Vô tâm cũng là tội ác

Cái chết tức tưởi của cặp song thai là nỗi đau xé lòng của người mẹ trẻ Dương Thị Nguyệt, trú xóm 7, xã Kỳ Bắc, Kỳ Anh và cả gia đình. Có nỗi đau nào hơn khi những sinh linh bé bỏng được người mẹ che chắn trong cơ thể suốt 9 tháng 10 ngày chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã vĩnh viễn không được làm người. Và, nỗi đau chất chứa thêm nhiều xót xa vì chị Nguyệt và gia đình đều cho rằng nguyên nhân do sự tắc trách của nữ hộ sinh khi bận đánh bóng chuyền mà “quên” thai phụ đang ngồi chờ...Có những khi, vô tâm cũng là tội ác.

Nỗi đau xót xa

9 tháng đợi chờ, thai nhi trong bụng người mẹ trẻ Dương Thị Nguyệt lớn dần lên với biết bao ấp yêu, hy vọng. Những ngày chị gần sinh là những ngày háo hức, chờ mong nhất của gia đình. Đặc biệt, đó là song thai con trai và kết quả thăm khám cho thấy chúng rất khoẻ mạnh. Anh Phan Văn Tiến - chồng chị suốt ngày quẩn quanh bên vợ, thỉnh thoảng lại ghé tai vào bụng vợ để nghe “2 thằng cu” quẫy đạp. Thế nhưng, tất cả niềm hạnh phuc chờ mong bỗng chốc biến thành nỗi đau xé lòng trong buổi chiều định mệnh. Hai đứa bé vĩnh viến không được thấy ánh sáng mặt trời, không được bú dòng sữa mát lành của mẹ, hít thở không khí vì đã tử vong khi chưa kịp cất tiếng khóc chào đời.

Phòng khám ĐK Bắc Kỳ Anh - nơi diễn ra "trận bóng chuyền vô tâm và bất nhẫn"
Phòng khám ĐK Bắc Kỳ Anh - nơi diễn ra "trận bóng chuyền vô tâm và bất nhẫn"

Khoảng hơn 17h 30 phút, chiều 3/11, cảm thấy đau bụng liên tục, biết rằng đã đến thời điểm chuyển dạ, chị Dương Thị Nguyệt đến Phòng khám ĐK Bắc Kỳ Anh để thăm khám. Vào ngày nghỉ (thứ 7) nên khi gặp Y sỹ Trần Thị Nguyệt (nữ hộ sinh, phụ trách chuyên khoa sản) của phòng khám đang đánh bóng chuyền tại sân bóng của bệnh viện, chị Nguyệt cảm thấy an lòng. Tuy nhiên, Y sỹ Nguyệt bảo thai phụ Dương Thị Nguyệt chờ chị chơi xong trận bóng chuyền sẽ khám cho. Nén đau ngồi chờ, mãi một lúc sau không thể chịu được chị Nguyệt gọi Y sỹ Nguyệt thì vẫn là câu trả lời: “chờ tí đã”. Đến khoảng 18h20, trận bóng chuyền “vô tâm” kia mới xong, thai phụ Nguyệt mới được thăm khám.

Sau khi thăm khám, nữ hộ sinh Trần Thị Nguyệt thông báo cho chị Nguyệt và gia đình: cổ tử cung đã mở 3 cm, phải chuyển lên bệnh viện tỉnh hoặc vào bệnh viện DK Kỳ Anh. Có thể đi bằng xe máy. Không có gì đáng lo.

Mặc dù nghe Y sỹ Nguyệt nói thế nhưng gia đình thai phụ Dương Thị Nguyệt vẫn không an lòng. Ngay lập tức, chồng chị vội thuê xe ô tô chở chị chạy thẳng vào Bệnh viện ĐK Kỳ Anh. Đến nơi, chị Nguyệt được các bác sỹ đưa ngay vào phòng cấp cứu, thăm khám và thực hiện các thủ thuật chuẩn bị sinh nở. Thế nhưng, tất cả đã quá muộn. Kết quả siêu âm: “tim thai âm tính”, thai nhi đã chết trước khi chào đời. Trời đất như sập xuống. Chị Nguyệt lã đi trong tay chồng. Anh Tiến khuôn mặt thẫn thờ, tím tái. Tất cả đều không thể tin được sự thật phũ phàng, hy vọng mình nghe nhầm thông tin từ bác sỹ.

Vô tâm

Ngày 15/11, mặc dù sự việc đã xẩy ra gần 2 tuần nhưng không khí u ám, buồn thảm vẫn bao trùm lên căn nhà vợ chồng anh Tiến, chị Nguyệt. Chị Nguyệt vẫn chưa thể gượng dậy được sau cú sốc kinh hoàng. Khuôn mặt u uất đầm đìa nước măt, thỉnh thoảng lại thất thần gọi: con tôi! và hỏi: tại sao? Tại sao? Không ai có được câu trả lời cho người mẹ mất con, nhất là ở một vùng quê nghèo, người dân ít hiểu biết về sức khoẻ sinh sản. Anh Phan Văn Tiến thẫn thờ: “Tôi mới đưa vợ đi siêu âm vào cuối tháng 10, 2 thằng khoẻ mạnh, sao có thể như thế được. Nếu nữ hộ sinh Nguyệt thăm khám sớm hơn, cho chuyển viện sớm hơn thì hai đứa con tôi đã không chết”.

Bà Nguyễn Thị Huế - ở xóm 7 xã Kỳ bắc cho biết: Khoảng 5h chiều tôi đến Phòng khám thì thấy nó (thai phụ) ngồi ở bậc tam cấp, lúc này nữ hộ sinh đang đánh bóng. Tôi có hỏi: Con đi mô đó thì nó trả lời là ngồi đợi Y sỹ Nguyệt khám. Đến khoảng 5h30, lúc này trời đã nhá nhem tối, tôi ra về thì vẫn thấy con Nguyệt ngồi đợi ở bậc thềm và nữ hộ sinh vẫn đánh bóng chuyền chưa xong.

Y tá trưởng Phùng Thị Thuỷ xác nhận, buổi chiều đó có thấy thai phụ Nguyệt ngồi ở bậc tam cấp. Do là người làng nên tôi có hỏi thăm thì nghe Nguyệt nói đến khám thai để sinh, đang chờ nữ hộ sinh. Lúc này nữ hộ sinh vẫn đang đánh bóng chuyền. Chỉ sau khi chị Trần Thị Nguyệt đánh bóng chuyến xong mới thực hiện việc thăm khám cho thai phụ và chị Dương Thị Nguyệt về nhà, chuyển viện.

Ông nội 2 cháu bé xấu số bày tỏ bức xúc với phóng viên
Ông nội 2 cháu bé xấu số bày tỏ bức xúc với phóng viên

Bất nhẫn trước thực tế nữ hộ sinh “bận đánh bóng chuyền” mặc cho thai phụ ngồi chờ để rồi hậu quả đau lòng xảy ra, gia đình chị Nguyệt và người dân mong chờ một câu trả lời từ những người có trách nhiệm. Thế nhưng, mãi cho đến ngày 15-11, mọi việc vẫn nằm trong bóng tối. Một sự im lặng vô tâm, vô cảm!

Đặc biệt, rất nhiều người tỏ thái độ bất bình, thiếu tin tưởng về tác phong, thái độ làm việc và trình độ chuyên môn của y sỹ Trần Thị Nguyệt. Người đân đã cung cấp cho chúng tôi về một số vụ việc đáng tiếc do sự tắc trách của nữ hộ sinh Trần Thị Nguyệt. Điển hình là trong tháng 3/2012, chị Nguyễn Thị Hoà vợ của anh Hoàng Mạnh Dũng khi đến sinh ở Phòng khám ĐK bắc Kỳ Anh, do sự tiên liệu thiếu chính xác của nữ hộ sinh Trần Thị Nguyệt đã dẫn đến cháu bé bị tử vong.

Sai sót của nữ hộ sinh

Sự việc đau lòng xảy ra, mãi đến ngày 12/11, Phòng khám ĐK Bắc Kỳ Anh mới chính thức có cuộc họp để “rút kinh nghiệm”. Trớ trêu thay, trong biên bản cuộc họp, bản kiểm điểm của Phòng khám lại ghi rằng: “Hậu quả xảy ra không biết thuộc về ai” dù “phòng sản để riêng y sỹ Nguyệt quản lý nên khi bệnh nhân đến đã không có phòng để khám kịp thời”. Và, trước cái chết của 2 trẻ sơ sinh chỉ là “Phòng khám sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm”.

Trong 2 bản tường trình của Y sỹ Trần Thị Nguyệt, mặc dù nội dung có nhiều mâu thuẫn về mặt thời gian và thủ tục, trình tự thăm khám (để chứng minh cho sự vô can trước cái chết của song thai con chị Dương Thị Nguyệt) thì nữ hộ sinh này cũng thừa nhận một sự thật khách quan là: có biết thai phụ đến kêu đau bụng nhưng nghĩ rằng chưa cấp thiết nên chơi bóng chuyền xong mới vào thăm khám.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Xuân Liễu – Giám đốc Bệnh viện Kỳ Anh, đơn vị quản lý Phòng khám Bắc Kỳ Anh cho biết: Không thể xác định được nguyên nhân tử vong vì thai nhi đã chết trước khi vào Bệnh viện ĐK Kỳ Anh. Tuy nhiên, bà Liễu cũng khẳng định rằng, việc thăm khám ban đầu của nữ hộ sinh Trần Thị Nguyệt cho thai phụ đã có nhiều thiếu sót. Lẽ ra, dù trực hay không trực thì khi thai phụ đến đó, với trách nhiệm của y sỹ phụ trách chuyên khoa sản của Phòng khám, chị Trần Thị Nguyệt phải trực tiếp kiểm tra ngay chứ không thể bắt bệnh nhân chờ đợi như thế. Hơn nữa, khi thăm khám, Y sỹ Nguyệt đã không tiên liệu tốt tình trạng của thai phụ để đưa ra những tư vấn cụ thể, thiết thực và an toàn. Điều đáng nói nữa là khi thăm khám, chị Nguyệt đã không kiểm tra tim thai nên khi sự việc xảy ra, không thể xác định được nguyên nhân và thời gian tử vong của thai nhi. (Đây là một vấn đề ngạy cảm, nhiều nghi vấn vì không lẽ một Y sỹ, nữ hộ sinh phụ trách chuyên khoa sản mà chị Trần Thị Nguyệt lại có thể “quên” biện pháp tối thiểu này. Hay khi sự việc xảy ra, chị Nguyệt đã không báo cáo đầy đủ để lấp liếm thời gian, chối bỏ trách nhiệm?!)

Bệnh viện ĐK Kỳ Anh cũng vừa mới có cuộc làm việc với Ban giám đốc Phòng khám ĐK Bắc Kỳ Anh và Y sỹ Trần Thị Nguyệt, thống nhất hình thức xử lý. “Đau nhưng phải cắt, sẽ thuyên chuyển Y sỹ Nguyệt vào làm việc tại khoa sản của Bệnh viện ĐK Kỳ Anh và…đào tạo lại. Bệnh viện sẽ hạ bậc Đảng viên, xếp loại thi đua và cảnh cáo chị Trần Thị Nguyệt trước toàn đơn vị” – Giám đốc Bệnh viện Phan Thị Xuân Liễu thông tin. Bà Liễu cũng thừa nhận: nữ hộ sinh Trần Thị Nguyệt non về chuyên môn, làm việc chưa thực sự nghiêm túc, thiếu tinh thần trách nhiệm, chủ quan. Vào tháng 3/2011, chị Nguyệt đã bị kiểm điểm, hạ bậc xếp hạng thi đua vì có liên quan đến vụ tai biến sản khoa khiến thai nhi con của sản phụ Nguyễn Thị Hoà tử vong.

Lời kết

Phòng khám ĐK Bắc Kỳ Anh quản lý tới 8 xã Bắc Kỳ Anh nhưng chỉ có một người y sỹ khoa sản với trình độ chuyên môn kém, thái độ làm việc tắc trách, vô cảm như thế thì không biết hàng vạn người dân phải trông cậy vào đâu khi sinh nở? Có thể, nguyên nhân dẫn đến cái chết đau thương của cặp song thai con chị Nguyệt, anh Tiến không hoàn toàn do lỗi của Y sỹ Nguyệt nhưng ai dám chắc những sự việc đau lòng sẽ không tiếp tục xảy ra. Liệu có ai đủ niềm tin để trao tính mạng mnh và những đứa con vào tay nữ hộ sinh này?. “Đau nhưng phải cắt”, liệu việc thuyên chuyển Y sỹ Nguyệt “đau” lắm không trước nỗi đau mất con của những người làm cha, làm mẹ như anh Tiến, chị Nguyệt?. Có nỗi đau nào dai dẵng, ám ảnh hơn khi phải chứng kiến những đứa bé đã mất khi chưa kịp cất tiếng khóc chào đời không? Câu hỏi đó xin chuyển đến Sở Y tế và các ngành chức năng. Dư luận cần một thông tin chính thức về trách nhiệm của Y sỹ Trần Thị Nguyệt và các hình thức xử lý thoả đáng. Xn đừng để sự vô tâm trở thành tội ác.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast