Xung quanh bài toán về môi trường chăn nuôi nông thôn

Cùng với rác thải thì chất thải chăn nuôi đang làm cho môi trường sống của nhiều gia đình nông thôn bị ô nhiễm nặng nề. Thực trạng chăn nuôi theo phương pháp truyền thống đã bộc lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, muốn xây dựng nông thôn mới, chính bản thân mỗi hộ nông dân phải thay đổi ngay từ bây giờ. ..

Chăn nuôi nông thôn và bài toán của sự ô nhiễm

Nhiều năm qua, việc phải sống chung với tình trạng ô nhiễm tràn lan ngay trong chính khu chăn nuôi của gia đình đã làm cho gia đình bà Trần Thị Nhung – xóm 9 Xuân Viên – Nghi Xuân luôn thấy ái ngại với bà con xóm giềng. Một bầy bò, hàng chục con lợn... khối lượng phân thải mỗi ngày thực sự là khủng khiếp. Những đường dẫn tạm thời ra bãi ngô vườn lạc, đào mương, thậm chí là đào ao thoát thải... tất cả chỉ mang tính tạm thời. Ô nhiễm vẫn là bài toán nan giải. Bà Nhung cho biết: Ô nhiễm thì vô cùng, xóm giềng ai cũng kêu, nhiều lúc cũng đau đầu, tình làng nghĩ xóm rạn nứt nhiều khi cũng vì chuyện nuôi con bò, con lợn. Nhưng khổ, nông dân mà không chăn nuôi thì biết mần chi ăn...".

Môi trường ở nhiều vùng nông thôn đang bị ô nhiễm nặng. Ảnh: Internet

Trong thực tế, chăn nuôi nông thôn chưa nói lớn mà chỉ với số lượng mỗi nhà chỉ bầy gia cầm, vài ba con gia súc nhưng nếu không có biện pháp triệt để xử lý môi trường thì chỉ vài năm sau đã bộc lộ nhiều bất ổn. Chuồng trại thiếu quy hoạch, các biện pháp xử lý phân thải gần như không có, được chăng hay chớ, sống lâu thành quen là câu chuyện khá phổ biến với nông dân các vùng nông thôn hiện nay. Tiềm năng bệnh tật, nguy cơ dịch bệnh, chất lượng cuộc sống thấp... là điều dễ nhận biết nhất. Trong một cuộc làm việc với tỉnh ta về đề án phát triển chăn nuôi lợn cuối tháng 3 vừa qua, Tiến sỹ Phạm Công Hiếu – Phó viên trưởng viện chăn nuôi - Bộ NNPHNT cho rằng: " Nông thôn giờ chỉ chăn nuôi 10 con lơn là đã ô nhiễm rồi. Vấn đề là nông dân, nông thôn, chăn nuôi này đã trở thành tập quán hàng trăm năm nay rồi. Muốn họ thay đổi, họ tìm đến các biện pháp xử lý môi trường là đúng, là cần thiết nhưng phải từ từ, phải để nông dân họ thấy được, thấy thích, thấy tiện ích thì họ mới theo. Có vậy, môi trường nông thôn mới mang tính bền vững...."

Chăn nuôi sạch đang là đích hướng...

Tuy nhiên thay đổi cả tập quán không phải điều dễ dàng. Ông Phan Văn Vinh – một nông dân tại xã Xuân Viên – Nghi Xuân cho biết: “Nói thật, nông dân không chăn nuôi thì biết mần chi, cũng mong làm thế nào để hạn chế ô nhiễm nhưng xem chừng còn nhiều khó khăn lắm.” Nói vậy bới với gia đình ông Vinh - một hộ chăn nuôi lớn tại Xuân Viên - Nghi Xuân đã từng được xem là anh cả, nhanh nhạy đi đầu trong việc sử dụng bể Biôga trong chăn nuôi. Thế nhưng, bỏ ra hơn ba lứa lợn mà tuổi thọ bể chưa đầy một năm. Bình vỡ, hở khí, nước thải tiếp tục đổ về chỗ cũ... xót của nhọc lòng, quay về chăn nuôi truyền thống hoá ra lại yên sự. Thất bại này khiến ba năm nay, gia đình anh không hề nghĩ đến chuyện bỏ tiền ra để tình chuyện đầu tư xử lý chất thải chăn nuôi. Câu chuyện môi trường trong chăn nuôi nông thôn vì thế luôn nổi cộm.

Câu chuyện của giải pháp...

Tại xã Hương Thủy - Hương Khê, chúng tôi đến với gia đình ông Phạm Đức Hảo một trong những hộ dân nhiều năm nay luôn đứng đầu về việc chăn nuôi trong xã. Vì sống gần đường lại chăn nuôi với số lượng lớn, nhiều năm qua, gia đình ông Phạm Đức Hảo ít khi nhận được sự cảm thông của mọi người xung quanh. Tuy nhiên giờ đây, khi ông mạnh dạn lắp bể Bioga Composite để tận dụng nguồn khí sinh học, mọi vấn đề gần như được giải quyết thoả đáng. Chuồng trại được mở mang, khí đốt được khai thác tối đa, nhiều tiện ích được đưa lại mà người dân không thể tưởng tượng nổi. Ông bảo: " Bây giờ thì sướng quá rồi. Không chỉ sạch sẽ về mọi thứ mà tiện ích thì vô cùng, nấu nướng thoải mái, toàn nồi to nhưng nồi quân dụng mà vẫn đủ ga. Trước đây hai vợ chồng đi làm về còn tranh thủ vác thêm vài ôm củi, giờ thì thong thả về sớm, nghỉ ngơi… Biết thế này thì đăng ký làm lâu rồi…".

Bể Biogas Composite là một giải pháp

Còn ở xóm 5 xã Hương Thuỷ, chị Đặng Thị Thuỷ là hộ đầu tiên đăng ký chương trình lắp đặt bể Biôga theo công nghệ mới bằng nhựa Composite. Chưa đầy một tuần sau khi lắp đặt, chị đã có thể tận dụng được nguồn khí đốt sinh học để thực hiện mọi công đoạn trong nghề sản xuất đậu phụ của mình. Thời gian trước, mỗi ngày với 4 nồi nước làm đậu lớn, chỉ riêng thời gian kiếm củi đã mất khá nhiều. Cái lợi rõ nhất là tiết kiệm thời gian, công sức, tận dụng mọi nguồn, tạo được môi trường thông thoáng, sạch sẽ cho gia đình, làng xóm.

Đó chỉ là hai trong tổng só 40 hộ đăng ký và tiến hành lắp đặt bể bioga composite. Với 12 triệu đồng Đến nay, phần lớn các hộ dân đều có thể tận dụng được nguồn khí sinh học này phuc vụ cho việc nấu nướng trong gia đình. Ông Lê Xuân Huy – Bí thư Đảng uỷ xã Hương Thuỷ - Hương Khê cho biết: Ít ai có thể ngờ rằng, những nông dân vốn nghèo khó và lam lũ, giờ đây lại có thể thoải mái hưởng lợi những tiện ích do chính mô hình chăn nuôi khép kín cuả mình đưa lại. Trong điều kiện nguồn điện ngày càng phải tiết giảm, đòi hỏi ngày càng lớn về môi trường nông thôn, đây là một hướng đi hiệu quả với người nông dân.

Nói về tính năng và tiện dụng của việc sử dụng bể Biogas Composite, anh Phạm Thành Long – Giám đốc Công ty TNHH TM Hoàng Long cho biết thêm: “Điều khá mới mẻ trong cơ chế hoạt động đặc biệt của loại bể khí sinh học này chính là việc vừa tận dụng chất đốt, vừa sử dụng nguồn nước thải đã qua xử lý cho trồng trọt, giải quyết tâm lý lo lắng về chất bón trong nông nghiệp của người nông dân. Điều này có ý nghĩa đặc biệt lớn trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Với việc quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, người nông dân không chỉ yên tâm về môi trường mà còn tạo tiền đề cho việc phát triển một nền nông nghiệp chuyên canh các sản phẩm hàng hoá.”

Đây cũng là điều đã được nêu ra tại buổi làm việc của UBND tỉnh về đề án phát triển chăn nuôi và xử lý môi trường trong chăn nuôi ngày 11/3 vừa qua. Theo đó, để chăn nuôi nông thôn phát triển, đáp ứng các yêu cầu về nông thôn mới, UBND tỉnh chủ trương ưu tiên phát triển chăn nuôi tập trung, có quy trình và bảo vệ môi trường chặt chẽ, trước mắt dồn sức chỉ đạo từng điểm tại các xã tái định cư và các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Có thể nói, cùng với các văn bản chỉ đạo này, việc triển khai thành công mô hình chăn nuôi thân thiện môi trường chính là hướng đi có ý nghĩa với các vùng nông thôn hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast