Hà Huy Tập và Đại hội lần thứ nhất của Đảng

(Baohatinh.vn) - Hà Huy Tập là một trong những nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta, với tư duy sắc sảo và tính luận chiến cao, thể hiện bản lĩnh của một chiến sĩ cộng sản kiên cường vì sự nghiệp cách mạng. Ban Chỉ huy (BCH) ở ngoài dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hà Huy Tập đã chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương, đánh dấu sự khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng.

Hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Hà Huy Tập và Đại hội lần thứ nhất của Đảng ảnh 1
Đưa hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập từ TPHCM về quê hương ông tại Cẩm Xuyên. Ảnh: dantri.com.vn

Tháng 8/1933, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Dựt gặp Lê Hồng Phong ở Quảng Châu, đi tới quyết định triệu tập một hội nghị của Đảng vào tháng 3/1934 để thành lập BCH ở ngoài của Đảng do Lê Hồng Phong làm thư ký và Hà Huy Tập là ủy viên phụ trách tuyên truyền cổ động, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Bôn-sơ-vích; Nguyễn Văn Dựt, ủy viên phụ trách kiểm tra. Hội nghị cũng quyết định sẽ triệu tập một hội nghị BCH ở ngoài mở rộng vào tháng 6/1934, để bàn các công việc chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng lần thứ nhất vào mùa xuân năm 1935.

Giữa lúc BCH ở ngoài đang khẩn trương bắt tay vào dự thảo các văn kiện cho đại hội thì nhận được triệu tập của Quốc tế Cộng sản, về việc cử đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương đi Mát-xcơ-va dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. BCH ở ngoài đã quyết định cử đoàn đại biểu do đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu tham dự đại hội. Lúc này, đồng chí Nguyễn Văn Dựt đã được cử về Nam kỳ công tác, vì vậy, khối lượng công việc nặng nề dồn lên vai Hà Huy Tập.

Chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập đã làm việc không quản ngày đêm để soạn thảo 3 báo cáo chính: tình hình quốc tế, tình hình Đông Dương, tình hình của Đảng, của các tổ chức quần chúng, phong trào cách mạng, những nhiệm vụ trước mắt; các vấn đề tổ chức: công việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Cách mạng Tàu, cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Cùng với 3 báo cáo chính, Hà Huy Tập còn chuẩn bị các tài liệu trình bày trước đại hội như: đề cương chính trị về những nhiệm vụ trước mắt của Đảng; chương trình hành động; các điều lệ của Đảng và các tổ chức quần chúng.

Bên cạnh đó, để hướng dẫn các đảng bộ trong nước tiến hành công tác trù bị tiến tới đại hội, Hà Huy Tập đã viết bài Trước lúc Đại hội Đảng, phải nghiên cứu bản chương trình hành động của Đảng một cách thế nào?, đăng trên Tạp chí Bôn-sơ-vích số 10 (tháng 2/1935), trong đó, đồng chí nhấn mạnh: Phải coi bản chương trình đó “là kim chỉ nam cho tất thảy các đảng bộ về đường lý thuyết, tổ chức và thực hành”, “nhiệm vụ của các đảng bộ và các đồng chí là cần nghiên cứu bản chương trình cho tường tế để mà thực hành cho đúng điều kiện thực ở từng địa phương”.

Trong điều kiện hoạt động bí mật, việc chuẩn bị đại hội càng khó khăn hơn và đòi hỏi phải khoa học, khẩn trương. Quá trình chuẩn bị, hơn 100 cán bộ đảng, trong đó, có 49 người của xứ ủy Nam kỳ bị địch bắt; cũng có những kẻ đầu hàng phản bội, gây thêm khó khăn cho việc chuẩn bị tổ chức đại hội. Theo kế hoạch, đại hội dự kiến tiến hành trong 10 ngày, khai mạc vào 18/3/1935. Tuy nhiên, do kinh phí eo hẹp và nhiều khó khăn khác trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, Hà Huy Tập đành phải cho rút ngắn thời gian để phù hợp với tình hình.

Đại hội lần thứ nhất của Đảng tiến hành trong 5 ngày, từ 27 - 31/3/1935, với sự có mặt của đại biểu thuộc các đảng bộ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Xiêm, Lào, Cao Miên. Hà Huy Tập chủ trì đại hội và đọc báo cáo chính trị, nêu bật tình hình thế giới, tình hình xứ Đông Dương, chính sách mới của đế quốc Pháp và mưu mô mới của bọn thống trị bản xứ, cao trào cách mạng mới, tình hình Đảng và nhiệm vụ của Đảng. Báo cáo chính trị thể hiện sự phân tích sắc sảo, khả năng lý luận xuất sắc của Hà Huy Tập.

Báo cáo chính trị được thông qua trở thành nghị quyết chính trị của đại hội. Đại hội còn thông qua nhiều nghị quyết về công nhân vận động; phụ nữ vận động; nghị quyết về vận động binh lính, phản đế liên minh… Đặc biệt, đại hội đã ra nghị quyết về bản chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương; thông qua điều lệ mới của Đảng, các tổ chức công hội, nông hội, thanh niên, của Đông Dương phản đế liên minh Đông Dương…

Đại hội cũng đã bầu BCH Trung ương gồm 12 đồng chí, do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn. Trong hoàn cảnh Đảng vừa khôi phục tổ chức, phong trào cách mạng đang từng bước phục hồi, BCH ở ngoài dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hà Huy Tập đã chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Thành công của đại hội đánh dấu việc Đảng ta đã khôi phục được về tổ chức, sau gần 4 năm nỗ lực hoạt động (tháng 4/1931 - 3/1935), các cơ quan lãnh đạo từ trung ương đến cơ sở đã được lập lại, Đảng vẫn giữ vững và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Chủ đề 110 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ HÀ HUY TẬP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast