Vun trồng thế hệ tương lai

(Baohatinh.vn) - Sinh thời, Bác Hồ từng nhắn nhủ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”...

Bác còn căn dặn các nhà giáo dục rằng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Những câu nói của Bác thể hiện tầm nhìn sâu rộng, niềm tin lớn lao vào thế hệ trẻ của đất nước. Ai cũng biết và thuộc lòng câu nói này, nhưng hiện thực hóa bằng hành động cụ thể thì không phải ai cũng muốn làm, hoặc có cơ hội để làm.

Trẻ em hôm nay – thế giới ngày mai. Ảnh: Giang Nam
Trẻ em hôm nay – thế giới ngày mai. Ảnh: Giang Nam

Từ lời dạy của Người

Bác Hồ luôn dành những tình cảm yêu thương bao la cho các cháu thiếu nhi. Đặc biệt, Người luôn quan tâm chăm lo giáo dục các cháu trở thành con ngoan, trò giỏi. Mỗi dịp khai trường hay Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi, Bác thường có thư gửi các cháu rất ân cần, trìu mến. Người dạy thiếu niên, nhi đồng phải: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Người cũng căn dặn người lớn (trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo…) phải quan tâm chăm sóc, giáo dục các em; phải luôn nhớ nhiệm vụ của mình đối với việc chăm sóc thiếu nhi, phải là tấm gương cho trẻ noi theo, phải “khéo giáo dục để mai sau nhi đồng trở thành người công dân có tài, có đức”. Người yêu cầu “đừng dạy các em thành những ông cụ non…; phải làm sao cho trẻ có kỷ luật nhưng vẫn vui vẻ, hoạt bát chứ không phải khúm núm đặt đâu ngồi đấy”…

Cần tạo điều kiện để trẻ được phát triển một cách toàn diện. Ảnh: Sỹ Ngọ
Cần tạo điều kiện để trẻ được phát triển một cách toàn diện. Ảnh: Sỹ Ngọ

Bác coi thiếu nhi là người chủ tương lai của nước nhà cho nên phải sớm rèn luyện đạo đức cách mạng cho các cháu. Ba tháng trước lúc đi xa, nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6/1969, Bác viết bài trên Báo Nhân dân khẳng định “chăm sóc và giáo dục các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ” và kêu gọi “Vì tương lai con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc, giáo dục các cháu bé cho tốt”. Đặc biệt, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Những lời dạy của Người đối với công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng là cẩm nang vô giá mà mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải luôn ghi nhớ và thực hiện thật tốt. Đó chính là cách vun đắp cho tương lai của đất nước, của dân tộc phát triển bền vững đến muôn đời.

Toàn xã hội chung tay

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chăm lo việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, coi đó là vấn đề then chốt trong chiến lược con người. Hơn 20 năm qua, tháng 6 hằng năm - Tháng hành động vì trẻ em đã trở thành tháng tập trung cao điểm, với những hoạt động phong phú, thiết thực và bổ ích cho tất cả trẻ em. Tháng hành động vì trẻ em năm nay được triển khai từ trung ương đến cơ sở với chủ đề “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”. Ðiều đó càng có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới mà mọi tầng lớp đang phải chịu hậu quả trực tiếp. Dễ thấy nhất trong cuộc sống chính là người nghèo, trẻ em nghèo, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa.

"Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Ảnh: P.V
"Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Ảnh: P.V

Bà Lê Thị Mai Hoa – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Năm nay, Hà Tĩnh được trung ương chọn là địa phương tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em. Hiện nay, mọi công tác chuẩn bị cho lễ phát động đã hoàn tất. Qua lễ phát động, chúng tôi mong muốn thu hút sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, gia đình và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng và các mục tiêu cần đạt được của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em cũng như phòng ngừa, hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Vận động xã hội nhằm cải thiện điều kiện sống, tạo cơ hội để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện; tạo điều kiện để mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có một kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh”.

Giờ học ngoài trường của Trường MN 1 (TP. Hà Tĩnh) Ảnh: Ngọc Trang
Giờ học ngoài trường của Trường MN 1 (TP. Hà Tĩnh) Ảnh: Ngọc Trang

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, mỗi người hãy cùng chung tay, góp sức cùng Ðảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, đoàn thể, mang lại những gì tốt đẹp nhất cho thế hệ tương lai. Toàn xã hội hãy mang đến cho trẻ em nói chung, trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng tình thương yêu, sự đùm bọc, chăm sóc bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Hãy giúp các em vượt qua nghèo đói, bệnh tật; giúp các em đến trường, bảo vệ các em trước sự xâm hại, ngược đãi, trước cạm bẫy của tệ nạn xã hội... Bên cạnh chú trọng việc xây dựng nhiều mô hình gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, việc tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi của trẻ em, để các em được học tập, vui chơi càng phải được quan tâm nhiều hơn nữa.

Vì trẻ em là tương lai của đất nước, là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nên xã hội cần ưu tiên cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em để sớm đạt được sự phát triển bền vững. Bình đẳng xã hội, ưu tiên bảo vệ và phát triển trẻ em cần trở thành mối quan tâm thường trực trong việc hoạch định các chính sách KT-XH. Các nguồn lực của Nhà nước, của xã hội, các nguồn hỗ trợ phát triển từ bên ngoài cần được cân nhắc, ưu tiên một cách hợp lý cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast