Nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng tại các chi bộ thôn xóm

(Baohatinh.vn) - Mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn (gọi tắt là chi bộ cơ quan xã) được thành lập và hoạt động theo Hướng dẫn số 10, ngày 10/10/2007 của Ban Tổ chức Trung ương. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện ở cơ sở đã có không ít bất cập, hạn chế nên đến nay mô hình chi bộ cơ quan xã trên địa bàn Hà Tĩnh đã giải thể.

Chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn còn hạn chế

Ngay sau khi có Hướng dẫn số 10 của Ban Tổ chức Trung ương về việc thí điểm “Thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn” và hướng dẫn của tỉnh, huyện, một số xã, phường, thị trấn thuộc 9/12 huyện, thành, thị đã triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện, cùng với tiếng nói từ cơ sở cho thấy, việc thành lập chi bộ cơ quan xã có tác dụng tích cực. Bởi do sinh hoạt Đảng nơi công tác nên chi bộ, chi ủy có thể đánh giá sát tình hình, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ chuyên môn của các đảng viên trong chi bộ. Các chi ủy, chi bộ cơ quan xã cũng đã phát huy được vai trò lãnh đạo đối với hoạt động của các tổ chức đoàn thể…

Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Lộc (Can Lộc) đọc và làm theo báo Đảng.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Lộc (Can Lộc) đọc và làm theo báo Đảng.

Mô hình này cũng đã giải quyết được những băn khoăn của một số cán bộ, đảng viên được điều động, luân chuyển. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Lộc Hà Nguyễn Duy Sơn cho biết, ưu điểm của mô hình chi bộ cơ quan xã là thuận lợi trong việc bố trí sinh hoạt Đảng cho cán bộ được luân chuyển, điều động từ cấp huyện về cơ sở, luân chuyển cán bộ, công chức giữa các xã. Ngoài ra, còn thuận lợi hơn trong bồi dưỡng, kết nạp quần chúng là công chức chuyên môn ở cơ sở…

Dù vậy, sau gần 5 năm đi vào thực tiễn, mô hình chi bộ cơ quan xã cũng đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, khiến một số địa phương đã chủ động giải thể. Theo báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đến năm 2012, toàn tỉnh còn lại 55 chi bộ cơ quan xã và đến thời điểm hiện tại, mô hình này đã được giải thể hoàn toàn.

Cán bộ quan liêu, xa rời dân

Là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện mô hình chi bộ cơ quan xã nhưng cũng từ những bất cập trong quá trình thực hiện nên Đức Thọ đã sớm chủ động giải thể mô hình. Bí thư Huyện ủy Đức Thọ - Nguyễn Công Hàm cho biết: “Sau khi có hướng dẫn của cấp trên, chúng tôi đã triển khai tại hầu hết các xã trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, thấy rõ những bất hợp lý trong quá trình thực hiện, đặc biệt là tình trạng xa rời quần chúng, xa rời thực tế của một số cán bộ, đảng viên; thông tin hai chiều từ cấp trên xuống thôn xóm và từ thôn xóm lên cấp trên không được thực hiện thường xuyên, kịp thời nên ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Và mặc dù đã xây dựng quy chế làm việc nhưng thực tế hoạt động của chi ủy, chi bộ cơ quan xã còn lúng túng, không rõ nét… Năm 2012, chúng tôi đã quyết định xóa bỏ mô hình này”.

“Dù việc xóa bỏ mô hình chi bộ cơ quan xã đã gây băn khoăn đối với một số cán bộ, công chức luân chuyển nhưng xét thấy có quá nhiều bất cập nảy sinh và những khó khăn trong sinh hoạt Đảng, giới thiệu kết nạp Đảng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên ưu tú cư trú ở nơi khác có thể khắc phục được nên chúng tôi đã tiến hành xóa bỏ mô hình này” - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Lộc Hà - Nguyễn Duy Sơn cho biết thêm.

Về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thạch Châu Nguyễn Tiến Tám chia sẻ: “Năm 2011, chúng tôi bắt đầu làm hồ sơ để xúc tiến việc thành lập chi bộ cơ quan xã, nhưng qua quá trình tìm hiểu thực tế tại một số mô hình, chúng tôi nhận thấy đằng sau những ưu điểm là những bất cập lớn. Nhất là hiện tượng một số cán bộ xã xa rời quần chúng, quan liêu. Nhiều cán bộ không tham gia sinh hoạt tại cơ sở; việc đánh giá chất lượng hàng năm của các chi bộ cơ quan xã còn biểu hiện hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm… nên chúng tôi quyết định dừng lại”.

Giám sát chặt chẽ đảng viên tại thôn xóm

Khi giải thể chi bộ cơ quan xã, chuyển cán bộ, công chức về sinh hoạt tại chi bộ thôn xóm không có nghĩa là đảng ủy các xã không cần giám sát, kiểm tra mà công tác này càng phải tăng cường và thường xuyên hơn. Do vậy, các đảng bộ xã cần có cơ chế phối hợp và quy chế giám sát chặt chẽ hơn, sát với tình hình thực tế.

Việc giám sát, kiểm tra sẽ tập trung vào các nội dung như chấp hành chế độ sinh hoạt của các chi bộ, giám sát đối với các đồng chí trong cấp ủy. Đảng ủy giao nhiệm vụ các đảng ủy viên không chỉ dự sinh hoạt chi bộ với vai trò là đảng viên mà còn là người quản lý, giám sát theo địa bàn để từ đó kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn, khắc phục những sai sót, lệch lạc, công bằng và dân chủ trong việc đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ và chất lượng đảng viên của chi bộ cuối năm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast