Việc chữa trị cho "cụ" Rùa có thể kéo dài cả năm

"Nếu bệnh tình của cụ nặng, chẳng hạn viêm loét đến xương, việc chữa trị có thể kéo dài cả năm trời", ông Lê Xuân Rao - Phó Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa hồ Gươm, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết.

- Sáng nay cuộc họp tại UBND thành phố đã chốt phương án đưa “cụ rùa” lên chân tháp Rùa chữa trị. Ông có thể nói cụ thể hơn về phương án này?

Sau khi thông qua ý kiến của nhiều nhà khoa học về các phương án khác nhau, cuối cùng chúng tôi thống nhất đưa "cụ" rùa lên bờ để chữa bệnh, vì chỉ giải pháp đó mới giúp điều trị hiệu quả nhất khi "cụ" bị các vết thương nặng như hiện nay. Về việc chuyển “cụ" rùa về đâu để chữa trị, chúng tôi đã bàn đến hai phương án và phân tích các ưu nhược điểm rõ ràng, sau đó mới đi đến thống nhất.

Một là đưa cụ đi xa ra khỏi hồ Gươm. Phương án này có thuận lợi là tránh gây ồn và ảnh hưởng của sự tò mò của người dân, điều kiện chăm sóc sức khỏe, hội chẩn cho “cụ" rùa cũng có nhiều thuận lợi, nhưng lại có thể xảy ra rủi ro trong quá trình vận chuyển và việc chọn nguồn nước thích hợp với “cụ" rùa cũng không phải dễ dàng.

Hai là đưa “cụ” lên ao nổi được thiết kế ngay trong hồ Gươm. Hệ thống ao nổi này phải được thiết kế khoa học như có phần bãi cát để rùa lên phơi nắng, khi nào cần tiếp xúc trực tiếp để chữa trị thì có hệ thống bơm nước ra, tiếp xúc xong lại có thể bơm nước vào để có môi trường tự nhiên. Nhược điểm là với diện tích lớn như vậy, thời gian thiết kế bể sẽ rất lâu trong khi bệnh tình của "cụ" rùa đang trầm trọng.

Yêu cầu đặt ra là phải tìm được giải pháp khẩn cấp, khả thi trong thời gian nhanh nhất. Cuối cùng chúng tôi đi đến kết luận là sẽ đưa "cụ" lên chữa trị tại hồ trên chân tháp Rùa. Tháp Rùa có phần gò nổi nên không phải chuẩn bị phần ao nổi mất thời gian. Với kết luận này, chúng tôi đã tính đến phương án phần nước cho "cụ" xuống trong quá trình chữa chạy và thống nhất làm một hệ thống bể nhỏ hơn thiết kế ao nổi đã được đưa ra.

Ông Lê Xuân Rao trao đổi về cuộc họp sáng nay

Ông Lê Xuân Rao trao đổi về cuộc họp sáng nay

- Việc đưa “cụ" rùa lên bờ bằng cách nào cũng là vấn đề gây tranh cãi trong thời gian qua. Ban chỉ đạo đã bàn và thống nhất được phương án này chưa?

Chúng tôi đã bàn luận rất kỹ và rất nhiều chuyên gia nước ngoài cũng lưu ý đến vấn đề này. Về vấn đề đưa lên như thế nào, các thiết bị đưa "cụ" lên phải đảm bảo không gây sốc. Đối với các vật nuôi hay khai thác thương mại, có thể đưa lên bờ theo phương pháp bình thường như đánh bắt, dùng lưới kéo… Nhưng với cá thể đặc biệt như “cụ" rùa thì cách này có thể bị lộn ngửa, xây xước, va đập..., ảnh hưởng đến tính mạng “cụ”.

Hiện chúng tôi tính đến hai phương án. Thứ nhất là tạo lối tự nhiên cho rùa lên phơi nắng trên chân tháp, sau đó thiết kế bẫy sẵn để giữ "cụ" lại, nhưng vì là giải pháp tự nhiên nên chưa biết khi nào cụ mới lên, có thể một tuần hay hàng tháng. Thứ hai là chủ động bắt đưa lên. Khi phát hiện "cụ" rùa nổi, sẽ có thiết bị đón sẵn ở các khu vực trong hồ, thiết bị này sẽ đảm bảo không gây sốc.

Để đảm bảo đưa được "cụ" rùa lên nơi điều trị một cách sớm nhất, chúng tôi tiến hành song song hai phương án trên: bẫy tự nhiên và chủ động bắt đưa lên.

- Các thiết bị dùng để đưa “cụ" rùa lên tháp Rùa chữa trị hiện đã được chuẩn bị đến đâu, thưa ông?

Về thiết bị chủ động bắt đưa lên, chúng tôi đã tiến hành thiết kế rồi, sẽ xử lý, điều chỉnh lại. Còn bẫy dựng sẵn tại tháp Rùa để giữ "cụ" lại theo phương án thứ nhất thì sáng nay mới đưa ra bàn nên Ban chỉ đạo chúng tôi sẽ cho tiến hành ngay từ hôm nay.

Ông Rao đang giới thiệu về chiếc bể sẽ đặt dưới chân tháp Rùa tạo môi trường nước tự nhiên trong thời gian chữa cho "cụ rùa" do Sở thiết kế.

Ông Rao đang giới thiệu về chiếc bể sẽ đặt dưới chân tháp Rùa tạo môi trường nước tự nhiên trong thời gian chữa cho "cụ rùa" do Sở thiết kế.

- Phương án cứu “cụ" rùa đã được chốt, hiện Ban chỉ đạo còn điều gì băn khoăn trước khi chính thức tiến hành chữa trị cho cụ hay không?

Chúng tôi chỉ băn khoăn ở khâu chữa trị cho “cụ”. Vừa qua các nhà khoa học ở khắp ba miền cũng góp rất nhiều ý kiến. Nhưng chưa đưa được "cụ" lên, chưa tiến hành xét nghiệm cụ thể để biết "cụ" mắc bệnh gì nên vẫn còn lo lắng. Chúng tôi cũng xác định để rút ngắn thời gian chữa chạy thì nên đưa ra phương án trước để chủ động, nếu các vết thương của "cụ" là do virus, vi khuẩn thì đã có cách điều trị dự phòng rồi.

Một băn khoăn nữa là người dân đang rất nôn nóng, muốn quá trình chữa trị cho "cụ" phải thật nhanh. Nhưng theo kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài, công việc này có thể diễn ra lâu hơn dự kiến. Có thể chữa trong ba tháng. Nếu bệnh tình của cụ nặng, chẳng hạn viêm loét đến xương thì có thể kéo dài cả năm trời. Thời gian cụ thể như thế nào thì phải đợi đưa cụ lên làm xét nghiệm bệnh tình mới trả lời được.

- Hiện Ban chỉ đạo đã dự kiến những thành phần nào sẽ tham ra cứu chữa "cụ" rùa hay chưa?

Về các chuyên gia trong nước thì chúng tôi đã có bản danh sách đề xuất, dự kiến là có các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học Việt Nam, một số trường đại học lớn... Chúng tôi cũng nắm được thông tin đầy đủ về khả năng, kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài. Ngoài ra, các chuyên gia của vườn thú Cleveland Metroparks ở Mỹ, công viên Ocean Park ở Hong Kong đã gửi tài liệu về kinh nghiệm chữa chạy rất cụ thể của họ cho chúng tôi. Họ đã trải nghiệm qua thực tế. Việc mời các chuyên gia này, chúng tôi cũng đã đề xuất danh sách.

Sau khi có quyết định thành lập nhóm chữa trị, chúng tôi sẽ cho triển khai ngay. Việc thành lập cũng được tiến hành song song với quá trình đưa "cụ" lên bờ chứ không phải đợi đưa "cụ" lên bờ xong mới làm.

- Còn các công việc khác để cải tạo môi trường hồ sẽ được tiến hành như thế nào?

Chúng tôi xác định công việc ưu tiên hiện nay là chữa trị cho “cụ" rùa. Khi đã đưa được “cụ” lên để chữa trị thì trong lòng hồ không còn rùa quý nữa, công việc nạo vét, cải tạo hồ sẽ dễ dàng hơn. Có thể sẽ tiếp tục nạo vét lòng hồ bằng công nghệ Đức như trước đây chúng ta từng làm. Còn việc thu dọn các chướng ngại vật quanh hồ thì UBND thành phố đã giao cho Sở xây dựng và Công ty thoát nước một thành viên triển khai bằng phương pháp thủ công. Hệ thống cấp thoát nước mới đã quyết định sẽ làm dưới chân cầu Thê Húc. Lượng nước bổ sung vào lòng hồ cũng đã giao cho các đơn vị tính toán cụ thể, chi tiết, Công ty thoát nước một thành viên sẽ có nhiệm vụ triển khai. Từ nay đến đầu tháng ba sẽ hoàn thành công việc này.

- Hiện vẫn có nghi vấn về việc xác định loài của rùa Hoàn Kiếm, về việc dưới lòng hồ có một hay hai “cụ" rùa, Ban chỉ đạo có định giải đáp nghi vấn này để tránh những tranh luận không cần thiết?

Hiện nay, điều chúng tôi cũng như người dân quan tâm nhất là tình trạng sức khỏe của "cụ" rùa. Việc chữa trị là khẩn cấp nên chúng tôi vẫn chưa nêu ra những vấn đề trên. Nhưng sau khi đưa được “cụ" rùa lên chân tháp để chữa trị rồi thì việc xác định xem có một hay hai cá thể tôi nghĩ là có thể tiến hành, kể cả việc nạo vét lòng hồ một cách triệt để. Cá nhân tôi nghĩ là cũng nên làm để có thông tin thêm, biết chính xác có còn cá thể nào khác ở đó hay không, chứ hiện nay tất cả các thông tin đều mang tình phỏng đoán.

Theo Baodatviet.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast