Xu hướng báo chí thế giới 2015: 2,7 tỷ người vẫn đọc báo giấy

Khoảng 2,7 tỷ người trưởng thành trên thế giới hiện nay vẫn đang đọc báo giấy, chiếm tới một nửa dân số người trưởng thành toàn cầu.

Bên cạnh đó, có khoảng 800 triệu người truy cập vào các nội dung báo chí điện tử, tức là chiếm gần một nửa tổng lượng người sử dụng Internet. Chưa bao giờ số lượng độc giả báo chí lại lớn đến như vậy.

Xu hướng báo chí thế giới 2015: 2,7 tỷ người vẫn đọc báo giấy ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Báo chí, bao gồm cả báo in và báo điện tử - đạt doanh thu hàng năm gần 180 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với công nghiệp xuất bản sách, sản xuất âm nhạc và phim ảnh.

Báo cáo Xu hướng Báo chí Thế giới 2015, kim chỉ nam đầy đủ về ngành công nghiệp báo chí toàn cầu do Hiệp hội Báo chí và các nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA) phát hành và công bố hôm thứ Hai vừa qua tại Triển lãm xuất bản thế giới ở Hamburg, Đức đã đề cập đến một vài thực tế bất ngờ về tình hình báo chí hiện nay, cũng như các số liệu và xu hướng quan trọng định hình nên ngành công nghiệp tin tức truyền thông hiện tại.

Thứ Hai vừa qua, WAN-IFRA cũng đã giới thiệu giao diện mới cho Cơ sở dữ liệu Xu hướng báo chí thế giới của mình, bao gồm những hình ảnh tương tác, cung cấp nhiều thông tin hơn và dễ sử dụng hơn.

Điều phối viên của dự án Xu hướng Báo chí Thế giới tại WAN-IFRA, ông Teemu Henriksson cho biết: “Rất nhiều hiểu biết về ngành báo chí là dựa trên những phỏng đoán và giai thoại, và thường chỉ là một phần của toàn cảnh, thậm chí sai lệch hoàn toàn. Với Xu hướng Báo chí Thế giới, chúng tôi cung cấp cái nhìn phản biện về những gì đang thật sự diễn ra, với số liệu làm bằng chứng.”

Bản báo cáo bao gồm các số liệu về doanh thu từ lưu thông, lượng độc giả, quảng cáo và các xu hướng xuất bản tin tức điện tử tại hơn 70 quốc gia, đại diện cho hơn 90% ngành công nghiệp báo chí toàn cầu.

Báo cáo được hoàn thiện nhờ sự cộng tác của hàng chục hiệp hội báo chí và truyền thông tin tức quốc gia, cũng như nhờ các đơn vị cung cấp các số liệu toàn cầu, bao gồm Zenith Optimedia, IPSOS, ComScore, Pew Research Center, RAM và ITU.

Một số kết quả trích từ báo cáo:

- Lần đầu tiên trong thế kỷ này, lượng phát hành báo chí đã vượt qua quảng cáo để trở thành nguồn doanh thu lớn nhất của các nhà xuất bản. Doanh thu từ lưu thông báo in và báo điện tử toàn cầu đạt tổng cộng 92 tỷ USD hồi năm ngoái, trong khi doanh thu từ quảng cáo chỉ đạt 86 tỷ USD. Đây là một sự chuyển dịch mạnh mẽ từ mô hình doanh nghiệp-tới-doanh nghiệp (hay nhà xuất bản tới nhà quảng cáo) sang mô hình doanh nghiệp-tới-người tiêu dùng (hay nhà xuất bản tới độc giả).

- Sáu thị trường báo chí lớn nhất thế giới lần lượt là Mỹ (37 tỷ USD), Nhật Bản (18 tỷ USD), Đức (16 tỷ USD), Trung Quốc (14 tỷ USD), Anh (8 tỷ USD) và Ấn Độ (7 tỷ USD).

- Trái ngược với quan niệm truyền thống, những người trẻ tuổi vẫn đang tích cực theo dõi tin tức hàng ngày. Cứ 10 người thuộc Thế hệ thiên niên kỷ (Millenials) thì có 7 người xem tin tức hàng ngày. 40% trong số họ có thể trả tiền cho ít nhất một ứng dụng chuyên để theo dõi tin tức, hay phí đọc báo điện tử, và 16% đặt mua báo in. Tuy nhiên, nguồn cung cấp thông tin hàng đầu với hơn một nửa các chủ đề tin tức hiện thời cho độc giả lứa tuổi này chính là Facebook.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast