Trà đá vỉa hè “một vốn, nhiều lời”

Hè về, thời tiết nắng nóng, oi bức cũng là thời điểm mà các quán trà đá, nước mía vỉa hè ở TP Hà Tĩnh vô cùng đắt khách. Thường ở những trục đường hoặc khu vui chơi có không gian thoáng đãng, đông người đi lại thì mật độ quán xá càng dày đặc.

Nhộn nhịp nhất là đoạn đường Hàm Nghi, khu đô thị Sông Đà (phường Trần Phú) và khu Đài tưởng niệm Trần Phú (phường Nguyễn Du). Người ta đến đây không chỉ để uống nước mà mục đích chính là ra đường tránh cái bức nồng của đêm hè, để hàn huyên... Kể ra cũng phù hợp giai đoạn kinh tế khó khăn, vào quán cà phê hoặc nhà hàng, ít nhất mỗi người cũng phải chi ra từ 50 nghìn đến cả trăm nghìn đồng cho một loại đồ uống. Đó là chưa kể không gian bức bí, chật chội, ngột ngạt với những chiếc máy điều hòa chạy hết công suất. Trong khi đó, chỉ vài ba chục nghìn đồng là thoải mái cho cả nhóm bạn 5-7 người nhâm nhi cốc nước và món hoa quả dầm thơm mát, vừa hưởng gió trời lồng lộng, trong lành.

Trời càng nóng bức, quán nước vỉa hè càng nhộn nhịp khách
Trời càng nóng bức, quán nước vỉa hè càng nhộn nhịp khách

Chị Trần Thị Hiền (phường Nguyễn Du) cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên ra khuôn viên tượng đài Tổng Bí thư Trần Phú chơi. Không gian thoáng rộng nên con gái tôi rất thích, chúng tôi vừa trông con, vừa uống nước, hóng mát”. Anh Trần Thăng Long (phường Thạch Quý) cũng vậy, cứ vào khoảng 20h anh lại cùng đám bạn lên đường Hàm Nghi uống nước nhân trần, tán chuyện… “Lên đây gió mát, thoáng đãng, đỡ bức bí hơn ở nhà” - anh Long chia sẻ.

Nhìn vào sự “đầu tư’ của các quán trà đá vỉa hè thì thấy khá đơn giản, nhưng doanh thu mang về lại khá cao. Bình quân, mỗi đêm bán hàng khoảng 4 tiếng (19- 23h), khi “hên”, mỗi quán cũng thu về 5-7 trăm nghìn đồng tiền lãi. Chị Nguyễn Thị Hòe - chủ quán nước chè trước cổng Sở GTVT cho biết: “Tôi bán nước chè ở đây quanh năm, đông khách nhất là mùa hè. Có ngày phải trăm lượt khách vào quán, mỗi tháng bán cả đồ ăn vặt nữa, tôi cũng thu về 10 triệu đồng tiền lãi”. Doanh thu từ những quán nước vỉa hè tỷ lệ thuận với địa điểm dựng quán, những nơi “đắc địa” thì lợi nhuận thu về càng cao. Thậm chí, vài năm nay, một số quán còn kéo điện ra tận nơi, bật ti vi phục vụ nhu cầu giải trí hoặc xem bóng đá của khách hàng.

Không chỉ lao động phổ thông mà ngay cả viên chức nhà nước, sinh viên cũng tìm đến nghề này như một nghề “tay ngang”. Vợ chồng anh T. - giáo viên cấp 2 ở huyện Cẩm Xuyên là một trong số đó. Đã 3 mùa hè trôi qua, khi công việc giảng dạy ở trường hết bận bịu, vợ chồng anh lại “khăn gói” về thành phố mở quán nước mía kinh doanh. Chỉ với ít bộ ghế nhựa, 1 máy ép nước mía, ấy thế mà khách vào ra nhộn nhịp. Vừa rọc cây mía dài một cách điệu nghệ, anh T. chia sẻ: “Ban đầu hơi vất vả vì trái nghề nhưng lâu dần quen việc, quen khách nên thấy rất vui. Dù là quán vỉa hè nhưng vợ chồng tôi luôn coi trọng an toàn vệ sinh, cốc chén rửa thường xuyên, hàng chất lượng và pha chế an toàn, vì thế, quán tôi phần đông là khách quen. Tranh thủ 3 tháng hè, vợ chồng tôi cũng kiếm thêm vài ba chục triệu đồng để trang trải cuộc sống”.

Nghề trà đá, mía đá vỉa hè còn gián tiếp tạo điều kiện cho một số nghề “ăn theo” khác có đất “sống” như: vé số dạo, hát rong, bánh quà rong… Tuy nhiên, ngoài vi phạm lấn chiếm vỉa hè thì an toàn thực phẩm vẫn đang là vấn đề đáng báo động. Thường thì tiện, rẻ vẫn hay đi kèm với bẩn và mất an toàn. Do vậy, trong khi chờ các cơ quan quản lý siết chặt hơn loại hình kinh doanh “tranh thủ” này thì mỗi người cần tự bảo vệ mình trước.

.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast