Tổng kết 12 năm thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình

Sáng 16/4, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2000. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị.

Các địa biểu dự hội nghị ở đầu cầu Hà Tĩnh

Các địa biểu dự hội nghị ở đầu cầu Hà Tĩnh

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng báo cáo tóm tắt tổng kết thi hành luật HN&GĐ; nghe tổ biên tập dự án luật báo cáo về mục tiêu, quan điểm, định hướng sửa đổi, bổ sung Luật HN&GĐ năm 2000 và một số tham luận của các ban ngành trung ương.

Sự ra đời của Luật HN&GĐ trong 12 năm qua góp phần quan trọng trong việc đảm bảo ổn định xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Luật là cơ sở pháp lý để các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: tư pháp, tòa án... để tổ chức các hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch có hiệu quả, đảm bảo thuận lơi cho công dân thực hiện quyền kết hôn, ly hôn, nuôi con nuôi, nhận cho mẹ con, giám hộ; giải quyết đúng đắn các vụ việc dân sự về hôn nhân gia đình...

Theo số liệu của Tòa án nhân dân tối cao, những năm gần đây, việc giải quyết các vụ việc HN-GĐ ở cấp sơ thẩm ngành Tòa án luôn đạt tỷ lệ cao (94% ). Số vụ vi phạm chế độ hôn nhân và gia đình ngày càng giảm, nếu như năm 2001cả nước có 68 vụ án và 86 bị can bị khởi tố thì đến năm 2011 chỉ còn 16 vụ án và 19 bị can bị khởi tố.

Tại Hà Tĩnh, từ năm 2000 đến nay, UBND cấp xã, phường đã đăng ký kết hôn cho 6.993 trường hợp, Sở Tư pháp thực hiện đăng ký cho 442 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài. Ngành Tòa án cũng đã thụ lý, xét xử 5.154/5.455 vụ việc hôn nhân gia đình, đạt tỷ lệ 94,5%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập giữa các quy định Luật với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan còn chồng chéo, mâu thuẫn và có một số trường hợp phát sinh trong thực tiễn cần được điều chỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề về áp dụng tập quán trong quan hệ hôn nhân và gia đình; quan hệ thân nhân và quan hệ tài sản giữa vợ và chồng; Hướng giải quyết đối với các trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn; vấn đề ly hôn; quyền, nghĩa vụ về thân nhân và tài sản giữa cha mẹ và con; kết hôn có yếu tố nước ngoài....

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ban ngành trung ương và địa phương trong việc góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Luật.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới. Đó là tiếp tục nghiên cứu nhằm xây dựng luật sửa đổi trên tinh thần tôn trọng thực hiện quyền con người, quyền bình đẳng giới, bảo vệ quyền MBTE, người cao tuổi; Tăng cường các giải pháp về HN&GĐ, tạo ra các cơ chế pháp lý phù hợp với phong tục tập quán của từng dân tộc, vùng miền; Các ban ngành đoàn thể liên quan cũng cần nghiên cứu kỹ tính thực tiễn và khoa học, rà soát, kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những nội dung về luật HNGĐ của các quốc gia trên thế giới trong việc hoàn thiện bộ luật phù hợp với pháp luật Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với tình hình mới.

Đặc biệt, các bộ ngành, các cơ quan chức năng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc xúc tiến dự án sửa đổi dự thảo Luật HN&GĐ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast