Hiệu quả luân chuyển cán bộ chủ trì huyện và sở, ban, ngành cấp tỉnh

Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và tạo nguồn, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh. Chỉ tính từ năm 2005 đến tháng 8/2013, BTV Tỉnh ủy đã luân chuyển hơn 240 lượt các đồng chí là UVBTV, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; cấp trưởng, phó các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và chủ trì cấp huyện...

Khi nói về công tác luân chuyển cán bộ, đồng chí Đặng Duy Báu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng: Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn địa phương, trước khi Bộ Chính trị có Nghị quyết 11-NQ/TW (tháng 1/2002) về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Đảng bộ tỉnh đã thực hiện khá thường xuyên việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nhờ đó đã góp phần đào tạo nên đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh hiện nay như Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đinh Xuân Việt có nhiều năm làm Bí thư Thị ủy Hà Tĩnh (nay là Thành ủy Hà Tĩnh); UVBTV, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Hà Văn Thạch đã từng kinh qua chức vụ Bí thư Huyện ủy Hương Sơn...

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình trao đổi kinh nghiệm xây dựng TCCS Đảng trong sạch vững mạnh
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình trao đổi kinh nghiệm xây dựng TCCS Đảng trong sạch vững mạnh

Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Nam Hồng thì thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, BTV Tỉnh ủy xác định: luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và tạo nguồn, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh. Chỉ tính từ năm 2005 đến tháng 8/2013, BTV Tỉnh ủy đã luân chuyển hơn 240 lượt các đồng chí là UVBTV, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; cấp trưởng, phó các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và chủ trì cấp huyện. Đặc biệt là sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (tháng 9/2010) đến nay, công tác luân chuyển cán bộ được tiến hành đồng bộ hơn, mạnh mẽ hơn. Luân chuyển không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, giúp cán bộ phấn đấu, trưởng thành mà còn góp phần bổ sung, điều chỉnh cơ cấu đội ngũ và bảo đảm cho việc bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý hơn.

Trước khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Văn Huyên - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Tỉnh ủy được luân chuyển về làm Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên 4 năm (tháng 8/2009 - 7/2013). Đồng chí cho rằng, từ hoạt động chủ trì ở huyện, bản thân mình được rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng trong thực tiễn, được học hỏi, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý toàn diện, bao quát hơn. Kế thừa thành quả của các thế hệ đi trước, đồng chí Huyên cùng tập thể cấp ủy xây dựng, củng cố khối đoàn kết thống nhất, là hạt nhân chính trị lãnh đạo, khơi dậy sức mạnh của dân để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Liên tục 3 năm (2010-2012), Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên được BTV Tỉnh ủy công nhận đơn vị trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

Trường hợp đồng chí Hà Văn Hùng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn được luân chuyển giữ cương vị Bí thư Huyện ủy Hương Khê gần 3 năm qua cũng là một điển hình. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, thấy rõ khó khăn, nắm chắc thế mạnh, đồng chí đã cùng Đảng bộ Hương Khê xác định phương hướng, đề ra chương trình, kế hoạch hành động, lãnh đạo nhân dân thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, nhiệm vụ chính trị của địa phương; năm 2012, Đảng bộ Hương Khê đạt đơn vị trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

“Thực tiễn ở địa phương là môi trường thử thách, tôi luyện lớn đối với tôi cả về bản lĩnh chính trị, công tác lãnh đạo, quản lý và cuộc sống đời thường; nhưng cũng vì vậy mà tôi có điều kiện trải nghiệm thực tế qua 3 năm luân chuyển về làm Bí thư Huyện ủy Lộc Hà” là tâm sự của đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - Tỉnh ủy viên, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Xác định về làm chủ trì cơ sở phải sát dân, hiểu dân, đồng chí Nữ Y đã lăn lộn với phong trào của địa phương để giải quyết những vấn đề đặt ra từ cuộc sống, nên được cán bộ, đảng viên và quần chúng gọi là “người của công việc”.

Thực hiện nghị quyết của Đảng về xây dựng nông thôn mới, xã Kỳ Tân (Kỳ Anh) huy động mọi nguồn lực làm đường giao thông nông thôn.
Thực hiện nghị quyết của Đảng về xây dựng nông thôn mới, xã Kỳ Tân (Kỳ Anh) huy động mọi nguồn lực làm đường giao thông nông thôn.

Cũng giống như 3 đồng chí trên, các đồng chí Đặng Quốc Khánh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân (tháng 7/2013 được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh); Hoàng Văn Quảng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Hồng Lĩnh; Nguyễn Văn Danh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Anh và nhiều người khác, đã có bước trưởng thành, tiếp cận nhanh với công việc mới. Số cán bộ này không những củng cố, phát huy được nhiệm vụ chuyên môn mà còn vững vàng về quan điểm, chỉ đạo toàn diện cả về phát triển KT-XH gắn với xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh.

Mỗi cán bộ luân chuyển đều thể hiện tinh thần trách nhiệm, năng động, dám nghĩ, dám làm, cùng tập thể cấp ủy lãnh đạo làm chuyển biến tình hình ở địa phương, đơn vị, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm và đa số được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ. Qua luân chuyển cán bộ, bước đầu đã tạo nên động lực và nguồn sáng tạo mới trong lãnh đạo của cấp ủy cũng như trong các phong trào ở địa phương, đơn vị. Từ đó có thể khẳng định: luân chuyển cán bộ là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, tạo điều kiện để những cán bộ trong diện quy hoạch được rèn luyện, thử thách ở nhiều lĩnh vực khác nhau, làm cho cán bộ sát dân, sát thực tiễn cuộc sống; giúp cán bộ trưởng thành nhanh và toàn diện hơn, tạo nguồn cho lâu dài.

Thực tế cho thấy, những cán bộ được luân chuyển qua nhiều lĩnh vực công tác có vốn sống, vốn kinh nghiệm dồi dào hơn và hiệu quả công việc cũng cao hơn, khi bố trí, sắp xếp vào bất cứ công việc nào cũng hoàn thành khá toàn diện. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến khác nhau về luân chuyển cán bộ. Sự thay đổi vị trí công tác khiến cán bộ được luân chuyển có khi gặp thuận lợi nhưng cũng có khi lại khó khăn hơn vị trí cũ. Không những thế, còn phải hợp lý hóa gia đình để cán bộ yên tâm công tác. Thời gian luân chuyển có nhất thiết từ 3-5 năm, hay ngắn hơn hoặc dài hơn?

Cán bộ là “tài sản đặc biệt” của Đảng, của chính quyền, đoàn thể và trên hết là của dân. Vì vậy, luân chuyển, bố trí cán bộ làm ở đâu có lợi cho công tác, có lợi cho dân là quyền của tổ chức. Người cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm túc là lẽ đương nhiên. Luân chuyển cán bộ là một việc làm khó, nhạy cảm, đòi hỏi phải đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai, thận trọng, chặt chẽ. Cấp ủy phải thường xuyên theo dõi, kịp thời giúp đỡ cán bộ luân chuyển vượt qua khó khăn, trở ngại và khắc phục những mặt yếu để cán bộ làm tốt nhiệm vụ được giao. Trong nhiều trường hợp, cần có những phương án dự phòng, thay thế khi có tình huống phức tạp nảy sinh, kịp thời ổn định cán bộ từng địa phương, đơn vị.

Thực hiện luân chuyển cán bộ là tạo bước đột phá góp phần đổi mới sâu sắc công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý lâu dài cho các cấp, ngành; tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực, địa bàn cần thiết, khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị và những hạn chế, tiêu cực khác. Luân chuyển cán bộ gắn với quy hoạch cán bộ sẽ tiếp tục là những định hướng đúng trong công tác cán bộ của tỉnh, là điều kiện để cán bộ lãnh đạo, quản lý của Hà Tĩnh ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast