Khắc ghi quan điểm xây dựng Đảng về đạo đức của Bác

(Baohatinh.vn) - Trong nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh, nổi lên một bộ phận rất quan trọng đó là tư tưởng về đạo đức cách mạng. Người cho rằng, xây dựng Đảng về đạo đức là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, giáo dục và tu dưỡng tốt hơn, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

khac ghi quan diem xay dung dang ve dao duc cua bac

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa, trao giấy chứng nhận, vinh danh các điển hình học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (tháng 6/2017). Ảnh tư liệu

Ngay từ những ngày đầu chuẩn bị thành lập Ðảng (1927), trong cuốn Ðường Kách mệnh, sau khi dẫn lời Lê-nin về vai trò của lý luận cách mệnh tiên phong đối với Ðảng tiên phong, Người mở đầu tác phẩm bằng một mục lớn: “Tư cách một người cách mệnh”. Trong mục này, Người xác định những yêu cầu về đạo đức mà người cách mệnh phải có như: “Giữ chủ nghĩa cho vững. Ít lòng ham muốn về vật chất... Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm... Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể...”. Hồ Chí Minh đưa ra tiêu chí của một người cán bộ tốt, đó là người cán bộ phải vừa có đức, vừa có tài.

Trong đó, đạo đức là gốc, Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Khi cách mạng đã giành được chính quyền và khi từ chiến tranh đã chuyển sang hòa bình xây dựng, những yêu cầu về đạo đức đối với cán bộ, đảng viên không những không giảm đi, trái lại càng tăng thêm, do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến xây dựng Ðảng về đạo đức cách mạng.

Người đã rất sớm thấy nguy cơ đối với Ðảng cầm quyền không những là bệnh quan liêu, hách dịch, vênh váo lên mặt “quan cách mệnh”, mà cả những thói hư tật xấu khác rất dễ nảy sinh trong cán bộ, đảng viên, nhất là trong những người có chức, có quyền, như bệnh địa vị, công thần, cục bộ địa phương, bè phái, cái thói “chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp... lo chiếm của công làm của tư”, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công… Hồ Chí Minh chỉ rõ 3 căn bệnh chính là tham ô, lãng phí, quan liêu - đó là những “thứ giặc nội xâm” mà chung quy tất cả những thói hư tật xấu kể trên đều bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, muốn cho Ðảng trong sạch, Người chỉ rõ phải “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Trước lúc đi xa, lời căn dặn cuối cùng của Người trong Di chúc đã nói vắn tắt và đầy đủ về một điều cốt tử nhất trong xây dựng Ðảng cầm quyền, nó quyết định vận mệnh của Ðảng, của Nhà nước, vận mệnh của cả chế độ - đó là đạo đức cách mạng: “Ðảng ta là một Ðảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Tuy nhiên, trong suốt các thời kỳ cách mạng, nhất là thời kỳ đổi mới, một bộ phận không nhỏ trong Ðảng không thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trượt ngã vào “vũng bùn” của chủ nghĩa cá nhân, trở thành những phần tử quan liêu, ức hiếp quần chúng, tham nhũng, hối lộ, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Ðảng.

Trước tình hình đó, Đảng ta khởi xướng cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua các nghị quyết, trong đó, mới đây nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Tại nghị quyết xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này, Đảng ta thẳng thắn đưa ra 27 biểu hiện suy thoái được chia đều cho 3 nhóm, gồm: 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nhìn chung, tất cả các nội dung về suy thoái trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cho dù đã được cụ thể hóa một cách chi tiết hơn nhằm phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn cách mạng hiện nay nhưng tất cả đều nằm trong quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, cụ thể hơn là 12 điều răn của Bác được viết vào năm 1947. Đặc biệt, với 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống mà nghị quyết đưa ra, trong đó, điển hình như: “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi…; Mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi…; Quan liêu, xa rời quần chúng…; Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp…; Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền…” đều nằm trong những biểu hiện mà Bác Hồ đã cảnh báo, nhắc nhở, răn dạy từ những ngày đầu cách mạng.

Người cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta thường xuyên quan tâm đến vấn đề đạo đức cách mạng, nêu cao ngọn cờ phòng chống tham nhũng, nhất là thời điểm này khi mà cả hệ thống chính trị đang tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Hình ảnh “lò nóng, củi tươi” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra, hy vọng sẽ không ai đứng ngoài cuộc, thiêu rụi chủ nghĩa cá nhân, mang lại niềm tin trong nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast