Trường Sơn ngày ấy

(Baohatinh.vn) - Đầu xuân Bính Thân (2016), bác Nguyễn Duy Tâm (quê huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh); nguyên Chính ủy Trung đoàn 99, Binh trạm 12, Đoàn 559 tổ chức mừng thọ tuổi 90, đồng thời tổ chức họp mặt đầu xuân. Anh em cùng đơn vị từ Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh... tập trung về Nghi Xuân mừng thọ ông, cũng là dịp cùng nhau hội ngộ sau 40 năm quân ngũ.

Lâu ngày gặp lại, chúng tôi ôm nhau xúc động. Hết thảy tóc đã điểm bạc, cùng nhau ôn lại những tháng năm gian khổ, khốc liệt ở chiến trường. Tôi rất tiếc vì không gặp lại được Vị và Hoạt, những đồng đội cùng sống sót sau trận B52 dữ dội năm 1972 ở Quảng Trị. Nghe nói các anh sức khỏe yếu nên không đi được.

*

Đó là mùa hè năm 1972 ở Quảng Trị. Đơn vị chúng tôi thuộc Trung đoàn 99 công binh, Binh trạm 12, Đoàn 559, được giao nhiệm vụ chốt giữ, đảm bảo giao thông đường 14 (nay là đường Hồ Chí Minh) đoạn qua thượng nguồn sông Bến Hải (qua ngầm Bến Tắt) đi qua địa bàn 2 huyện Do Linh và Cam Lộ thuộc tỉnh Quảng Trị.

truong son ngay ay

Trên đỉnh Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Để đảm bảo bí mật, ban đầu, đường được mở xuyên qua rừng già, cây cối um tùm. Nhưng máy bay Mỹ, bằng các phương tiện do thám hiện đại đã phát hiện ra tuyến đường. Hàng ngàn tấn bom đủ các loại: bom phá, bom sát thương, bom nổ chậm, na-pan... trút xuống cung đường chúng tôi phụ trách. Rồi pháo hạm từ Cửa Việt bắn lên. Cây cối xác xơ, đất đá lở loét và nham nhở, từng đợt gió lào cùng với cái nắng tháng 5 hầm hập làm cho không khí đặc quánh, oi nồng. Chúng tôi như nằm trên chảo lửa. Đơn vị chỉ còn cách ngụy trang duy nhất là đào hầm chữ A sâu trong lòng đất, trên phủ một lớp đất đồng màu. Chúng thả pháo sáng suốt đêm. Địch quyết tâm cắt đứt cung đường chúng tôi đang chốt giữ.

Hôm ấy vào buổi trưa, trời trong xanh, không một gợn mây, mặt trời như cao hơn thường ngày, trút lửa hầm hập như muốn thiêu đốt những gì còn lại xung quanh chúng tôi. Không gian đột nhiên tĩnh lặng. Tiếng L19, OV10 (loại máy bay trinh sát) cũng lặng ngắt. Một sự yên ắng khác thường.

Bỗng nhiên, 3 chiếc máy bay B52 xuất hiện từ phía biển, kẻ những đường khói trắng trên bầu trời. Chúng tôi vừa kịp lao xuống hầm đã nghe tiếng bụp bụp, rào rào, khói bom trùm lên, tiếng nổ chát chúa. Tôi còn nhớ, 4 anh em gồm: tôi - Trung đội trưởng, Vị - Chính trị viên đại đội, Hoạt - chiến sỹ và Tuấn - liên lạc tiểu đoàn cùng nhảy xuống căn hầm chữ A. Trong chốc lát, tôi thấy tối sầm, đen ngòm, ngạt thở, ngực đau như có ai giẫm mạnh lên. Tôi biết hầm chúng tôi đã bị sập và miệng hầm đã bị đất vùi.

Nhờ có mấy thanh gỗ hầm đỡ lại nên chúng tôi còn được một khoảng trống tối om. Theo bản năng, mọi người ra sức cào bới mong tìm được một chút không khí. Bên cạnh tôi, một thi thể mềm oặt, máu đầm đìa. Tôi sờ vào người anh thấy ngực vỡ toác, máu tuôn ra như xối. Trong cơn hoảng loạn, tôi không còn biết đó là Vị, Hoạt hay Tuấn vì chúng tôi không thể nói được gì nữa.

Tôi cũng không biết mình bị thương ở đâu, chỉ thấy máu me đầm đìa. Cái chết đang đến với chúng tôi từ từ. Trong tuyệt vọng, tôi nghĩ đến bố mẹ và gia đình. Mẹ tôi, một người đàn bà tảo tần, nghèo khó. Tuy đói nghèo vẫn cố cho tôi học hết cấp 3 để vào đại học. Bố tôi tuy rất nghiêm khắc nhưng rất mực thương con. Rồi Duyên, Nhung, những bạn gái cùng học cấp 3 mà tôi đã thầm yêu... Vậy là hết. Ước mơ khi chiến tranh kết thúc, tôi sẽ thi vào đại học và gặp lại bạn bè, người thân sắp sửa không thành.

Chúng tôi vẫn ra sức cào bới. Có lẽ sự khát khao được sống đã truyền cho chúng tôi sức mạnh. Ngạt thở, ngực đau tức, đầu như búa bổ, mười đầu ngón tay tóe máu. Mặc! Chỉ cần một chút không khí là chúng tôi sẽ sống. Bên cạnh tôi, 2 người bạn vừa đào bới, vừa thở hồng hộc, nhưng tiếng thở đã nhỏ dần, tiếng cào bới cũng thưa dần.

Trong tột cùng của sự tuyệt vọng, bỗng nhiên, một lỗ thủng hiện lên trên đầu chúng tôi. Một luồng ánh sáng thần tiên dọi xuống. Cái lỗ thủng sau này tôi được biết, do đồng đội đã kiên nhẫn đào bới đến phồng rộp bàn tay để cứu chúng tôi.

Mừng quá, chúng tôi càng ra sức cào bới, cái lỗ thủng lớn dần. Đã nghe tiếng cuốc phầm phập và tiếng người lao xao. Thì ra, do xác định được vị trí hầm nên đồng đội đã tìm ra chúng tôi. Bốn chúng tôi lần lượt được đưa lên. Tuấn đã tắt thở. Ngực em trúng mảnh bom vỡ toác. Ba chúng tôi đều ngất lịm, da tím tái. Hoạt chỉ còn thoi thóp. Tôi và Vị máu me đầy mình. Đó là máu của Tuấn.

truong son ngay ay

Thắm tình đồng đội

Tuấn ơi! Em đã đẩy anh xuống hầm trước nên em đã dính bom! Tuấn là trai Hà Nội, trắng trẻo, đẹp trai, ăn nói có duyên. Đã có nhiều cô thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến thầm yêu Tuấn. Em đã học xong lớp 10, hy vọng hết chiến tranh sẽ về thi vào Đại học Bách khoa. Tuy em là liên lạc tiểu đoàn, tôi ở đại đội nhưng cùng hoàn cảnh nên em thường tâm sự với tôi và anh em rất thương nhau. Kiếm được điếu thuốc hay ấm trà ở tiểu đoàn, Tuấn thường mang cho tôi. Giờ em nằm đó, tôi không cầm lòng được, bật khóc như một đứa trẻ.

Sau một lúc choáng váng, chúng tôi dần dần tỉnh lại và cùng anh em đi cứu thương. Cảnh tan hoang đập vào mắt tôi. Một loạt bom sát thương đã đánh trúng khu vực đơn vị chốt giữ.

Ngoài Tuấn ra còn có Hương nuôi quân, Thuận y tá, Bảng, Long và 5 dân công hỏa tuyến hy sinh. Hầm hố bị vùi lấp, hố bom chồng chất. Xác các em gái dân công không còn nguyên vẹn vì các em không kịp xuống hầm, từng mảng thịt còn rỉ máu vung vãi lẫn trong đất đá cùng những mảnh vải nát vụn. Tiếng con gái khóc như rên rỉ. Tiếng gọi nhau í ới. Chúng tôi ai nấy mắt đỏ hoe, kiên nhẫn nhặt nhạnh, cố không để sót tý nào di hài các em và chia đều trên những tấm ni-lông. Những cô gái mười tám, đôi mươi trạc tuổi Tuấn, sáng nay còn đùa vui nhí nhảnh, vậy mà, giờ chỉ còn lại thế này đây. Vì các em mới được tăng cường về đơn vị nên chúng tôi cũng chưa kịp làm quen, chưa biết tên, chỉ biết các em đều cùng quê Hà Tĩnh.

Rồi chúng tôi tiếp tục đi cấp cứu đơn vị bạn: 3 chiếc xe tăng trên đường hành quân chẳng may dính bom na-pan cháy rụi, chỉ còn trơ khung sắt. Chúng tôi phải dùng xà beng cạy cửa để đưa thi thể các anh ra. Đến nay, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh người chiến sỹ lái xe tăng mặc dù bị cháy chỉ còn xương vẫn ngồi thẳng trong ca bin như đang cầm vô lăng hướng ra tiền tuyến. Đưa các anh về tuyến sau, chúng tôi không cầm được nước mắt.

Kết thúc chiến dịch 1972, một phần tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Đơn vị chúng tôi chuyển vào phía trong. Sau 1975, tôi bị thương và được ra quân. Vị, Hoạt và nhiều anh em trong đơn vị cũng được ra quân, người xuất ngũ, người chuyển ngành.

Cuộc mưu sinh vất vả của người lính sau chiến tranh, chúng tôi chưa có dịp thăm lại chiến trường xưa, cũng chưa có dịp ghé thăm quê Tuấn, Hương, Thuận, Bảng... cùng nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Không biết gia đình đã đưa các anh về quê hay còn ở lại đất Quảng Trị một thời máu lửa? Nỗi nhớ thương các anh hằng đêm vẫn hiện lên xa xót.

*

Sau thời gian hội ngộ và mừng thọ bác Tâm, cùng nhau ôn lại kỷ niệm Trường Sơn, chúng tôi bùi ngùi, lưu luyến chia tay, không ai bảo ai đều lặng im tưởng nhớ những đồng đội thân thương đã ngã xuống chiến trường. Giờ này, các anh, các chị, các em đang ở đâu trong lòng đất Mẹ?

Quảng Trị 1972

(Thị trấn Nghèn, Can Lộc)

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast