Xây dựng văn hóa gia đình

(Baohatinh.vn) - Gia đình là tế bào của xã hội, văn hóa gia đình (VHGĐ) cũng chính là một phần quan trọng hình thành nên văn hóa xã hội. VHGĐ luôn được coi là hạt nhân cơ bản, là cội rễ để xây dựng nên các giá trị văn hóa làng xã.

Khi nói về vai trò của gia đình trong mối tương quan với xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Xây dựng văn hóa gia đình ảnh 1

Gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, góp phần tạo nên xã hội văn minh, đất nước mạnh giàu.

Điều đó cũng được khẳng định trong nội dung Nghị quyết T.Ư 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong đó nhấn mạnh, xây dựng VHGĐ là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng môi trường văn hóa, con người văn hóa.

Muốn xây dựng một xã hội văn minh phải bắt đầu từ công việc xây dựng nền nếp VHGĐ mà ông cha ta thường gọi là gia phong. VHGĐ là hệ thống giá trị bao gồm đạo đức, lối sống, kỷ cương, cung cách ứng xử và những truyền thống được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. VHGĐ là nét đẹp của đời sống gia đình. Đấy là những yếu tố làm nên sự gắn kết bền vững giữa các thành viên trong gia đình và họ hàng, gia tộc.

Các bậc làm cha, làm mẹ luôn thương yêu và hết lòng vì con cái, quan tâm dạy dỗ và xứng đáng là tấm gương sáng về tình nghĩa vợ chồng, tư cách đạo đức, về lao động, sáng tạo cho con cái noi theo. Ngược lại, phận cháu con luôn biết tỏ bày lòng kính trọng, hiếu thảo để đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của ông bà, cha mẹ... VHGĐ chính là cái “gốc” để xây dựng văn hóa làng xã, văn hóa đất nước.

VHGĐ là điều kiện đầu tiên để hình thành nên gia đình văn hóa. Muốn có một gia đình văn hóa thì trước hết phải có một nền tảng VHGĐ tốt. Thông tư của Bộ VH-TT&DL quy định về tiêu chuẩn để bình xét gia đình văn hóa: thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước; no ấm, hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; vợ chồng yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, không có bạo lực, cùng nhau có trách nhiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan; ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo…

Thông tư của Bộ VH-TT&DL cũng quy định về tiêu chuẩn để bình xét làng văn hóa, nếu trong một làng hoặc phố có 80% số hộ đạt gia đình văn hóa, thì UBND địa phương có thể công nhận làng văn hóa hoặc phố văn hóa. Như vậy, gia đình văn hóa chính là hạt nhân để xây dựng làng, cơ quan văn hóa... VHGĐ sẽ là cội rễ kiến tạo nên những giá trị văn hóa làng, xã, cơ quan, đơn vị.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt, đó là gia đình (nhà), làng và nước. Ngày nay, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình”. Để giữ gìn các giá trị chuẩn mực VHGĐ Việt Nam trong giai đoạn phát triển KT-XH hiện nay, mỗi con người Việt Nam cần ý thức rằng, xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ là việc riêng của mỗi nhà mà còn là trách nhiệm của cả xã hội; gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, góp phần tạo nên một xã hội văn minh, một đất nước mạnh giàu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast