Đạo đức là yếu tố quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

(Baohatinh.vn) - Phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của người đảng viên có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng – một nhiệm vụ then chốt trong giai đoạn hiện nay.

Bước vào Xuân Bính Thân và nhân kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, P.V Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ xây dựng Đảng Đặng Duy Báu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh xung quanh vấn đề này.

P.V: Thưa đồng chí! Trước đây, trong thời kỳ gian khó, nhân dân ta luôn coi đảng viên là hình mẫu lý tưởng để phấn đấu, tin theo. Vậy, theo đồng chí, đâu là nguyên nhân cơ bản hình thành nên tâm lý đặc biệt này?

Đồng chí Đặng Duy Báu: Trước hết, cần thấy rằng, trong thời kỳ gian khó, hoạt động bí mật, từ những người lãnh đạo cao cấp đến những đảng viên bình thường đều có phẩm chất chung, đó là tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng xả thân, không ngại bất kỳ sự hy sinh, gian khó nào, đặc biệt, luôn có đạo đức rất trong sáng. Thời kỳ ấy, vì mục tiêu cách mạng cần thiết phải tập hợp được đông đảo quần chúng, hội tụ toàn lực lượng để đánh đổ thực dân phong kiến, giành chính quyền, nên người làm cách mạng là tấm gương làm sao cho quần chúng thấy được phẩm chất tiêu biểu để tin, đi theo.

Đạo đức là yếu tố quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh ảnh 1

Ảnh minh họa từ internet

Bởi vậy, việc rèn luyện đạo đức của đảng viên vừa là yêu cầu, vừa là sứ mệnh của sự nghiệp lãnh đạo cách mạng. Từ lịch sử đến hiện tại, nhân dân luôn quý trọng những người có đạo đức trong sáng, gần gũi, biết vì dân. Bác Hồ nói:“Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” cũng là vì thế. Ở khía cạnh giá trị tạo thành nhân cách, Bác cũng nói: “Đạo đức là cái gốc của người làm cách mạng”. Vì thế, trong xây dựng Đảng, việc rèn luyện đạo đức cách mạng đã là một nhiệm vụ mang tính truyền thống của Đảng ta, được xem là tiêu chí quan trọng để giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ.

P.V: Trong quá trình phát triển, trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn thấy được thực tế có chuyện cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần gương mẫu, một bộ phận tiêu cực. Đồng chí có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Đồng chí Đặng Duy Báu: Chuyện cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần gương mẫu, một bộ phận tiêu cực, như Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) đã nêu là suy thoái về đạo đức, là chuyện có thật, kể cả từ cấp cao đến cơ sở. Thực ra thì từ khi Đảng ta chưa cầm quyền, trong quyển sách “Đường cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã căn dặn cán bộ cách mạng: “Phải không ham muốn về vật chất để giữ chủ nghĩa cho vững”. Sau này, khi giành được chính quyền, trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 12 điều xây dựng Đảng cách mạng chân chính, quy tụ lại cũng lấy đạo đức làm cốt lõi. Quá trình xây dựng Đảng từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vấn đề chỉnh đốn Đảng. Ngày nay, trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới, nhất là tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, vấn đề này càng được Đảng ta coi trọng…

Tại Hội nghị T.Ư 6 lần 2 (khóa VIII) năm 1999, Đảng ta đã xác định có một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Năm 2012, tại Hội nghị T.Ư 4 (khóa XI), Đảng ta vẫn khẳng định còn có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và đã đề ra 4 nhóm giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi, trong đó, nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, coi đó là một trong những phẩm chất hàng đầu.

Lấy việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một cuộc vận động lớn trong toàn Đảng và toàn xã hội. Điều mới là, Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, trong các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng, đã đưa vào và xem “tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng” là một nội dung quan trọng gắn liền với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Đạo đức là yếu tố quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh ảnh 2

Đồng chí Đặng Duy Báu

P.V: Là người trưởng thành từ cơ sở, từng giữ nhiều trọng trách ở tỉnh, theo đồng chí, đâu là những thuận lợi của đội ngũ cán bộ tỉnh nhà hôm nay? Và để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, cán bộ, đảng viên tỉnh ta cần làm gì?

Đồng chí Đặng Duy Báu: Từ trước đến nay, Đảng bộ Hà Tĩnh luôn coi trọng công tác tổ chức cán bộ nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung. Điều đó góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Trong điều kiện mới hiện nay, thực hiện chủ trương của Đảng, Hà Tĩnh đang có nhiều giải pháp tập trung vào việc nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ.

Trước tiên là tập trung vào việc đánh giá, nhận biết cán bộ qua các kênh từ trong Đảng ra ngoài quần chúng. Từ đó, tiến hành quy hoạch đội ngũ cán bộ các cấp, tạo điều kiện để cán bộ học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; luân chuyển đi cơ sở, va chạm với thực tế; tiếp xúc với công việc cụ thể, với nhân dân, được nhân dân giám sát thường xuyên để trưởng thành. Đó là việc làm rất cơ bản để cán bộ có điều kiện rèn luyện, phấn đấu. Nhưng bản thân người cán bộ cần phải nhận rõ trách nhiệm trước Đảng, trước dân.

Tỉnh nhà đang có sự phát triển toàn diện và các mặt nổi bật có công lớn của đội ngũ cán bộ. Nhưng Đảng bộ và nhân dân luôn mong muốn, trong điều kiện mới, cán bộ Hà Tĩnh cần thực hiện thật nghiêm túc lời Bác Hồ dạy: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, thường xuyên tu dưỡng đạo đức, lấy đức làm gốc. Phải hết lòng chăm lo cho dân, tránh hình thức, phô trương mà đi vào thực chất. Cần phải thực sự xây dựng tình đồng chí, anh em, thắt chặt, mở rộng đoàn kết, dân chủ trong Đảng và tôn trọng nhân dân, là công bộc của dân.

Cán bộ phải có cái tâm trong sáng, quan tâm đến đời sống, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cán bộ, viên chức phải luôn nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, sống minh bạch, trung thực, chân thành, không vô cảm với dân. Khi đã có quyền thì không lạm dụng quyền lực, không tham ô, tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Phải lấy việc giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức của mình để thuyết phục cấp dưới, tạo niềm tin và sự kính nể cho dân, cho đồng chí, đồng sự. Cần luôn ghi nhớ lời Bác dạy: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí! Kính chúc đồng chí và gia đình năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc!

(Thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast