Thợ xây vùng bãi ngang

Suốt ngày lấm lem bụi đất đá, xi măng và làm việc trong môi trường ồn ào bởi tiếng máy khoan, máy trộn bê tông... nhưng công cán chẳng được bao nhiêu, đó là nghề của những thợ xây. Tuy nhiên, đây lại là nghề cho thu nhập chính của rất nhiều người dân vùng bãi ngang Thạch Hà...

Gian nan với nghề

Lau mồ hôi đang chảy ròng ròng trên mặt, anh Trần Văn Tuấn (quê Thạch Đỉnh – Thạch Hà) cho biết, anh theo nghề thợ xây đã hơn 10 năm nay. Học chưa hết cấp 3 nhưng vì hoàn cảnh gia đình, anh đành theo mấy chú trong làng xách xẻng đi học trộn hồ. “Thợ xây rất cực nhọc và ảnh hưởng sức khỏe vì thường xuyên hít phải bụi xi măng, đất đá… nhưng “vốn liếng” của tôi chỉ có thế, chẳng biết làm gì khác. Biết là nặng nhọc nhưng tôi là trụ cột gia đình nên đành chấp nhận” - anh Tuấn nói. Anh Lê Hà (Thạch Hải – Thạch Hà) phụ hồ tại một công trình ở khu đô thị Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) bộc bạch: “Mỗi ngày phải trộn hàng chục mẻ hồ, bưng bê gạch đá mệt đứt hơi nhưng chỉ được 200.000 đồng/ngày, nếu tăng ca thì cộng thêm 20.000 đồng/giờ. Vất vả, nhưng ở quê thì không thể kiếm được việc gì làm để nuôi vợ con khi ruộng vườn không...”.

Thợ xây luôn phải làm việc trong môi trường độc hại nhưng không được trang bị các thiết bị bảo hộ lao động cũng như đóng nộp bảo hiểm. Ảnh: Quang Linh
Thợ xây luôn phải làm việc trong môi trường độc hại nhưng không được trang bị các thiết bị bảo hộ lao động cũng như đóng nộp bảo hiểm. Ảnh: Quang Linh

Cực nhọc vì công việc đã đành, cuộc sống của người thợ xây dựng lại nay đây mai đó, thiếu thốn trăm bề. Rủi ro, tai họa rình rập cũng là điều mà họ phải đối mặt. Hơn 8 năm kinh nghiệm trong nghề xây dựng, thợ cốp pha Phan Đăng (quê ở Cẩm Thạch - Cẩm Xuyên) cho rằng, trong quá trình thi công một công trình, thường thì thợ cốp pha và thợ sơn phải chịu áp lực và rủi ro cao nhất vì phải leo trèo cao, treo mình lơ lửng trên những tòa nhà cao tầng. Đã có không ít thợ xây phải chịu cảnh tàn tật, thậm chí bỏ mạng.

Không chỉ có đàn ông mà chị em phụ nữ cũng làm thợ phụ, các công việc lặt vặt hoặc nấu cơm, nước cho công nhân của cả công trình. Chị Bùi Thị Thanh (Thạch Bàn – Thạch Hà) - một phụ xây, cho biết: “Vợ chồng tôi gắn bó với nghề này gần chục năm, làm không biết bao nhiêu công trình. Tôi chỉ làm các việc phụ như khuân hồ, vác gạch, cát... tới bữa thì nấu cơm. Vất vả là vậy, nhưng lương cũng chỉ đủ trang trải cho con cái ăn học”.

Theo ông Phan Hữu Tuất – Trưởng phòng LĐ-TB&XH Thạch Hà, hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 5.000 lao động làm nghề thợ xây, tập trung ở các xã như: Thạch Đỉnh, Thạch Bàn, Thạch Hải, Thạch Vĩnh, Thạch Thanh… Phần lớn thợ xây là lao động nông nhàn, mang tính thời vụ, không được đào tạo, chỉ dựa vào kinh nghiệm thực tế, từ phụ hồ lên thợ chính. Nghề thợ xây được coi là dễ kiếm việc, bởi ở đâu có công trình thì ở đó cần thợ, chỉ cần có sức khỏe; mới thì xách vữa, bốc xi măng, xúc cát trộn bê tông, quen tay thì trộn hồ. Những tốp thợ này không giấy phép hành nghề, không chịu bất cứ sự ràng buộc nào của pháp luật, không có bảo hiểm công trình, không đảm bảo an toàn; làm việc theo ngày công để giảm các chi phí về đào tạo, trang bị bảo hộ, bảo hiểm và đương nhiên là không có các cam kết về an toàn lao động. Khi xảy ra tai nạn, chủ sử dụng lao động chỉ bồi thường theo... “tình cảm”.

Hiểm nguy rình rập

Tại các khu đô thị Nguyễn Du, Sông Đà… có thể thấy được diện mạo mới của TP Hà Tĩnh đổi thay theo từng ngày với tốc độ mọc lên nhanh chóng của những ngôi nhà cao tầng. Nhưng đằng sau vẻ hào nhoáng đó, những người thợ hồ vẫn mưu sinh đầy rủi ro. Công trình càng lớn thì độ nguy hiểm càng cao. Không bảo hộ lao động, không bảo hiểm, nhiều thợ phó mặc mạng sống của mình trên những tấm cốp pha mỏng dính, đu mình với sợi dây thừng trên độ cao hàng chục mét… Chị Nguyễn Thị Hòa (Hộ Độ - Lộc Hà) cho biết: “Chuyện gạch rơi, ngã giàn giáo, máu đổ ở công trường là chuyện cơm bữa, chú ạ! Khi có chuyện chẳng may xảy ra, chủ thầu chỉ cho vài trăm nghìn đi bệnh viện”. Nhiều chủ thầu đã cố tình lảng tránh khi được hỏi về hợp đồng lao động giữa chủ và thợ. Thậm chí có chủ thầu còn nói thẳng: Có việc làm là tốt lắm rồi, sống chết có số cả, rủi ro thì ở đâu chẳng có!

Ông Đặng Văn Dũng – Trưởng phòng Lao động việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2013, số vụ tai nạn lao động xảy ra với mức độ vi phạm và hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều, nhất là các vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng. Đã có 5 vụ tai nạn xảy ra làm chết 4 người và 1 người bị thương. Điển hình: ngày 30/5, anh Vương Huy H. - công nhân Công ty TNHH Nga Sơn tử nạn khi đang lái máy xúc thi công công trình đập Khe Mơ (Hương Sơn). Hay vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại Kỳ Hoa (Kỳ Anh) làm 1 công nhân tử vong tại chỗ. Ngày 13/5, một nhóm công nhân tiến hành lắp đặt ống nước dẫn từ thượng nguồn sông Trí (thuộc thôn Hòa Tiến, xã Kỳ Hoa) về Khu kinh tế Vũng Áng (xã Kỳ Long). Trong lúc máy cẩu chuyên dụng cẩu ống nước xuống để lắp đặt thì một nhóm công nhân đã bị ống nước đè lên người. Hậu quả, anh Lê Văn T. (SN 1981, trú tại xã Kỳ Lợi) tử vong tại chỗ, 2 công nhân khác bị thương nặng. Ngoài ra, còn phải kể đến những vụ tai nạn dẫn đến chết người trong các công trường xây dựng là công nhân của Công ty CP Xây dựng và Cung ứng lao động Nibelc, Công ty Thủy lợi III (Trung Quốc).

Tai nạn lao động vẫn hiện hữu từng giờ trên mỗi công trường. Sự cố gây chết người dường như là “chuyện thường ngày ở huyện” đối với nhân công làm nghề thợ xây. Tại một số công trường đã xảy ra những cái chết thương tâm chủ yếu là thợ hồ rơi giàn giáo, gạch rơi trúng đầu, điện giật... Thế nhưng, bất chấp hiểm nguy, những người thợ xây vẫn ngày đêm miệt mài với công việc vì miếng cơm, manh áo.

.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast