phụ trợ khác đã lấn chiếm hành lang thoát lũ của các trục tiêu, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước thành phố.

Thành phố Hà Tĩnh tìm lời giải cho bài toán “mưa - ngập”

Hồ điều hòa Bắc Hà mặc dù đã được đầu tư cải tạo nhưng có diện tích nhỏ nên chưa phát huy vai trò điều tiết nguồn nước khi vào mùa mưa

Các tuyến thoát nước hiện trạng chủ yếu bố trí trên các tuyến đường giao thông chính, còn trong khu dân cư, hầu như chưa được đầu tư. Thành phố hiện đã xây dựng một số hồ điều hòa như: hồ Bảy Mẫu (Nam Hà), hồ Vũ Trang (Bắc Hà), hồ Bồng Sơn (Đại Nài). Đa số các hồ đều có quy mô nhỏ, đầu tư chưa đồng bộ nên chưa phát huy hết vai trò điều tiết nguồn nước khi vào mùa mưa cùng lúc với thủy triều dâng cao.

Xây dựng kênh, mương hở - "một mũi tên trúng nhiều đích"

Thành phố Hà Tĩnh được bao quanh bởi hệ thống sông Cày, sông Phủ và sông Cửa Sót. Các dòng sông này đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa môi trường cảnh quan thành phố và tiêu thoát lũ. Tuy nhiên, để nước mưa chảy nhanh về các con sông cần phải có quy hoạch căn cơ, bài bản trong xây dựng hệ thống kênh mương tiêu thoát.

Theo Tư vấn AREP VILLE, thành phố cần xây dựng tuyến kênh mới Nguyễn Du kết nối với sông Rào Cái, đưa dòng sông vào lòng thành phố làm tăng giá trị cảnh quan cũng như góp phần giải quyết vấn đề thoát nước của thành phố; hạn chế tình trạng lấp kênh nước khi xây khu đô thị mới. Đồng thời, khuyến khích xây dựng các khu đô thị gắn kết hài hòa với kênh nước hiện trạng.

Thành phố Hà Tĩnh tìm lời giải cho bài toán “mưa - ngập”

Hệ thống cống ngăn mặn, thoát lũ trên sông Cụt được xây dựng từ nguồn ADB - AFD

Cũng theo phân tích của AREP VILLE, việc sử dụng nhiều tuyến kênh, mương xây hở trong việc tiêu thoát nước cho TP Hà Tĩnh là "một mũi tên trúng nhiều đích". Ngoài các tính năng tiêu thoát nước, việc xây dựng các tuyến mương xây hở sẽ làm gia tăng diện tích cây xanh, mặt nước, giúp cải thiện điều kiện khí hậu cho đô thị. Hệ thống mương xây hở liên kết với nhau và với các hồ nước trong khu vực thành một không gian mặt nước liên hoàn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Lê Quang Đức cho biết, những phương án tiêu thoát nước như AREP VILLE đề xuất là rất khả thi. Thời gian qua, từ nguồn vốn vay ADB, AFD, thành phố đã tập trung đầu tư cho công tác tiêu thoát nước, như xây dựng hồ điều hoà Thạch Trung, kênh thoát nước T4, T8...

Tuy nhiên, do nguồn vốn này cũng hạn chế nên chưa thể đáp ứng yêu cầu. Thời gian tới, thành phố tiếp tục kêu gọi, vận động nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện các định hướng quy hoạch tiêu thoát nước như tư vấn AREP VILLE đã đưa ra.

Việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước mưa phù hợp với điều kiện thực tiễn để TP Hà Tĩnh xứng tầm đô thị loại II và là đô thị trung tâm cấp vùng là cần thiết và cấp bách.

Bá Tân

Chủ đề TẬP TRUNG ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA LŨ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast