Trong nắng gió Tây Nguyên

Vừa qua khỏi tỉnh Bình Định, mở ra trước mắt chúng tôi mênh mang màu đất đỏ bazan đằm thắm và những triền hoa dã quỳ vàng rực càng tôn thêm cái nắng vàng đầu đông rất đặc trưng của cao nguyên. Những cái tên Pleiku, Lâm Viên, Di Linh, Lang Biang, nơi bắt đầu của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam 1975, giờ đây đang mở ra nhiều tiềm năng kinh tế cho đất nước.

Sau một ngày đường từ Hà Tĩnh, dừng chân tại Quảng Nam, 4h chiều hôm sau, chúng tôi đã có mặt tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) xinh đẹp như một thiếu nữ vùng sơn cước. Pleiku đẹp tự nhiên và căng tràn sức sống, đúng như lời một bài hát: Em đẹp lắm Pleiku ơi, trái tim anh muốn vỡ tan rồi… Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy.

Đền thờ các Vua Hùng tại công viên Đồng Xanh, Pleiku.
Đền thờ các Vua Hùng tại công viên Đồng Xanh, Pleiku.

Không phải chờ đợi lâu, chúng tôi được thưởng thức vẻ đẹp của thành phố cao nguyên với sắc màu rực rỡ của hoa văn, thổ cẩm trong dư âm của Lễ hội Festival cồng chiêng quốc tế vừa diễn ra cách đây không lâu. Trên dọc các trục đường chính vẫn còn giăng đầy những hình ảnh, cờ hoa, biểu ngữ chào đón 45 đoàn cồng chiêng với 3.000 diễn viên và hàng vạn lượt khách về hội tụ trong không gian sắc màu Tây Nguyên lộng lẫy. Hai cột biểu tượng lớn về văn hóa Tây Nguyên được đặt ngay tại trung tâm thành phố.

Tại 3 địa điểm lớn của thành phố là công viên Diên Hồng, công viên Đồng Xanh và khu du lịch sinh thái Về Nguồn vẫn còn lưu lại những hình ảnh đầy sôi động và ấn tượng của một lễ hội văn hóa quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Gia Lai. Các công viên rộng lớn này đồng thời là những bảo tàng thiên nhiên và con người Tây Nguyên được xây dựng trong một quần thể kiến trúc độc đáo và thoáng đãng, đẹp mắt.

Thác Đambri (Bảo Lộc - Lâm Đồng).
Thác Đambri (Bảo Lộc - Lâm Đồng).

Hội thảo các báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần này được tổ chức tại Pleiku với chủ đề: Tuyên truyền về bản sắc văn hóa bản địa thêm một lần khẳng định giá trị và sức sống lâu bền của văn hóa vật thể và phi vật thể, trách nhiệm của các báo Đảng địa phương với việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đó. Hội thảo diễn ra ngay sau khi vừa kết thúc lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên càng làm cho không khí văn hóa thêm sâu đậm.

Trong báo cáo đề dẫn hội thảo, ông Bùi Tấn Sĩ - Phó Tổng biên tập Báo Gialai nhấn mạnh: Quá trình toàn cầu hóa đang tạo ra sự giao thoa, ảnh hưởng mạnh mẽ lẫn nhau, của các nền văn hóa. Quá trình này tạo ra các hiện tượng điển hình: hiện tượng giao lưu văn hóa với tất cả những mặt tiêu cực lẫn tích cực, hiện tượng đứt gãy giữa truyền thống và hiện đại trong quá trình đổi mới làm cho văn hóa bản địa có sự nhiễu loạn, hụt hẫng, nghèo nàn, thậm chí suy kiệt, hiện tượng đồng hóa tự nhiên giữa văn hóa Việt với văn hóa các dân tộc thiểu số.

Nguyên nhân làm cho bản sắc văn hóa của các địa phương bị xói mòn là do có sự biến đổi về đời sống kinh tế, tài nguyên bị xâm hại, nhà cửa buôn làng có sự biến động. Trách nhiệm của các ngành, các cấp, trong đó có báo chí là phải tuyên truyền cho người dân nhận thức đúng tầm quan trọng cũng như giá trị của văn hóa, văn hóa bản địa, đề cao giá trị văn hóa, gạn đục khơi trong trong quá trình tiếp nhận.

Ngay tại hội thảo, chương trình văn nghệ đã làm nổi bật được sự giao thoa có chọn lọc của các nền văn hóa. Đó là các bài biểu diễn cồng chiêng, vũ điệu Tây Nguyên với sắc phục và nhạc cụ đậm chất dân gian của diễn viên Nhà hát ca múa nhạc Đăm San chen lẫn các tiết mục của nghệ sĩ trẻ với phong cách biểu diễn mới mẻ, trang phục hiện đại. Tất cả cùng hướng về tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người, tình yêu cuộc sống.

Đặc biệt, giọng hát đầy âm sắc núi rừng, trong như nước nguồn, vang xa như tiếng vọng núi non của Siu Phích, người nghệ sĩ 80 tuổi đã mang lại cho những người nghe niềm tin về sự trường tồn của văn hóa Tây Nguyên. Dù đã được biết về bản sắc văn hóa Tây Nguyên với tượng nhà mồ, nhà dài (nhà nhiều gian nối nhau cho nhiều thế hệ chung sống ở Đắk Lắk), đàn tơ rưng, thổ cẩm và đặc biệt là cồng chiêng nhưng phải đến khi được đắm mình trong vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, vẻ phồn thực của những dải đồi miên man cà phê, cao su, hồ tiêu, nhất là được tắm trong cái nắng mang mang, cái gió ràn rạt làm rối tung mái tóc dài, tôi mới cảm nhận hết sắc màu và không khí Tây Nguyên.

Cây gỗ hóa thạch hàng ngàn năm tuổi ở Gia Lai.
Cây gỗ hóa thạch hàng ngàn năm tuổi ở Gia Lai.

Đó là vũ điệu tưng bừng, rộn ràng của người Bana, Ê-đê, Jrai, Churu… cùng nhau giã gạo, vui ngày hội lúa mới trong ánh lửa bập bùng và ché rượu cần ngất ngây, hay uyển chuyển nhịp nhàng trong những cuộc hò hẹn gái trai bên dòng suối. Đó là tiếng cồng chiêng vang động trầm hùng của lễ đâm trâu mừng chiến thắng. Đó là tiếng gọi mãnh liệt của khát vọng chiến thắng thiên nhiên, giặc giã, khát vọng tự do hòa bình, khát vọng tình yêu.

Và rực rỡ, nồng nàn biết bao màu váy áo thổ cẩm của những cô gái Tây Nguyên trong chương trình văn nghệ và trong đêm liên hoan giã bạn tại ngôi nhà rông lớn ở công viên Đồng Xanh. Đêm ấy, trong tiếng gọi náo nức của những giai điệu Tây Nguyên, chúng tôi, già trẻ trai gái đều cầm tay nhau nhảy múa quanh bếp lửa, cùng đắm mình trong dòng chảy của văn hóa bản địa các tỉnh miền Trung, để cho mỗi ca từ, giai điệu và vũ điệu thấm sâu vào những tế bào, mạch máu, làm nên tình yêu cuộc sống, tình yêu con người.

Điều mà chúng tôi ai cũng dễ nhận thấy, đó là văn hóa Tây Nguyên vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị vật thể và phi vật thể hơn các vùng khác và đó là một nền văn hóa động, đúng như vấn đề mà hội thảo đã đặt ra: chú trọng bảo tồn “động” hơn là bảo tồn “tĩnh”.

Nếu chỉ bảo tồn theo cách sưu tầm, lưu giữ các giá trị văn hóa trong các bảo tàng, sách, triển lãm mà ít đặt trong môi trường xã hội mà nó phát sinh và phát huy vai trò của văn hóa bản địa trong điều kiện xã hội cụ thể thì muốn hay không, nó cũng sẽ bị mai một. Đến một lúc nào đó, trong biển lớn của các dòng văn hóa, con cháu chúng ta sẽ không còn nhận ra bản sắc dân tộc và quê hương ở đâu nữa.

Trở lại với Hà Tĩnh, vùng đất được mệnh danh là một trong những cái nôi văn hóa của cả nước với nhiều danh nhân, hiền tài đi vào sử sách, chúng tôi không khỏi băn khoăn suy nghĩ. Đành rằng đặc điểm địa lý, lịch sử của mỗi vùng quê khác nhau, phong tục tập quán và sự biến động cũng như sự tiếp nhận nền văn hóa hiện đại khác nhau nhưng phải chăng chúng ta đã chú trọng qua nhiều đến văn hóa tĩnh mà chưa dày công phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa lễ hội thu hút một cộng đồng lớn tham dự?

Cũng như cồng chiêng Tây Nguyên, gần đây ca trù Cổ Đạm đã được công nhận di sản văn hóa thế giới nhưng số lượng 2 CLB ca trù thường tham gia biểu diễn là quá ít, cộng với đó là đặc điểm của loại hình âm nhạc này nên khó có thể thu hút một lượng lớn diễn viên và khán giả. Việc đưa ca trù vào giảng dạy trong nhà trường là rất tốt nhưng lưu giữ được các nghệ nhân để tạo ra những sinh hoạt văn hóa dân gian trong các lễ hội lớn trong tương lai là điều chưa khẳng định được.

Hát ví phường vải Trường Lưu cũng là loại hình nghệ thuật diễn xướng ngày xưa rất phổ biến nhưng hiện nay, ngay tại làng Trường Lưu, nhiều nam thanh nữ tú không biết hát, một vài nghệ nhân tâm huyết còn sót lại cũng thi thoảng mới biểu diễn trong các liên hoan nghệ thuật quần chúng. Không gian văn hóa Trường Lưu với đò Cài, chợ Quan, nhà thờ Nguyễn Huy Tự, thư viện sách gỗ của Nguyễn Huy Oánh vẫn chưa được phục dựng và phát huy thu nhằm thu hút du khách.

Hát ví dặm Nghệ Tĩnh là một nét đặc trưng của văn hóa xứ Nghệ, trong đó có ví đò đưa đang đứng trước nguy cơ bị mai một mặc dầu sông La và sông Lam vẫn chảy như hàng trăm năm nay. Hát sắc bùa Kỳ Anh đang được khôi phục vào dịp tết Nguyên đán song chủ yếu vẫn là tự phát và nhỏ lẻ. Điều đáng buồn là trong các cuộc thi đàn và hát dân ca đã vắng bóng khán giả là giới trẻ.

Biểu tượng Tây Nguyên tại công viên Đồng Xanh (Pleiku)
Biểu tượng Tây Nguyên tại công viên Đồng Xanh (Pleiku)

Gần đây, chúng ta đã chú ý nhiều đến các lễ hội song gần như chỉ là lễ hội tâm linh hướng về các danh nhân tại chùa chiền, đền miếu. Đó là lễ hội chùa Hương Tích, chùa Chân Tiên, đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, đền Lê Khôi, lễ kỷ niệm Chiến thắng Đồng Lộc… Đây là những lễ hội lớn thu hút được số đông người tham dự, lên tới con số nghìn và chục nghìn. Nhưng để các lễ hội mang màu sắc riêng, từ khâu tế lễ, khí cụ, cờ quạt, đón rước, trang phục, âm nhạc… đang đòi hỏi công sức, tâm huyết và tiền của không chỉ của các địa phương mà còn tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh và ngành VH -TT-DL.

Hiện vẫn còn tình trạng các ban tổ chức lễ hội thuê cờ quạt, trang phục của nhau và của các đoàn văn công. Phần lễ thì rất được chú trọng nhưng phần hội còn đơn điệu, chưa thu hút được du khách, đó là chưa kể các dịch vụ ăn theo lễ hội quá lớn, nhiều đền chùa hương khói mù mịt gây nên cảnh mất mỹ quan.

Đi một ngày đàng, dẫu chưa học được nhiều sàng khôn nhưng điều lớn nhất mà chúng tôi thu nhận được là hãy để các giá trị văn hóa được trở về với không gian của nó và muốn có được không gian ấy, cần một chiến lược dài hơi và sự đầu tư không nhỏ. Trong điều kiện địa phương còn khó khăn, cần bớt đi những đề án, dự án, hội thảo trên giấy; cần tập trung huy động sức mạnh toàn xã hội vào các hoạt động văn hóa. Khi văn hóa đã trở thành mục tiêu và động lực, khi chủ nhân của văn hóa đã thấm sâu ngọn nguồn thì tin rằng không có trở ngại nào chúng ta không vượt qua.
Pleiku - Hà Tĩnh: 11-2009

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast