Nghĩ thêm về việc tổ chức trù bị đại hội đảng bộ

(Baohatinh.vn) - Đại hội Đảng là sinh hoạt chính trị lớn, quan trọng của mọi tổ chức Đảng. Cán bộ, đảng viên và nhân dân hết sức quan tâm, gửi gắm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng sau mỗi kỳ đại hội. Bởi vậy, đại hội tổ chức càng chu đáo, đạt kết quả tốt thì niềm tin yêu của mỗi người càng được nâng lên...

Nghĩ thêm về việc tổ chức trù bị đại hội đảng bộ ảnh 1
Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Đức Thủy (Đức Thọ) nhiệm kỳ 2015 - 2020

Đến nay, toàn đảng bộ, về cơ bản đã tổ chức xong đại hội các tổ chức cơ sở đảng (trừ TX Kỳ Anh đang còn một số đơn vị), công việc còn lại là khẩn trương chuẩn bị để tiến hành đại hội cấp trên cơ sở, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. Trong mỗi đại hội thì vấn đề quan trọng nhất là làm sao đánh giá đúng tình hình nhiệm kỳ qua (cả những cái đạt được và cái chưa hoàn thành), đồng thời xác định đúng mục tiêu nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới.

Có một thực tế là khi tiến hành đại hội, vẫn có những việc thuộc về thủ tục; được giải quyết trong phần trù bị. Do đó, công việc trù bị giải quyết tốt là một trong những yếu tố đưa đại hội đến thành công. Từ thực tế đại hội cơ sở đảng vừa qua, xin có đôi điều trong việc tổ chức trù bị đại hội như sau:

Thứ nhất: Trù bị là công việc chuẩn bị, sắp xếp trước cho đại hội, vì vậy, mọi kết quả trong công việc trù bị đều được xem là hợp lệ và là công việc bình thường của đại biểu trước khi đại hội chính thức diễn ra. Tuy vậy, không phải cái gì cũng có thể đưa vào công việc trù bị. Trù bị đại hội rất cần được quan tâm, nhất là những nơi nhận thấy có thể có vấn đề phức tạp nảy sinh hay những đại hội có vấn đề đối ngoại. Còn những đại hội thông thường không nên quan tâm nhiều đến hình thức, thủ tục mà nên giảm bớt, tránh rườm rà, mất thời gian.

Thứ hai: trù bị đại hội chỉ nên giải quyết một số việc như: bầu đoàn chủ tịch và thư ký; thống nhất chương trình nghị sự; thảo luận và thống nhất quy chế. Nếu có thì báo cáo kiểm tra tư cách đại biểu và thông báo một số công việc liên quan... Phần việc này thực hiện nhanh, chậm tùy thuộc vào sự chuẩn bị của cấp ủy. Đại biểu hầu hết biểu quyết thống nhất theo sự chuẩn bị và đệ trình của cấp ủy đương nhiệm. Tuy nhiên cũng phải chú ý rằng, phần nội bộ này là phần thể hiện khá rõ uy tín, năng lực tổ chức, điều hành, sự nhanh nhạy trong xử lý tình huống của cán bộ. Vì vậy, tổ chức theo dõi cấp trên nên cử cán bộ đến dự, không nên chỉ tham dự tại đại hội chính thức.

Thứ ba: Không nên chia đại hội làm 2 phiên (phiên thứ nhất và phiên thứ hai). Thật không hợp lý khi mỗi phiên đều có lời khai mạc, báo cáo, tham luận của đại biểu và tổng kết, bế mạc riêng.

Thứ tư: Phần tham luận của đại biểu về báo cáo chính trị nên dành thỏa đáng cho các ý kiến phân tích, mổ xẻ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp... điều kiện đảm bảo thực hiện thành công trong nhiệm kỳ tới. Đây là phần then chốt của đại hội mà nếu tường thuật trực tiếp thì cán bộ, đảng viên và nhân dân sẽ quan tâm theo dõi hơn.

Thứ năm: Cần bố trí quỹ thời gian trù bị thích hợp. Thực tế cho thấy, trong các đại hội vừa qua, nếu trù bị đại hội chỉ giải quyết các công việc nói trên thì có thể thực hiện xong trong thời gian xấp xỉ 1h đồng hồ. Như vậy, các tổ chức đảng có thể tập trung vào phần tham luận để rút ngắn thời gian đại hội. Có thể gửi tài liệu và chương trình trước để đại biểu khách mời sắp xếp thời gian đến dự.

Ngày nay, khi trình độ dân trí không ngừng được nâng lên, thì từ ngữ sử dụng trong đại hội cũng cần được chọn lọc hợp lý. Thực tế có những cấp ủy viên mỗi lần lên bục đều sử dụng cụm từ “tôi xin thông qua” làm cho mọi người thấy… “chướng”. Thay vì đó, nên dùng cụm từ trình bày, công bố, báo cáo...

Một vài suy nghĩ trên rất mong được quan tâm để đại hội Đảng các cấp thành công mỹ mãn, đáp ứng lòng mong đợi của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast