Thiếu đất vì... thừa cát!

Hai trận lũ liền kề đã cuốn trôi đi nhiều nhà cửa, tài sản và để lại bao khó khăn vất vả cho người dân vùng lũ. Ngoài việc phải đối mặt với dịch bệnh, thiếu ăn... người dân vùng lũ còn phải đối mặt với một thách thức không dễ vượt qua, đó là tình trạng cát bao phủ đồng ruộng làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất.

Một gần tuần sau cơn lũ đi qua, nhiều cánh đồng của huyện Đức Thọ vẫn chìm trong biển cát. Cát gần như vùi lấp tất cả những gì còn sót lại trên mặt đất sau khi đã bị nước cuốn trôi. Không chỉ đồng ruộng mà một số nhà dân, trường học, đường sá cũng bị “dính” cát.

Chị Soa đang gặp rất nhiều khó khăn sau khi ruộng bị cát bồi lấp
Chị Soa đang gặp rất nhiều khó khăn sau khi ruộng bị cát bồi lấp

Người dân gần như kiệt sức khi phải chống chọi với lũ lụt, giờ còn lại lo chuyện dọn dẹp, lau chùi nhà cửa và “giải phóng” ruộng cát để sản xuất lương thực duy trì cuộc sống trong những tháng tiếp theo. Tuy vậy, để tiếp tục sản xuất được trên những đồng ruộng này, họ đang gặp muôn vàn khó khăn và không dễ thực hiện được trong một sớm một chiều.

Nhiều cánh đồng đang bị cát bồi lấp một lớp dày
Nhiều cánh đồng đang bị cát bồi lấp một lớp dày

Tại các xã ngoài đê của huyện Đức Thọ như: Trường Sơn, Liên Minh, Đức Châu, Đức La..., sau khi lũ rút đã để lại những cồn cát khổng lồ. Nhiều người dân địa phương cho rằng, trận lũ vừa qua cũng chẳng thua kém gì trận lũ năm 1978. Sau khi nước rút, toàn bộ đất đai màu mỡ đã bị cát bao phủ.

Nhìn cảnh chị Trần Thị Soa ở xóm 3, xã Liên Minh (Đức Thọ) đang cố bới, cào những đống cát để tìm lại những cây ngô, cây lúa trên mảnh ruộng nhà mình, lòng tôi không khỏi không xót xa. Chị Soa ngán ngẩm: “Nhà tôi có 2 sào ruộng thì đã bị cát lấp hết. Cả gia đình chỉ nhìn vào mấy sào ruộng nhưng bây giờ cát bồi thế này không biết tính làm sao. Nước lũ tràn về đã cuốn hết tài sản, lúa gạo, bây giờ còn để lại hậu quả thế này. Không biết mai đây cả nhà lấy gì mà ăn”.

Bố con ông Thành đang cố gắng xúc cát, cải tạo đồng ruộng
Bố con ông Thành đang cố gắng xúc cát, cải tạo đồng ruộng

Cách ruộng chị Soa không xa, bố con nhà ông Thành cũng đang cố gắng dùng ven xúc bớt cát trong ruộng nhà mình cho vào xe bò chở đi đổ. Anh Thành cho biết, chẳng còn cách nào khác là phải cố gắng xúc bớt, cải tạo đồng ruộng để sớm khắc phục sản xuất, kiếm lương thực mà sống. Theo chủ tịch UBND xã Liên Minh Lưu Đình Khương, có hơn 5 ha đất màu mỡ của xã đã bị xói lở, cát bồi lấp kín, làm ngập 100% các hộ dân, trường học, phá hoại nhiều tài sản của người dân.

Theo thống kê của huyện Đức Thọ, trận mưa lũ vừa qua đã làm xói lở, bồi đắp 345 ha diện tích đất nông nghiệp, tập trung chủ yếu là cây ngô và rau màu. Sau khi nước rút, cả hệ thống chính trị của huyện đang tập trung khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, việc xử lý diện tích đất nông nghiệp bị cát bồi lấp gặp rất nhiều khó khăn. Ông Trần Hoài Đức - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Thọ cho biết: “Huyện đang huy động lực lượng xúc cát đi đổ, cải tạo đồng ruộng, sau đó, xem xét để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên một số diện tích bị cát lấp”.

Không riêng gì Đức Thọ, tình trạng thiếu đất sản xuất vì bị cát lũ bồi lấp còn diễn ra ở nhiều địa phương như: Hương Sơn, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên... Tài sản bị lũ cuốn trôi đã đành, nhưng đến đất đai để sản xuất cũng bị cát sỏ bồi lấp thì cái đói rình rập người dân vùng lũ là điều khó tránh khỏi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast