Thực phẩm chức năng trôi nổi: “Hổng” trong công tác quản lý

(Baohatinh.vn) - Việc xử phạt chưa mang tính răn đe, sản xuất không có tiêu chí, kinh doanh “dễ dãi”, khó trong công tác hậu kiểm... là một trong những “điều kiện” khiến thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) bùng nổ như hiện nay. Trong lúc chờ các cơ quan chức năng “lấp đầy” những “lỗ hổng” trên thì hơn hết hãy là người tiêu dùng thông thái để bảo vệ sức khỏe của chính mình.

>> Sử dụng thực phẩm chức năng trôi nổi: Tiền mất, tật mang!

“Bắt cóc bỏ đĩa”

Tại Hà Tĩnh, thời gian qua nổi lên một số vụ bắt giữ TPCN nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng như: ngày 1/9/2015, Đội Quản lý thị trường số 4 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh kiểm tra xe ô tô BKS 81B - 006.63. Qua kiểm tra, phát hiện 396 lọ (33 viên/lọ) TPCN không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đội đã xử phạt hành chính và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.

thuc pham chuc nang troi noi hong trong cong tac quan ly

Thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện và tiêu hủy.

Tiếp đó, ngày 10/11/2015, Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Lê Thị Hương (địa chỉ tổ dân phố 7, thị trấn Phố Châu, Hương Sơn), có liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp. Qua kiểm tra, phát hiện 5 hộp viên nang dầu cá, 58 hộp mỹ phẩm xuất xứ từ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đội đã lập biên bản vi phạm hành chính chuyển Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh tham mưu UBND tỉnh xử phạt bà Hương với số tiền 45 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm có giá trị gần 300 triệu đồng.

Gần đây nhất, sáng 20/4/2016, Đoàn Thanh tra Bộ Y tế, Cục Cảnh sát Môi trường Bộ Công an phối hợp Thanh tra Sở Y tế Hà Tĩnh và các ban, ngành liên quan đã tiến hành tiêu hủy 590 lọ TPCN nhập lậu và 21 thùng hàng chè sâm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn của Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Thiên Nga (trụ sở tại số 63, đường Nguyễn Đình Liễn, tổ dân phố 14, thị trấn Cẩm Xuyên).

Ông Phan Thanh Bá - Phòng Nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công thương chia sẻ: “Mặc dù các cơ quan chức năng đã kiên quyết xử lý, hạn chế thấp nhất sản phẩm vi phạm ảnh hưởng sức khỏe người dùng nhưng do chế tài xử lý vi phạm còn quá nhẹ, chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, mức phạt thấp hơn mức lợi mà họ thu được khi vi phạm nên không đủ sức răn đe. Bởi vậy, tình trạng tiếp tay cho TPCN giả, kém chất lượng vẫn tiếp diễn”.

Mới đây, Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016) đã đặt ra các chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chặt chẽ và khả thi hơn. Điều 317 về tội “vi phạm quy định về ATVSTP” quy định: Người nào chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về ATVSTP, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với tội danh này là 20 năm tù.

Như vậy, mọi tổ chức, cá nhân chỉ cần có hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm “bẩn” như quy định nêu trên sẽ bị xử lý hình sự, mà không cần có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điều này sẽ giúp cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn”, có hại cho người tiêu dùng trong thời gian tới.

Nhiều “lỗ hổng”

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay đã có gần 3.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh khoảng 20.000 sản phẩm TPCN. Câu hỏi đặt ra là vì sao nhiều doanh nghiệp đổ xô vào sản xuất - kinh doanh TPCN? Thực tế hiện nay cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp dược cũng đã nhảy vào sản xuất, kinh doanh TPCN không chỉ vì đây là thị trường “màu mỡ” mà còn có yếu tố họ hiện xin cấp số đăng ký thuốc quá khó, quá mất thời gian nên chuyển sang sản xuất TPCN cho… khỏe?!

Ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Bên cạnh việc xây dựng chế tài xử phạt mạnh, cần xây dựng những cơ sở pháp lý về quy trình, quy chuẩn cho TPCN, còn nếu để như hiện nay, điều kiện sản xuất, tiêu chí sản xuất đơn giản, các doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn rồi bán ra thị trường rất dễ dàng”.

Để đảm bảo quyền lợi cũng như sức khỏe, ông Phan Văn Hùng cũng khuyến cáo người tiêu dùng không tiếp tay tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc và mua bán không có hóa đơn chứng từ quy định. “TPCN nói chung là hỗ trợ chữa bệnh, là tiệm cận với thuốc nên không thể uống bừa bãi, lung tung được” -ông Hùng cho hay.

Doanh nghiệp được sản xuất, kinh doanh TPCN một cách “dễ dãi”, còn công tác kiểm soát chất lượng lại đang có nhiều “lỗ hổng”. Ông Phan Thanh Bá - Phòng Nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công thương cho biết: “Khó khăn lớn nhất khi kiểm tra mặt hàng TPCN là vấn đề hậu kiểm, kiểm soát chất lượng. Do thiếu máy móc và lại thuộc chuyên ngành của lĩnh vực y tế nên khi kiểm tra chỉ có thể dựa vào giấy tờ lô hàng, nguồn gốc xuất xứ. Một vấn đề khá nan giải nữa là việc kiểm soát TPCN xách tay khó vì giao dịch chủ yếu là trên mạng và bán truyền tay”.

Trong lúc chờ các cơ quan chức năng “lấp đầy” những “lỗ hổng”, người tiêu dùng đang phó mặc quyền lợi và sức khỏe của mình vào... may rủi. Và không phải người tiêu dùng nào cũng đủ thông minh, tỉnh táo trước những lời dụ dỗ ngon ngọt, những lời mời chào hấp dẫn của doanh nghiệp cũng như người bán hàng để tránh xa TPCN giả, kém chất lượng.

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast