Công tác giám sát của Đảng có ý nghĩa nhắc nhở, cảnh báo

Mục đích của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng nhằm giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật Đảng, giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức Đảng và đảng viên. Tuy vậy, công tác kiểm tra và giám sát của Đảng vẫn có nội dung khác nhau, điều này không phải đơn vị, cá nhân nào cũng hiểu rõ...

Một cán bộ có kinh nghiệm của ủy ban kiểm tra (UBKT) cho biết: từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (2006), cấp ủy và UBKT các cấp được giao thêm nhiệm vụ giám sát. Yêu cầu của giám sát là theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị. Đây là một phần rất quan trọng trong bước nhận thức của quá trình giám sát.

Nội dung này là sự khác nhau cơ bản giữa việc giám sát với việc kiểm tra. Thực chất, nhiệm vụ của giám sát chủ yếu chú trọng đến việc chủ động nắm tình hình, theo dõi và quan sát; trực tiếp từ việc lấy thông tin qua các nguồn khác nhau: chính thức và không chính thức, nghiên cứu báo cáo, nghe trình bày trực tiếp, nắm phản ánh của công luận, dư luận quần chúng, đảng viên...

Qua đó, nhận xét, đánh giá và kiến nghị; đánh giá cả ưu điểm, nhược điểm, tồn tại, nguyên nhân chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm cụ thể, nhắc nhở, cảnh báo. Chính vì vậy, công tác giám sát mang tính nhân văn cao, ngăn ngừa không để xảy ra sai phạm. Khác với giám sát, việc kiểm tra, ngoài các bước nêu trên, còn có đầy đủ các bước thẩm tra, xác minh, kết luận, xử lý đối tượng.

Để công tác giám sát đem lại hiệu quả cao, cấp ủy, UBKT các cấp và chi bộ, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy cần xác định rõ trách nhiệm, coi giám sát là nhiệm vụ thường xuyên. Trong chương trình giám sát lựa chọn những ngành, những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực để có kế hoạch giám sát cụ thể.

Việc nắm tình hình thể hiện trách nhiệm của chủ thể giám sát đối với các đơn vị khi đến giám sát. Bởi vì khi đưa ra những lời cảnh báo, nhắc nhở chính là những thông tin có ý nghĩa dự báo tương lai, mang tính phát hiện nhiều hơn là sự việc của hiện tại. Muốn dự báo đúng, muốn cảnh báo chính xác, người giám sát phải có nhiều thông tin của đối tượng được giám sát như: các thông tin về tình hình phát triển KT-XH; tình hình đơn thư khiếu kiện, những khó khăn có tính đặc thù của đơn vị v.v...

Ngoài yêu cầu đảm bảo chất lượng, tránh hời hợt; công tác giám sát còn phải đảm bảo yếu tố thời gian và nội dung vừa phải, không đề ra quá nhiều nội dung hoặc kéo dài thời gian không cần thiết. Việc kết thúc giám sát phải được hoàn thành ngay ở buổi sau cùng, không để cách quãng, làm hạn chế tác dụng của ngăn ngừa, cảnh báo vốn gắn liền với yếu tố thời gian là khẩn trương, kịp thời. Tuy nhiên, quá trình giám sát nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, thì cần có báo cáo riêng và đề xuất đưa sang kiểm tra.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast