Trách nhiệm, tận tâm vì lợi ích người hưởng chính sách

(Baohatinh.vn) - Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đó đến nay, đặc biệt là trong gần 25 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, ngành LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công, đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Cán bộ Sở LĐ-TB&XH tập huấn hướng dẫn thực hiện pháp luật lao động và các chính sách cho các doanh nghiệp, nhà thầu tại KKT Vũng Áng.
Cán bộ Sở LĐ-TB&XH tập huấn hướng dẫn thực hiện pháp luật lao động và các chính sách cho các doanh nghiệp, nhà thầu tại KKT Vũng Áng.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, thời gian qua, các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành đều đạt kết quả đáng khích lệ. Nét nổi bật trước hết phải kể đến, đó là tăng cường công tác phối hợp, thực hiện quản lý tốt hơn chính sách pháp luật lao động, xây dựng quan hệ hài hòa, bảo đảm lợi ích hợp pháp của người lao động, khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp… Qua đó, góp phần quan trọng trong việc tăng nhanh số doanh nghiệp, thu hút nhiều lao động; đặc biệt, KKT Vũng Áng sử dụng trên 40.000 lao động. Đáng nói, nếu năm 1991, toàn tỉnh mới có 9.540 người được giải quyết việc làm, thì từ năm 2005 đến nay, mỗi năm, toàn tỉnh có 32.000 lượt lao động được giải quyết việc làm, trong đó, xuất khẩu lao động 6.000 người.

Hà Tĩnh trở thành điểm sáng trong công tác xuất khẩu lao động của cả nước. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm từ gần 10% (năm 1991) xuống còn 1,5%; nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 85%; dự kiến cuối năm 2015, có 218/235 xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới (chiếm 92,76%); cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, thu hút nhiều nguồn lực phục vụ phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới.

Giờ thực hành của học viên Trường CĐ nghề Việt Đức (Hà Tĩnh)
Giờ thực hành của học viên Trường CĐ nghề Việt Đức (Hà Tĩnh)

Công tác dạy nghề đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Hệ thống cơ sở dạy nghề được đầu tư, nâng cấp với 28 cơ sở; chất lượng đào tạo nghề ngày càng được nâng cao, từng bước xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật, thợ lành nghề, có đủ trình độ tiếp cận với khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Đặc biệt, ngành quan tâm đào tạo nghề trọng điểm, đào tạo theo cơ chế đặc thù, phục vụ sự phát triển của KKT Vũng Áng, đáp ứng nhu cầu xã hội. Bình quân mỗi năm, đào tạo nghề trên 25.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 11% (năm 2001) lên 53% năm 2015; 198/235 xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động qua đào tạo theo bộ tiêu xây chí dựng nông thôn mới.

Ngành cũng đã thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo gắn với xây dựng nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững; huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng các vùng nghèo, xã nghèo, xã bãi ngang ven biển. Mỗi năm, giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2015 còn 5,9%, hộ cận nghèo 8,5%; 131/235 xã đạt tiêu chí hộ nghèo dưới 5% theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời. Đến nay, trên 68.000 người đã được trợ cấp thường xuyên. Các cơ sở bảo trợ xã hội được quan tâm đầu tư, đảm bảo điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng người già cô đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi, góp phần giúp các đối tượng vượt qua khó khăn trong cuộc sống, ổn định tình hình an ninh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tổ công tác Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn, giám sát công tác điều tra về lao động - việc làm năm 2015 trên toàn tỉnh.
Tổ công tác Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn, giám sát công tác điều tra về lao động - việc làm năm 2015 trên toàn tỉnh.

Cùng với đó là tham mưu thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách người có công với cách mạng, xác nhận, giải quyết chính sách cho 297.912 người có công và thân nhân của họ; chi trả trợ cấp thường xuyên gần 50.000 đối tượng và các chế độ khác với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng; 100% xã, phường làm tốt công tác chính sách, 98% gia đình chính sách, người có công có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống dân cư; phong trào đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực được toàn xã hội quan tâm, trở thành tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Với những kết quả đạt được, ngành LĐ-TB&XH đã được Đảng, Nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ: nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH, phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm cho người dân; tăng cường huy động, xã hội hóa các nguồn lực chăm lo thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách người có công, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thể chế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng vị trí, việc làm gắn với rà soát, tổ chức bộ máy tinh gọn; đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; tăng cường kiểm tra, giám sát; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện công vụ; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tham mưu cấp ủy, chính quyền tạo sự bứt phá, phát triển mạnh mẽ về KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast