Bí thư cấp ủy luôn đặt lợi ích của Đảng, của tập thể lên trên.

Về công tác ở cơ sở, gặp gỡ cán bộ, đảng viên và quần chúng, tôi nêu câu hỏi: bí thư cấp ủy cần phải có những phẩm chất gì để có thể "đứng mũi chịu sào ?".

Sinh hoạt tư tưởng

Trước câu hỏi đó, nhiều người cho biết: cấp ủy làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách được cụ thể hóa thành quy chế. Cơ chế lãnh đạo tập thể đòi hỏi từng cấp ủy viên phải đề cao trách nhiệm và phát huy năng lực cá nhân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, trong đó vai trò người chủ trì rất quan trọng. Bí thư cấp ủy phải vừa là trung tâm đoàn kết, vừa là điểm quy tụ trí tuệ tập thể; dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng chịu trách nhiệm; thực hành dân chủ nội bộ rộng rãi, thực chất, tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp, kể cả những lời chỉ trích, những ý kiến phản bác; không áp đặt, dân chủ hình thức, chuyên quyền, gia trưởng.

Đồng thời bí thư cấp ủy phải có bản lĩnh và năng lực "đãi cát tìm vàng". Từ những sự vật, sự việc tưởng như bình thường, vụn vặt, tìm ra được các mối liên hệ bản chất để gọi sự vật, sự việc đúng tên của nó, kết luận đúng bản chất các vấn đề mới nảy sinh; kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng, chống cái sai, không trung dung, ba phải, dĩ hòa vi quý. Trong quyết định nhân sự, sau khi có đủ thông tin cần thiết, hội nghị đã thảo luận kỹ, có số lượng đủ để lựa chọn thì cần áp dụng hình thức bỏ phiếu kín để đảm bảo tính khách quan. Bí thư cấp ủy cần có tâm trong sáng, khách quan, luôn đặt lợi ích của Đảng, của tập thể lên trên, không lạm dụng vị trí mưu cầu lợi ích cá nhân.

Đó là những phẩm chất không thể thiếu của bí thư cấp ủy, nhất là trong lúc chúng ta đang tập trung thực hiện NQT.Ư 4 (Khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", vai trò người đứng đầu hết sức quan trọng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast