Thương con như thế bằng mười hại con!

(Baohatinh.vn) - Tâm lý của nhiều người làm cha mẹ vẫn thường xem con mình là số 1 nên con va chạm hay thất bại khi xã hội không thừa nhận tài năng thì lập tức họ “xù lông” bảo vệ con một cách mù quáng. Và nhiều hệ lụy xảy ra từ cách bao bọc con như thế.

thuong con nhu the bang muoi hai con

Minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ

Những ngày gần đây, mạng xã hội đang “nóng” chuyện một cậu bé 15 tuổi chơi đàn xin tiền trên vỉa hè tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm (Hà Nội). Khi được đội quản lý trật tự nhắc nhở vì biểu diễn không phép, thay vì trao đổi thẳng thắn, lịch sự với cơ quan chức năng thì bố cậu bé đã có hành động không đúng mực. Chứng kiến thái độ và lời lẽ xúc phạm của bố dành cho những người thực thi nhiệm vụ, cậu bé cũng được thể nhảy vào “tao, mày” rất vô lễ với những người đáng tuổi cha mình.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi sự việc xảy ra, mẹ cậu bé đã đăng đàn trên facebook cá nhân nhằm bênh vực con và bôi nhọ lực lượng chức năng bằng những chi tiết không đúng sự thật. Sự việc đã đi quá xa khi một lượng lớn người dùng facebook liên tục share bài viết và cổ xúy cho hành động bột phát, mù quáng của bà mẹ dù không biết đúng sai thế nào.

Câu chuyện này nhắc tôi nhớ đến một câu chuyện cũng đã từng làm “nóng” truyền thông. Tại cuộc thi Vietnam’s Got Talent (Tìm kiếm tài năng Việt) do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, một cô bé đã bị loại do không đáp ứng được yêu cầu của cuộc thi. Mẹ cô bé đã lao lên sân khấu “cướp míc” để bênh vực con, bà cho rằng, ban giám khảo không công tâm khi loại thí sinh bởi tài năng của con bà thuộc hàng “đỉnh của đỉnh”.

Hậu quả của những câu chuyện trên là sự “ném đá” của dư luận, sự bẽ bàng của người trong cuộc. Dù phụ huynh sau đó nhận ra cái sai của mình nhưng những đứa trẻ đã trở thành tâm điểm của nhiều bình luận ác ý, chắc chắn điều đó tác động không hề nhỏ đến tâm lý của chúng.

Cha mẹ nào chẳng thương con, coi con mình là nhất, nhưng không vì thế mà cái gì cũng khen và vỗ tay cổ xúy bất cứ việc gì con nói, con làm. Dạy con đối mặt, đứng lên từ thất bại mới là điều quan trọng chứ không phải ra sức bênh vực con một cách mù quáng là thể hiện tình yêu thương.

Có những ông bố, bà mẹ sẵn sàng “ăn thua đủ” với bất kỳ ai đụng đến con mình, dù chưa biết ai đúng, ai sai. Có những người chỉ nghe và tin những gì phát ra từ miệng con mà không cần kiểm chứng. Thế nên mới có những vụ việc như phụ huynh xông vào lớp đánh cô giáo mầm non, hàng xóm choảng nhau sứt đầu, mẻ trán vì chuyện con trẻ.

Không ít cậu ấm, cô chiêu, gia đình có điều kiện kinh tế hoặc chức quyền còn được bố mẹ “thổi” vào đầu óc sự bảo hộ tuyệt đối nên đã tự tung tự tác, sống không cần biết đến ai, coi thường luật pháp. Đó là cách hành xử dung túng, nuôi dưỡng tính ỷ lại cho con cái.

Một đứa trẻ lớn lên có lễ nghĩa, bao dung và biết chấp nhận thất bại để đứng dậy phụ thuộc nhiều vào cách dạy dỗ của người lớn. Trong cuộc sống, sự đấu tranh là cần thiết, nhưng phải đúng lúc, đúng nơi, không phải ăn thua với người khác chỉ vì thất bại nào đó hay một thiệt thòi nho nhỏ. Nhiều người đấu tranh cho con mình theo cách sân si kiểu đó đã gây ra những hệ lụy chẳng lành. Thương con như thế bằng mười hại con!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast